Đang chuẩn bị giản cách toàn thành phố theo chỉ thị 16 thì cuộc điện thoại của Thủ tướng đã giúp lãnh đạo Hà Nam phải suy nghĩ lại, ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn trong đêm và cuối cùng đưa ra quyết định.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy kể, tối muộn tuần trước, trước khi Hà Nam chuẩn bị phong tỏa toàn bộ thành phố Phủ Lý theo chỉ thị 16 thì nhận được điện thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xem lại.
Về phần mình, Thủ tướng trong vai trò Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch có lý do để lo lắng. Ông kể lại: “Chỉ còn 1 tiếng nữa là tỉnh thực hiện giãn cách xã hội tại Phủ Lý, 11 giờ đêm, tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh”.
Ông đặt câu hỏi: “Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng với hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không?” Ông lưu ý, phong tỏa diện rộng như vậy, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.
Cuộc điện thoại của Thủ tướng đã giúp lãnh đạo Hà Nam phải suy nghĩ lại. Ông Huy kể, sau đó, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn ngay trong đêm và cuối cùng đưa ra quyết định chỉ giãn cách một số điểm. Ví dụ, có phường 12 nghìn dân nhưng chỉ phong tỏa 1 ngõ có 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu.
Ông Huy cho hay: “[Việc phong tỏa hẹp] giúp tỉnh không mất quá nhiều nguồn lực cho việc cung cấp nhu yếu phẩm để tập trung nguồn lực cho các việc khác như xét nghiệm”.
Bước ngoặt
Câu chuyện trên được công bố trong cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn ngày 25/9.
Nó thể hiện một bước ngoặt trong hành động trong chống dịch bệnh, không phải cứ có một vài ca Covid-19 là phong tỏa rộng cả huyện, cả tỉnh để tận diệt virus, để đưa về tình trạng Zero-Covid.
Cuộc họp toàn quốc kể trên đã mang đến một bước ngoặt về tư duy chống dịch qua tuyên bố: Ban chỉ đạo quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Để đạt được tuyên bố trên là cả một chặng đường dài mà Thủ tướng đã phải từng bước chuẩn bị về tâm lý và nhận thức cho hệ thống.
Trước đó 2 ngày, cũng trong cuộc họp của Ban chỉ đạo, Thủ tướng nói: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt “Zero-Covid” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”.
Trong cuộc họp với các nhà khoa học cách đây hơn một tuần, ông tỏ ra sốt ruột: “Có một khu phố có F0 thôi mà phong tỏa luôn cả xã, cả phường; có một xã thôi mà phong tỏa luôn cả huyện. Tôi hỏi, phong tỏa để làm gì thì không thấy ai đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ tình, không có biện pháp. Phong tỏa 14 ngày rồi có F0 lang thang trong cộng đồng, lại phong tỏa, rồi lại phong tỏa nữa”.
Phong tỏa hơn 1/3 đất nước do Zero-Covid
Chủng Delta với hệ số lây nhiễm cao, thời gian ngắn đã làm thay đổi mọi thứ, nhất là kinh nghiệm chống dịch từng làm cho Việt Nam thành công trong năm 2020. Phương châm “truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch,…” theo phương châm Zero-Covid đã không còn hiệu quả bởi các ca nhiễm quá sâu rộng, nhất là tại TP.HCM và một số tỉnh xung quanh.
Theo triết lý Zero-Covid, có tới 23 tỉnh trên toàn quốc đã thực hiện phong tỏa theo chỉ thị 16.
Tác động của phong tỏa diện rộng đến kinh tế là rất đáng kể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9 và nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới từ quý 4 năm nay, tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 3,5-4%.
Đây sẽ là năm thứ hai GDP không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, tác động tới việc thực hiện mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Câu hỏi đặt ra, vì sao Việt Nam đã từng chống Covid theo cách “lửa nhỏ khoanh nhỏ, lửa to khoanh to” mà lại “khoanh tất cả” tới 23/63 tỉnh?
Các chuyên gia cho rằng, đây là tác động của các chính sách được thiết kế theo tinh thần Zero-Covid.
Gần đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sửa quyết định 2686 sớm để các quy định không bị lạm dụng, làm các tỉnh có thể phong tỏa diện rộng.
Trong khi đó, 4 hiệp hội doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị cần thoát khỏi quy trình chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai để tránh đổ vỡ kinh tế.
Cần tránh sang thái cực “lơ là, chủ quan”
Sức ép của cộng đồng doanh nghiệp và nhất là tư duy “sống chung thích ứng an toàn” với Covid-19 gần đây của Thủ tướng đang góp phần thay đổi chính sách chống dịch.
Điều đó thể hiện rõ qua việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cuối tuần trước công bố dự thảo văn bản dự kiến sẽ thay thế cho chỉ thị 15, 16, 19 và quyết định 2686 kể trên. Văn bản này không còn theo đuổi tận diệt virus hay thực hiện mục tiêu Zero-Covid.
Ông Long nhìn nhận: “Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch trong thời gian tới”.
Cũng theo tinh thần không còn Zero-Covid, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố dự thảo về kế hoạch vận tải, theo đó bỏ quy định hành khách phải là người đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh trong khi các điều kiện áp dụng thông thoáng hơn.
Câu hỏi đặt ra là, liệu các dự thảo của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải có quá “thoáng”, ảnh hưởng tới quá trình chống dịch, hay vẫn quá “chặt”, gây ảnh hưởng đến mặt trận kinh tế, đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế của nhân dân?
Liệu Thủ đô Hà Nội nơi đang thực hiện chỉ thị 15 trong nội địa, nhưng vẫn thực hiện chỉ thị 16, tức là hạn chế người đến/đi có thể đáp ứng được các tiêu chí mang tính toàn quốc nếu các bản dự thảo trên được ban hành?
Những băn khoăn này nên được trả lời thỏa đáng để tránh những đổ vỡ không đáng có cả về dịch bệnh lẫn kinh tế.
Theo các chuyên gia, việc phong tỏa theo nguyên tắc phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…) có thể một số tỉnh, thành cũng đã áp dụng, nhưng đây là vấn đề cần thống nhất thành phương châm chống dịch, thực hiện đồng bộ ở nhiều tỉnh, thành.
Thứ nhất, khi thực hiện phong hỏa hay giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ, hẹp nhất, chi phí về nguồn lực tài chính và nhân lực sẽ ít tốn kém. Đồng thời, khi phong tỏa ở quy mô nhỏ, có thể cho phép triển khai nhanh các biện pháp kiểm soát dịch, dập dịch.
Thứ hai, khi phong tỏa ở phạm vi nhỏ hẹp có mục tiêu, có thể triển khai giãn cách nhanh trong 14 ngày để kiểm soát dịch, nhanh cả trong thực hiện xét nghiệm, đưa nhanh F0 ra khỏi cộng đồng.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện phong tỏa, giãn cách phạm vi hẹp ở quy mô thôn ấp, xã phường, có thể đảm bảo sự cơ động trong huy động, tổ chức lực lượng y tế cộng đồng cấp xã, chăm lo kịp thời tới cấp thôn, hộ gia đình.
Sự cơ động ở cấp, xã phường còn cho phép trong một đơn vị hành chính, vùng xanh có thể hỗ trợ nhanh cho vùng đỏ.
Theo một số chuyên gia, với phương châm rõ như nêu trên, khi thực hiện thống nhất ở các tỉnh, thành sẽ giảm bớt những vấn đề phát sinh trong phong tỏa, giãn cách nếu áp dụng ở phạm vi rộng. Tương tự, việc truy vết, xét nghiệm, trả kết quả cũng được giải quyết trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, phương châm chống dịch phong tỏa, giãn cách ở phạm vi hẹp nhất, truy vết và xét nghiệm nhanh, gọn được xem là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nhiều tỉnh, thành. Phương châm này cũng giúp cho các địa phương dễ dàng huy động lực lượng tại chỗ, dập dịch nhanh và gỡ phong tỏa sớm.
Tư Giang
Nguồn: Cánh cò