Liên quan đến chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, các “mõ làng dân chủ” đã liên tục lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Việt Nam. Trước, trong và sau chuyến thăm của bà Kamala Harris, những thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới đã bị đưa ra công kích, hướng lái tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngày 04/9 vừa qua, RFA tiếp tục thể hiện bộ mặt thù hằn với Việt Nam khi tung ra bài viết với tiêu đề “Quyền, tiền và ngoại giao củ chuối”. Nội dung bài viết là những nhận định, đánh giá phiến diện, chủ quan, phi logic, sai lệch so với thực tế về chính sách đối ngoại của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong đó, những thông tin kích động, sai trái được rêu rao có thể kể đến như: “Việt Nam biết chính quyền Biden lúc này cần gì, nhưng vì ở vào thế không thể “kháng chỉ thiên triều” nên đành “đánh trống lảng” yêu cầu thiết yếu trong chuyến thăm của bà Harris”, “Cái gọi là “vận mệnh tương quan” nhiều lúc không phải vì lợi ích quốc gia – dân tộc, đó chỉ là địa vị cá nhân, quyền lực và kim tiền của phe nhóm, thông qua các vụ hối lộ “khủng” mà Trung Quốc dùng để bắt chẹt các nhà lãnh đạo Việt Nam”, “Trung Quốc đã làm cho lãnh đạo Việt Nam bị tê liệt”… Nói tóm lại, trong nhận định của RFA, Việt Nam phải coi Trung Quốc là “thiên triều”, không dám “kháng chỉ”; ngược lại, Việt Nam có hành xử ngoại giao không đúng mực, không tôn trọng Hoa Kỳ.
Dễ dàng nhận thấy, các luận điệu của RFA được tung ra đầy mưu mô, “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa bôi nhọ, hạ bệ hình ảnh, uy tín của Việt Nam, vừa xuyên tạc mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, vừa kích động tư tưởng hoài nghi trong quần chúng nhân dân và các mối quan hệ chính trị quốc tế.
Nói thẳng, những luận điệu được RFA tung ra là sai trái không cần bàn cãi.
Nguyên tắc bất di bất dịch của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao là độc lập, tự chủ, hoà bình hợp tác và phát triển. Độc lập là không phụ thuộc, không lệ thuộc, không chịu chi phối, cưỡng ép bởi bất kỳ yếu tố nào bên ngoài quốc gia – dân tộc. Tự chủ là tự mình làm chủ, tư mình lựa chọn con đường, hướng đi, tự mình quyết định các mối quan hệ của đất nước. Hoà bình, hợp tác, phát triển là việc chúng ta thiết lập các mối quan hệ ngoại giao trên cơ sở tôn trọng, giữ gìn sự ổn định trong các mối quan hệ quốc tế để cùng nhau phát triển. Đây là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia – dân tộc của mình trước mọi tác động của tình hình, trước những biến động của thời cuộc, khẳng định tính đúng đắn của đối ngoại Việt Nam.
Trên thực tế, không chỉ trong mối quan hệ với Trung Quốc hay Hoa Kỳ, mà đối với tất cả các mối quan hệ quốc tế khác, Việt Nam đều khẳng định tính độc lập, tự chủ. Không một ai, một thế lực nào, một quốc gia nào có quyền can thiệp, tác động, hướng lái công việc nội bộ của Việt Nam và càng không có một quốc gia nào có thể “làm tê liệt” đội ngũ lãnh đạo của Việt Nam, là “thiên triều” của Việt Nam. Rõ ràng, các luận điệu được RFA đưa ra là vô lý, xuyên tạc một cách trắng trợn bởi nếu “Trung Quốc đã làm cho lãnh đạo Việt Nam bị tê liệt”, “Việt Nam không thể kháng chỉ thiên triều”… thì Việt Nam đã rơi vào quỹ đạo lệ thuộc với Trung Quốc. Vậy nhưng thực tế, Việt Nam vẫn giữ vững sư độc lập của mình, vẫn trực tiếp phản bác và gửi công hàm phản đối Trung Quốc đến Liên hợp quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo theo luật pháp quốc tế…
Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị liên tục đặt Hoa Kỳ và Trung Quốc lên bàn cân chính trị và yêu cầu Việt Nam phải “chọn bên”, phải nghiêng về một phía. Đây là một thủ đoạn vô cùng thâm độc vì lựa chọn bất cứ bên nào thì Việt Nam cũng sẽ rơi vào trạng thái lệ thuộc, mất đi sự độc lập của mình và rơi vào vòng xoáy đối đầu của các cường quốc.
Những năm qua, Việt Nam phát triển mối quan hệ với Trung Quốc theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai là hoàn toàn phù hợp. Mục đích cao nhất trong việc phát triển các mối quan hệ quốc tế là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; để phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Những luận điệu xuyên tạc các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam thể hiện bộ mặt xảo trá, mưu đồ chống phát Việt Nam vô cùng thâm hiểm. Do đó, cần phải kiên quyết vạch trần, đấu tranh loại bỏ các thông tin sai trái.
Bảo An
Nguồn: Cánh cò