Có thể nói, chuyến công du diễn ra trong thời khắc đặc biệt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đem về rất nhiều kết quả đặc biệt. Không chỉ đơn thuần hợp tác phát triển kinh tế, đem về cho Việt Nam hàng tỷ USD, mà đặc biệt hơn là ngoại giao vaccine, Chủ tịch nước đã đẩy mạnh xúc tiến đưa công nghệ sản xuất vaccine về Việt Nam.
Quan sát của Cánh Cò, chỉ trong một thời gian trong vòng một tuần, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đem về cho đất nước Việt Nam hàng loạt các tin vui đặc biệt, mà khó có quốc gia nào trong khu vực thực hiện được, nhất là về vaccine.
Nhắc đến vaccine, đầu tiên phải kể đến nước bạn Cuba. Chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz Canel không chỉ khẳng định cung cấp 10 triệu liều vaccine Covid-19 Abdala cho Việt Nam, gửi ngay hơn 1 triệu liều vaccine cùng chuyên cơ Chủ tịch nước về Việt Nam, mà còn quyết định cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Abdala, trong đó có cả kế hoạch hợp tác sản xuất vaccine phòng Covid-19 dành cho trẻ em của Cuba đến Việt Nam.
Cũng trong chuyến công du này, qua công tác ngoại giao, Hàn Quốc cam kết hỗ trợ và sẽ giao hơn 1 triệu liều vaccine cho Việt Nam vào giữa tháng 10-2021. Hungary cam kết giao ngay 400.000 liều vaccine, tập đoàn Northwestern Medicine hỗ trợ thiết bị y tế trị giá 3,8 triệu USD, công ty Thermo Fisher cung cấp 270.000 bộ test kit trị giá 2 triệu USD ngay cho Việt Nam.
Riêng trong cuộc làm việc của Chủ tịch nước với công ty Pfizer, Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vaccine cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn. Ngoài vaccine, nhiều đối tác và kiều bào tại Hoa Kỳ đã hỗ trợ vật phẩm y tế với trị giá 8,8 triệu USD.
Với thời gian 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông qua các cầu nối ngoại giao đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế lớn cùng khoảng 20 cuộc gặp với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới và làm được biết bao việc cho Việt Nam: Hàng loạt hợp đồng tỷ USD được ký kết, hàng loạt mối quan hệ mới – đối tác mới được nâng tầm và mở ra, và hàng loạt tín hiệu phát triển kinh tế sau đại dịch được kết nối. Thủ tướng Bangladesh Sheik Hasina, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio bày tỏ mong muốn với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cần đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt hơn nữa, trực tiếp và trực tuyến, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Tại các phiên họp cấp cao của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an và nhiều phiên họp khác của Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tự tin khẳng định mạnh mẽ với bạn bè quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển và vươn lên, có trách nhiệm và đóng góp một cách tích cực và xây dựng trong các vấn đề chung của quốc tế. Điều đó, thêm một lần nữa tại cuộc gặp với đại diện Trung Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khéo léo đề cập đến một vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia của Việt Nam, bên cạnh bảo vệ chủ quyền Biển Đông, ranh giới, lãnh thổ và an ninh nguồn nước.
Một thông điệp rất tinh tế đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, truyền đi, dù ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ẩn ý nhắc nhở: “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng ổn định, lành mạnh, vì đây là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”. Đây cũng là thông điệp nhận được rất nhiều đánh giá cao từ giới truyền thông và các nhà quan sát.
Đặc biệt trong cuộc tiếp xúc cấp cao với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, ngay sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn “IMF hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tiếp cận với nguồn vaccine, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại”. Tổng Giám đốc IMF đã đáp lại bằng lời nhận định: “Đánh giá cao chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng. IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng như đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước tương lai sắp tới”.
Bên lề Phiên họp ở Liên Hợp Quốc, một khoảng thời gian ngắn được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tận dụng, đủ để gặp, trao đổi với Hoàng hậu Hà Lan Maxima, tranh thủ sự hỗ trợ của Hà Lan để hàng Việt Nam tiến sâu hơn vào EU. Sau cái bắt tay, Hoàng hậu Maxima đã nhất trí với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục duy trì các tiếp xúc cấp cao, trao đổi giữa các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục phát huy thế mạnh của hai nước, tiếp tục là những đối tác hàng đầu của nhau tại ASEAN và EU”.
Với hàng loạt những tín hiệu, kết quả đồ sộ trên, đó chính là cơ sở để Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định: “Chuyến công du của Chủ tịch nước đã gặt hái nhiều thành quả, mang lại kết quả tổng hợp, toàn diện, góp phần tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”. Với người Việt Nam, đó là niềm tự hào, phấn khởi, ai cũng vui mừng khi vaccine về Việt Nam cùng Chủ tịch nước và tiếp nối sau đó. Nhưng trớ trêu thay, nó lại trở thành cái gai trong mắt các thành phần tự nhục, chỉ biết phủ nhận những thành tựu tốt đẹp của đất nước, bởi vì từ lâu trong họ đã mất đi niềm tự tôn dân tộc.
Những việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm, kết quả thực tế và được truyền thông quốc tế đăng tải rộng rãi như thế. Sự thật như thế mà có những kẻ vẫn ngoan cố nói ngược cho bằng được rằng “Việt Nam nổ”. Kể ra, với những kẻ nói càn, bất chấp đạo lý như thế thì thiết nghĩ nên đứng sang một bên, không đủ tư cách để luận bàn về đất nước Việt Nam.
Thanh Trúc
Nguồn: Cánh cò