Trang chủ Luận bàn - Phản biện TP.HCM “sống chung với dịch” như thế nào là an toàn?

TP.HCM “sống chung với dịch” như thế nào là an toàn?

192
0

Chỉ còn một ngày nữa là hết thời gian áp dụng biện pháp siết chặt giãn cách ở TP.HCM, có lẽ nhiều người cũng giống như tôi đang ngóng chờ hành động tiếp theo của chính quyền thành phố.

TP.HCM “sống chung với dịch” như thế nào là an toàn?
Nới lỏng dần giãn cách xã hội để “sống chung với dịch”.

Đến thời điểm này thì dù cho ai đó thực sự rất lạc quan cũng không thể trả lời câu hỏi “Bao giờ TP.HCM mới hết dịch?” cũng giống như việc đừng bao giờ hỏi “Khi nào Đồng bằng sông Cửu Long mới hết ngập mặn”. Nếu như trước đây chúng ta có thói quen đếm ca dương tính mỗi ngày thì hiện nay, việc làm này không còn ý nghĩa lớn nữa. Bởi TPHCM đã trải qua hơn 3 tháng giãn cách với 6 lần nâng cấp độ chống dịch, tốc độ ghi nhận các ca nhiễm ở mỗi giai đoạn cao đều cao. Vì thế, đã đến lúc, tất cả chúng ta phải cùng thay đổi tư duy chống dịch.

Trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành, trên cương vị là Trưởng ban, Thủ tướng không chỉ nhắc lại phương châm lấy “xã phường làm pháo đài chống dịch” mà còn phát đi thông điệp rất quan trọng: “Cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Đây là bước ngoặt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch khi thấy rõ bản chất “phải sống chung lâu dài với dịch. Nhưng cách sống như thế nào thì đó chính là vấn đề cần làm rõ.

TP.HCM “sống chung với dịch” như thế nào là an toàn?
Thủ tướng khẳng định chiến lược “sống chung với dịch”.

Sống chung với dịch là chấp nhận sống chung an toàn với virus. Thời gian qua, bức tranh về Covid-19 có thể được “vẽ” ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là hoảng hốt và thiệt hại lớn về con người, dường như chỉ cầm cự và tìm cách chống dịch hiệu quả, cho đến khi tìm ra vaccine. Giai đoạn 2 giống Mỹ, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc tìm ra vaccine và tiến hành tiêm chủng hàng loạt. Và giai đoạn 3 là xử lý các các vấn đề đặt ra sau khi tiêm chủng. Việt Nam đang ở thời điểm giao thoa giữa giai đoạn 1 và 2. Vì vậy, điều đầu tiên, nếu muốn sống chung an toàn với virus thì người dân Việt Nam bắt buộc phải tiêm vaccine để loại trừ, phòng ngừa nó.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đã phát biểu rất đáng lưu ý: “Không thể thành phố cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được nhưng cũng không thể nới rộng khi chúng ta chưa đủ điều kiện. Phải đủ điều kiện cần và đủ tương đối mới có thể nới rộng các giải pháp…”. Điều kiện mà người lãnh đạo TP.HCM muốn nhắc đến, đó cũng chính là vaccine và mức phấn đấu của thành phố là sẽ kết thúc tiêm chủng toàn dân trong tháng 10 và tháng 11.

TP.HCM “sống chung với dịch” như thế nào là an toàn?
Chắc chắn TP.HCM sẽ phải nhanh chóng đẩy mạnh tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, sống chung an toàn với virus là TP.HCM sẽ phải tiến hành mở cửa với “vùng xanh”. Các quận huyện, phường xã có khả năng lây nhiễm thấp sẽ nới lỏng giãn cách để người dân thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Tất nhiên, người dân ở “vùng xanh” cũng phải thực hiện 5K. Với những nơi đang là “vùng đỏ”, điều cần thiết vẫn là siết chặt giãn cách và chính người dân ở đó cũng cần kiên nhẫn chờ đợi chuyển sang vùng xanh và thực hiện thông điệp 5T mới của Bộ Y tế “Tuân thủ nghiêm 5K – Thực phẩm đủ tại nhà – Thầy, thuốc đến tại gia – Test Covid-19 tất cả – Tiêm chủng tại phường, xã”. Lực lượng quân đội buộc phải tiếp tục duy trì để tiếp tục làm “chỗ dựa” giúp dân chống dịch, đồng thời góp phần ổn định tình hình ở TP.HCM.

TP.HCM “sống chung với dịch” như thế nào là an toàn?

Khi bài toán kinh tế và an sinh xã hội đang ngày càng trở nên phức tạp, khó khăn với TP.HCM thì có lẽ, chính quyền sẽ phải suy nghĩ “rã băng” các công ty, nhà máy ở vùng xanh giúp người dân nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, mỗi người phải xác định mình đang sống chung với lũ, vì vậy phải luôn tự trang bị cho mình “cái phao”. Có những thói quen cũ trong hoàn cảnh không có dịch buộc phải từ bỏ, thay vào đó chúng ta phải chấp nhận thói quen như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đi làm chia ca, chia tốp. Sẽ có những bất tiện khi “sống chung với dịch” nhưng Anh, Mỹ, Đức, Thái Lan, Israel làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được.

Không có giải pháp chuẩn nào để áp dụng 100% một cách máy móc. Thế nên, chúng qua đừng quá hy vọng ở đâu đó sẽ mang đến cho mình một phương thuốc thần kỳ mà hãy dựa vào chính mình, dựa vào tinh thần đoàn kết quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của nhân dân ta.

Đặng Trường 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây