Xưa nay, ông bà ta có câu “Đất lành thì chim đậu”, tức con chim chỉ đậu trên những nơi an toàn, đảm bảo an toàn và lợi ích của nó. Đất không lành thì chẳng con chim nào dám đậu. Từ đây cũng cho thấy câu chuyện về thu hút và giữ chân các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. Họ chọn Việt Nam vì chúng ta có những thứ mà họ cần, vì lợi ích mà chúng ta mang đến cho họ. Đây là mối quan hệ lợi ích hai chiều, chứ không phải việc ban phát hay ai cho ai điều gì nên dù là lợi ích hay rủi ro cũng cần có sự chia sẻ với nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà hơn 30.000 dự án FDI đã chọn Việt Nam làm nơi đặt trụ sở, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 362 tỷ USD. Vì những lợi thế mà Việt Nam đang có nên cả nước ta lẫn doanh nghiệp nước ngoài đều đảm bảo được “lợi ích thì hài hòa”. Lợi ích mà Việt Nam mang đến cho doanh nghiệp xuất phát từ chính con người, đó là nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, đang ngày càng được đào tạo chất lượng. Đó là cơ sở hạ tầng tiên tiến, đang dần hoàn thiện. Đó là cơ chế chính sách thông thoáng, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, hỗ trợ các khoản thuế, giúp doanh nghiệp gỡ bỏ bớt gánh nặng khi đầu tư tại Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước có chính trị ổn định. Đặc biệt, kể từ sau khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực của Liên Hợp quốc, ký kết thành công EVFTA và IPA thì vị thế của Việt Nam ngày càng lớn. Cảnh cửa hợp tác, phát triển kinh doanh sản xuất tại Việt Nam gần như mở toang, với 99% thuế hải quan giữa EU và Việt Nam được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi đang đón nhận làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng tòa cầu, sau Google chọn Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel thì Amazon và Home Depot cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng. Apple cũng quyết định di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Đây là đòn bẩy để các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam tận dụng bứt phá mạnh mẽ. Ngược lại, Việt Nam cũng nhận lại lợi ích không nhỏ từ doanh nghiệp nước ngoài, đó là giải quyết được tình trạng thất nghiệp, giảm tệ nạn xã hội và tốc độ tăng trưởng GDP luôn dương ngay cả khi bùng phát dịch bệnh. Đây chính là ” lợi ích thì hài hòa” giữa Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài.
Giờ đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều không ai mong muốn cả. Nó đã gây ra biết bao nhiêu mất mát, đau thương cho người dân Việt Nam. Biết bao nhiêu doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng, ngấp nghé bên bờ vực phá sản, thậm chí là đã phá sản. Doanh nghiệp nước ngoài cũng không tránh khỏi áp lực, khó khăn, từ việc trả lương nhân công, chi phí vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, kinh phí test Covid-19 cho công nhân,… Đó gần như là khó khăn chung, là rủi ro mà hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp phải. Nhưng nếu lựa chọn mở cửa hoạt động sản xuất đại trà khi chưa đảm bảo được an toàn thì những rủi ro về sinh mạng cho người lao động Việt Nam sẽ tiếp tục xảy ra nhiều hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh “Không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh, không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác vẫn phải chống dịch Covid-19”. Tinh thần là “an toàn để sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”. Tuy nhiên an toàn không phải là thứ từ trên trời rơi xuống mà phải có sự cộng tác, phối hợp, đoàn kết, cố gắng của mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp chung tay, chung sức, đồng lòng tạo ra. Cả Chính phủ Việt Nam lẫn doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều nguy nan, khốn đốn thì điều cần nhất đó là sự thông cảm, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau và nỗ lực hết sức cùng nhau vượt qua.
Có câu “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, thông điệp “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi chính là lời hiệu triệu mong muốn doanh nghiệp nước ngoài sát cánh đồng hành cùng Việt Nam, thể hiện vai trò của mình nhiều hơn trong cuộc chiến với dịch Covid-19.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Hoa Kỳ nhìn thấy được nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và họ cũng chia sẻ với quan điểm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” của Thủ tướng. Họ khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, chung tay cùng chính phủ Việt Nam chống dịch, tạo ra sự an toàn để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Sự cố gắng của họ cũng đã được người lao động Việt Nam đáp lại rất nhiều. Thực tế, chúng ta cũng đã thấy, dù dịch bệnh nguy hiểm nhưng vẫn có hàng triệu người công nhân ở các khu công nghiệp, nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai kiên cường bám trụ, vừa đảm bảo sản xuất vừa chống dịch không ngừng nghỉ. Và chắc chắn, không phải người dân quốc gia nào cũng làm được như người dân Việt Nam. Vì vậy, hãy ngẫm lại bài học “cho đi” và “nhận lại” để chúng ta cùng nhau hành động, khắc phục khó khăn, chiến thắng đại dịch.
Tinh thần chung của đất nước hiện nay vẫn là ưu tiên đảm bảo tính mạng và sức khỏe của người dân. Vì thế, hy vọng cả doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp trong nước có thể hiểu được điều này này để tiếp tục liên kết, chia sẻ lợi ích và giải quyết rủi ro cùng nhau nhiều hơn.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò