Trang chủ Chính trị Tấm áo giáp cho cán bộ “dám” đổi mới

Tấm áo giáp cho cán bộ “dám” đổi mới

3
0

Lâu nay, chúng ta hay nhắc đến cán bộ 3 dám, đó là dám nghĩ, giàm làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, lần đầu tiên, đặt ra yêu cầu cán bộ phải thực hiện 6 dám, đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách. Đây không chỉ là việc thay đổi về mặt con số mà là yêu cầu cao hơn đặt ra cho mỗi cán bộ, để đảm đương, gánh vác tốt hơn, hiệu quả hơn các trọng trách được giao.

Tấm áo giáp cho cán bộ “dám” đổi mới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII

Đặt ra yêu cầu cán bộ phải 6 dám là vấn đề mới và khó, nhất là trong điều kiện hiện nay khi hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết. Như trong Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đã nhận xét là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Tình trạng này khiến nhiều cán bộ có tâm lý e dè, ngần ngại, sợ sai trong thực thi công vụ, “mũ ni che tai” không dám quyết, dám làm, không dám đột phá, sáng tạo.

Chính vì vậy, khi đặt ra yêu cầu cán bộ phải 6 dám, ta cũng xác định cũng cần phải có một cơ chế hiệu quả để khuyến khích cũng như bảo vệ cán bộ “dám xé rào”, dám đột phá vì lợi ích chung. Và mới đây, cơ chế đó đã ra đời. Kết luận số 14 của Bộ Chính trị vừa được ban hành đã chỉ rõ: Sẽ miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ khi thực hiện đúng chủ trương mà không đạt kết quả đề ra, nhưng có động cơ trong sáng vì lợi ích chung. Đây có thể coi như một điểm tựa để những cán bộ tâm huyết trách nhiệm với công việc chung, thêm vững tin, thêm quyết liệt trong đổi mới, sáng tạo.

Khách quan mà nói, đổi mới sáng tạo, đột phá vào những nội dung đã lạc hậu cản trở sự phát triển là một yêu cầu khó và cao đặt ra đối với mỗi cán bộ. Trong quá trình này, họ phải luôn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, những tác động khách quan mang lại và cả những áp lực vô hình.

Để đổi mới sáng tạo, rất cần người cán bộ phải có bản lĩnh, phải quyết đoán, mạnh dạn trong suy nghĩ và hành động, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân. Nhưng cũng cần hiểu rõ, đổi mới, sáng tạo đó không phải là sự tự tung, tự tác của một cá nhân nào, mà rất cần phải có quy trình xem xét, đánh giá chặt chẽ của cấp ủy, của tổ chức Đảng thông qua các cơ quan chuyên môn. Có như vậy, mới có thể hạn chế những rủi ro, sai sót, hoặc ngăn chặn những hành vi núp dưới danh nghĩa đổi mới, sáng tạo, cố ý vi phạm quy định của pháp luật.

Trong thời điểm hiện nay, khi đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19 thì hơn lúc nào hết rất cần những cán bộ tâm trong, trí sáng, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. Từ đó sẽ vừa có những cách làm hay, mang tính đột phá, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu khôi phục sản xuất – kinh doanh. Không thể có chỗ đứng cho những cán bộ lừng chừng, dè dặt, sợ trách nhiệm, không biết lo trước nỗi lo của dân, không biết sốt ruột trước lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Diệu Hương


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây