Tăng hay giảm biên chế trong gian đoạn tới; xây dựng vị trí việc làm như hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa; vấn đề khung năng lực và chi trả lương, phụ cấp hiện nay; chính sách cho việc thực hiện tinh giản biên chế… cần tiếp tục tổng kết và làm rõ để quyết định cho tổng biên chế trong thời gian tới.
Ngày 8/9, hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị đã diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, căn cứ Quyết định số 19-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị, để kịp thời triển khai nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là tham mưu Bộ Chính trị quyết định về tổng biên chế và kế hoạch sử dụng biên chế giai đoạn 2022-2026, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ động triển khai một số nội dung: Báo cáo kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2021-2026; Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; Quy định về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị; Kế hoạch tổ chức khảo sát tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị; Báo cáo xây dựng Đề án vị trí việc làm; Thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên và một số nội dung khác.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá, các nội dung tại cuộc họp đã được Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị công phu, chu đáo, đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Ban Chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh vai trò tham mưu Bộ Chính trị kịp thời ban hành các chủ trương, định hướng nhằm tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác quản lý biên chế, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo. Nhấn mạnh công tác quản lý biên chế, thực hiện tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm là những công việc khó, hết sức hệ trọng, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tập trung cao độ để hoàn thành tốt các nhóm nội dung công việc theo Kế hoạch công tác nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị xem xét, quyết định các chủ trương, nguyên tắc về quản lý biên chế, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách… của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở chủ trương, nguyên tắc của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành, Ban Chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền về quản lý biên chế xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế giai đoạn 2022-2026 và hằng năm; tiến hành tổng hợp, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định… Theo đó, mỗi nội dung, đề án phải được nghiên cứu công phu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cao.
“Tăng hay giảm biên chế trong gian đoạn tới; xây dựng vị trí việc làm như hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa; vấn đề khung năng lực và chi trả lương, phụ cấp hiện nay; chính sách cho việc thực hiện tinh giản biên chế… cần tiếp tục tổng kết và làm rõ để quyết định cho tổng biên chế trong thời gian tới”, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu.
Tổ giúp việc cần tiếp thu, chỉnh sửa và thống nhất các văn bản, hệ thống báo cáo ngay từ đầu nhiệm kỳ để các cấp, các ngành thực hiện, bảo đảm thống kê chính xác, kịp thời. Trên cơ sở tổ chức các đoàn khảo sát tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo, đề án để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Ngọc Anh
Nguồn: Cánh cò