Hiện, cả nước có hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận, huyện) không thể học trực tuyến vì thiếu thiết bị. Chính vì vậy, Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm mang đến băng thông Internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và hàng chục triệu thiết bị hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến. Tuy nhiên, lợi dụng sự kiện này, các đối tượng, tổ chức chống phá không ngừng xuyên tạc, kích động, tô vẽ, hòng làm giảm ý nghĩa nhân văn của chương trình cũng như giảm uy tín của Chính phủ.
Có thể kể đến như các trang mạng Việt Tân, VOA, BBC, Nhật ký yêu nước và các đối tượng như Lê Ánh, Phạm Minh Vũ đã xuyên tạc rằng, “Chính phủ vô liêm sỉ”, “Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã dùng mọi thủ đoạn để người dân góp tiền”, “Trong khi nhân dân đang đói khổ thì lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo lại nghĩ ra chiêu trò ép học sinh học trực tuyến bằng máy tính, điện thoại thông minh để mua bán thu lợi bất chính”… Từ đó, kích động người dân yêu cầu Chính phủ phải khẩn cấp gỡ bỏ lệnh cấm vận, ngăn sông, hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân, không được kêu gọi nhân dân ủng hộ mà phải dùng từ tiền thuế và ngân sách Nhà nước để bảo đảm.
Thực tế, đây là những luận điệu xuyên tạc, phản động, đi ngược lại truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ nghìn năm lịch sử nước nhà. Ai cũng hiểu, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội của cả nước. Ngành giáo dục cũng nằm trong vòng xoáy của khó khăn, tuy nhiên không phải vì thế mà việc phổ cập và trang bị kiến thức cho các em bị ngừng lại. Việc học trực tuyến ra đời trong bối cảnh ấy.
Bài toán đặt ra khi áp dụng hình thức này là sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không có phương tiện để tham gia học trực tuyến; Kiến thức, kỹ năng dùng máy tính, mạng của người dân còn chưa cao, chưa đồng đều; Hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt. Đặc biệt, theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến. Trong khi tổng số học sinh các cấp đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu em thì có đến khoảng 1,5 triệu học sinh tại 26 tỉnh/thành phố chưa có máy tính để học. Bên cạnh đó, ở một số địa phương vẫn còn những điểm chưa có kết nối mạng di động tới nơi.
Thấu hiểu những khó khăn đó, Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, để kêu gọi quyên góp hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan hữu trách tiến hành phủ sóng trực tuyến di động rộng hơn, đảm bảo việc học trực tuyến hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong buổi lễ phát động khẳng định: “Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng trong điều kiện giải quyết tình thế góp phần gieo những hạt mầm, để những hạt mầm đó lớn lên và tiếp tục lan toả tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên mọi miền của đất nước ta”.
Có thể thấy, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta. Cho đến nay, chương trình đã được cộng đồng các doanh nghiệp, địa phương, các nhà hảo tâm,… quan tâm, ủng hộ lớn, giúp hàng chục nghìn em nhỏ có đủ trang thiết bị để học. Sự chung tay kịp thời của toàn xã hội đã giúp những đứa trẻ có thêm kiến thức, giúp những bậc cha mẹ bớt giọt nước mắt tủi hờn vì không lo đầy đủ cho con cái. Đây là minh chứng sắc bén, bẻ gãy các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời, nó cũng cho thấy, phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta – tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn, hoạn nạn, tiếp tục lan tỏa mãi mãi trường tồn theo thời gian.
Sông Trà
Nguồn: Cánh cò