Trang Sputnik của Nga vừa có bài viết với nhận định chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặt hái rất nhiều thành công, đem về ‘hàng tỷ đô’ với việc ký kết loạt thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và Mỹ.
Theo Sputnik, Việt Nam sau khi tạm dừng các dự án điện hạt nhân đã thúc đẩy nỗ lực hợp tác điện khí hóa lỏng LNG với đối tác Mỹ thông qua biên bản ghi nhớ giữa Công ty CP Chân Mây LNG và General Electric, Excelerate Energy nhằm phát triển dự án Chân Mây 4.800MW ở Thừa Thiên Huế.
Boeing cũng cam kết hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hợp tác với Google Cloud về chuyển đổi số toàn diện. Cùng với đó, Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions Hoa Kỳ David Dương cũng tặng Việt Nam thêm 1.000 máy thở.
Không hề gượng gạo khi nói chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đem về những hợp đồng tỷ đô cho doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, trang Sputnik nhận định.
Bên cạnh bài phát biểu gây ấn tượng tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 76 về quyết tâm đoàn kết chống Covid-19, chia sẻ vaccine công bằng và hỗ trợ cùng hồi phục, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn có hàng loạt cuộc gặp bên lề với lãnh đạo thế giới cũng như chứng kiến nhiều lễ ký kết quan trọng đối với nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước.
Ngày 22/9, bên lề phiên thảo luận chung cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp tập đoàn General Electric (GE), Excelerate Energy cùng GENx, Blackstone (Asia Group).
Cùng với đó, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng cùng lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Amcham (Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam) chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Công ty cổ phần Chân Mây LNG (CML – Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng) với General Electric, Excelerate Energy (EE) nhằm phát triển dự án Chân Mây LNG (4.800MW) ở Thừa Thiên – Huế.
Được biết, biên bản ghi nhớ với Excelerate Energy trị giá 800 triệu USD hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG và cơ hội tiềm năng sử dụng FSRU (đơn vị điều chỉnh lưu trữ nổi) của EE.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Chân Mây LNG cũng ký biên bản ghi nhớ với GE trị giá 2,4 tỷ USD nhằm hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG cùng cơ hội tiềm năng sử dụng tuabin và máy phát điện của GE.
Trước đó, Bamboo Airways của Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận mua động cơ GENx và gói bảo dưỡng máy bay Boeing 787-9 trị giá 2 tỷ USD với General Electric (GE), như Sputnik đưa tin ngày trước đó.
General Electric là công ty dẫn đầu thế giới về tuabin và máy phát điện, sẽ cung cấp các tuabin sử dụng năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và hydro có hiệu quả năng lượng tiên tiến nhất, đồng thời, cung cấp tai chính để phát triển dự án, trang Sputnik liệt kê.
Theo thông tin được công bố, dự án sẽ được phát triển với tư cách là nhà phát triển IPP (đầu tư tư nhân) và nhà cung cấp LNG dài hạn cho dự án. Theo thỏa thuận trước đó, miếng bánh 6 tỷ USD này Hoa Kỳ nắm 60% vốn sở hữu, Việt Nam 40%.
Trong đó, Excelerate Energy (EE) là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về FSRU (đơn vị tái hóa khí và lưu trữ nổi) với khối lượng LNG cung cấp hàng năm lên đến 30 triệu mét khối đến các trạm xuất khẩu khí hỏa lỏng trên toàn thế giới.
CML hiện đã và đang đi tiên phong trong việc phát triển và đầu tư dự án Chân Mây LNG là dự án 4.800MW đặt tại khu kinh tế cảng Chân Mây – Lăng Cô Thừa Thiên Huế. Với bản ghi nhớ vừa ký kết, cùng sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cuối năm 2019.
Phát biểu về thỏa thuận bà Trần Thị Hương Hà, Chủ tịch CML nêu rõ, lễ ký biên bản ghi nhớ hôm nay đánh dấu mốc quan trọng cho sự hợp tác và cam kết giữa một công ty Việt Nam và các công ty Mỹ trong việc phát triển lĩnh vực LNG của đất nước cũng như dự án nói riêng.
“Dự án sẽ không chỉ giúp nền kinh tế Việt Nam giảm thải carbon cùng với việc đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp mở ra cơ hội thu hút hàng trăm tỷ USD FDI đầu tư vào Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai gần”, bà Trần Thị Hương Hà cho biết.
Đại diện GE và EE cũng tin tưởng vào tính khả thi của dự án Chân Mây LNG của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động và vận hành thương mại, hàng năm, dự kiến nhà máy sẽ cung ứng sản lượng điện trung bình là 24-25 tỷ kWh, trang Sputnik thông tin thêm.
Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn cùng đại diện các bộ, ngành đã có cuộc tiếp xúc với tập đoàn Boeing, Mỹ. Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Boeing mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam.
“Điều này thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Boeing đối với Việt Nam bất chấp những khó khăn về kinh tế – xã hội do dịch bệnh Covid-19 gây ra”, Chủ tịch nước lưu ý.
Hơn nữa, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, đây là biểu tượng cho sự gắn kết về thương mại – đầu tư và hạ tầng vận tải giữa Mỹ – Việt Nam nói riêng và với khu vực Đông Nam Á nói chung.
Ông Michael Arthur, Chủ tịch Boeing International phát biểu cho biết tập đoàn rất vinh dự khi được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và có cơ hội trao đổi trực tiếp với nhà lãnh đạo Việt Nam về các mục tiêu chung trong phát triển năng lực hàng không vũ trụ Việt Nam.
“Nền kinh tế năng động của Việt Nam cùng với sự đầu tư vào lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao sẽ giúp thúc đẩy ngành hàng không vũ trụ của quốc gia trong nhiều năm tới”, ông Michael Arthur khẳng định.
“Boeing cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trên suốt chặng đường này”, lãnh đạo tập đoàn nêu rõ.
Đặc biệt, tại buổi gặp gỡ đặc biệt giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng người Việt Nam tại New York, Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (Mỹ) David Dương đã tặng Việt Nam 1.000 máy trợ thở tự tạo oxy. Được biết, lô hàng này có trị giá 3 triệu USD.
Bảo Trâm (Theo Sputnik)
Nguồn: Cánh cò