Sau 7 ngày thực hiện giãn cách ở mức cao nhất, chính quyền TP.HCM nhìn nhận, công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng. Cần tiếp tục tận dụng thời gian vàng, vượt qua khó khăn để tăng tốc và về đích đúng theo tinh thần Nghị quyết 86.
Phát biểu tại hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều 30/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên điểm lại một số kết quả 7 ngày qua thực hiện các biện pháp nâng cao, ứng phó với dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết 86 của Thủ tướng và Chỉ thị 11 của UBND TP.
Ông Nên đánh giá, các lực lượng tham gia của hệ thống chính trị, từ TP đến cơ sở triển khai nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương và với một khí thế mạnh mẽ như từng pháo đài như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Nhân dân một lần nữa rất đồng tình ủng hộ với chủ trương này. Với giải pháp này và mọi người nâng cao ý thức chấp hành nghiêm, luôn luôn thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng trong hoàn cảnh cam go của cuộc chiến chống dịch”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ông Nên dẫn chứng kết quả xét nghiệm ở vùng đỏ, vùng vàng và vùng cam, tỷ lệ F0 là 3,8%, và cho rằng, điều này có nghĩa là nhân dân đã chấp hành giãn cách nghiêm và có hiệu quả.
Cũng nhìn nhận đây chỉ là bước đầu, những theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, là bước đầu rất quan trọng.
“Một tuần đầu tiên của 4 tuần, tuần đầu thực hiện vừa khởi động, vừa vượt chướng ngại vật, để thực hiện có kết quả quan trọng làm tiền đề cho các bước tiếp theo, hoàn thành kế hoạch theo chỉ tiêu của Nghị quyết 86”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Thuốc phải đến tận tay F0 chăm sóc tại nhà
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có chuyến thị sát đầu tiên trên cương vị Chủ tịch TP.HCM.
Tại trạm y tế lưu động số 6, quận 11, ông Mãi yêu cầu trạm tập trung việc quản lý, chăm sóc F0 tận tình, chu đáo. Ông cho rằng, đây là vấn đề ưu tiên số một.
Theo ông Mãi, trạm có sự tăng cường của quân y nên để các quân y trực tiếp lo cho F0, kể cả các bệnh nặng khác đang chăm sóc ở nhà; các nhiệm vụ như lấy mẫu, xét nghiệm,… thì tận dụng lực lượng khác.
Nói chuyện với lãnh đạo phường 6 về chăm sóc F0 tại nhà, người đứng đầu chính quyền TP nhắc nhở việc phải quán triệt “nguyên tắc đơn giản là thuốc phải tới tận tay F0”.
Sau chuyến thị sát, phát biểu tại hội nghị Thành ủy, ông Mãi cho biết, TP sẽ trích ngân sách mua thuốc cho F0 với tinh thần mua đủ hoặc nhiều hơn số F0 đang có (chăm sóc tại nhà).
Liên quan đến các túi thuốc điều trị cho F0, tại buổi họp báo chiều cùng ngày, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho biết, tổng số túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà có 3 loại gồm: túi A (thuốc hạ sốt và các loại thuốc nâng cao thể trạng bệnh nhân), túi B (thuốc kháng viêm, kháng đông) và túi C (thuốc kháng virus Molnupiravir).
Hiện Sở Y tế đã chuẩn bị được 150.000 túi thuốc A, B và đã giao 74.000 túi về các Trung tâm y tế quận, huyện để chuyển xuống các phường xã. 66.000 túi còn lại đang lưu ở kho của Bệnh viện Nhi đồng 1 và sẵn sàng phục vụ nhu cầu của bệnh nhân F0.
Theo bà Lan, túi thuốc A, B đảm bảo đầy đủ, thậm chí dư để cung ứng cho F0. Riêng túi thuốc C là chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế, nên TP chỉ được nhập 16.000 liều và không cung ứng đủ cho bệnh nhân F0 trên địa bàn TP.
Dự kiến 1-2 ngày nữa, TP sẽ được cung ứng thêm 34.000 liều, hy vọng đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân F0.
Cũng theo bà Phong Lan, có nhiều đơn vị, cá nhân, tổ chức chủ động ủng hộ các túi thuốc, thường thêm nhiều loại thuốc tăng cường thể trạng hoặc những nước xông hơi, xịt họng, vitamin, thuốc bổ… Tuy nhiên, có những thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh thì phải có ý kiến chuyên môn một cách rõ ràng, nếu không sẽ có hại cho bệnh nhân.
Cho shipper hoạt động và xét nghiệm hàng ngày
Về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho biết, đến 15/9, TP sẽ cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1; và tới 15/9 hầu hết các mũi 2 tới thời điểm phải được tiêm.
Ông Mãi thông tin, Bộ Y tế đã đồng ý sẽ cấp vắc xin cho TP đủ tiêm mũi 2.
Liên quan đến việc tạo điều kiện xét nghiệm cho những người vận chuyển (shipper) hoạt động trở lại, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, việc xét nghiệm cho các đối tượng giao hàng được miễn phí; thời gian xét nghiệm từ 5-6h sáng tại hơn 400 trạm y tế lưu động và 312 trạm y tế phường, xã.
“Đội ngũ shipper đang ở địa bàn quận, huyện nào thì đến địa điểm xét nghiệm tại nơi đó để làm xét nghiệm, Sở Y tế cam kết sẽ cố gắng, đảm bảo phục vụ cho việc xét nghiệm cho tốt”, ông Phạm Đức Hải cho biết.
Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, theo ông Hải, tính đến 6h ngày 30/8, có 210.425 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP được Bộ Y tế công bố, bao gồm 209.980 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh.
“Sau 7 ngày triển khai xét nghiệm trên diện rộng, TP đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu test nhanh, phát hiện 64.300 F0, chiếm 3,8% trong tổng số mẫu lấy”, ông Hải thông tin.
Nói thêm về mật độ giao thông, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP cho biết, đã tương đối ổn định so với các ngày trước.
“Mật độ lưu thông ta thấy trên đường không quan trọng, mà quan trọng là đáp ứng mục tiêu “ai ở đâu ở đấy”. Trong các khu dân cư, người dân ở nhà rất nghiêm túc. Trên các tuyến lưu thông, nhiều chốt rào có phân luồng, hạn chế để tập trung vào các chốt chính, nên người dồn về chứ không phải lưu lượng tăng”, ông Hà cho biết.
Tiếp tục chăm lo an sinh
Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Phạm Đức Hải cho biết, sau 8 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, TP đã hỗ trợ cho những người nghèo, khó khăn do dịch Covid-19, lao động tự do… với số tiền 2.181 tỷ đồng.
Trung tâm An sinh TP đã thực hiện hỗ trợ trên 1 triệu túi an sinh xã hội cho người dân trong tổng số 2 triệu túi theo kế hoạch.
Đây cũng là vấn đề Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đặc biệt lưu ý khi TP yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó” để thực hiện biện pháp y tế.
Theo ông Nên, khi người dân ngồi một chỗ, đứng yên một nơi thì phát sinh rất nhiều vấn đề. TPHCM phải ứng phó với việc này và đúng là vấn đề khó.
Ông Nên đề nghị các đơn vị phụ trách công tác an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa ngồi lại, bàn kỹ, sắp xếp lại cho ngăn nắp từ nắm nguồn, cung ứng nguồn đến đối tượng phân phối, phân bổ, vận chuyển… công khai minh bạch cho người dân biết.
“Lúc này chúng ta hết sức bình tĩnh, củng cố, cố gắng để vượt qua. Phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa vì người dân đang hy vọng vào mình. Từng đồng chí phải củng cố cho mình một niềm tin, vũ trang cho mình một vũ khí sắc bén, hành động với vai trò trách nhiệm cao nhất của mình, tận dụng thời cờ vàng, tăng tốc thực hiện theo kế hoạch đề ra” – ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Sở LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất bổ sung 9.247 tỷ đồng hỗ trợ nhiều hộ nghèo, lao động tự do, làm thuê, gia đình chính sách…
Theo Sở này, Nghị quyết 09 đã có hai gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi Covid-19 trong tháng 6. Tuy nhiên đến nay, dịch vẫn tiếp diễn, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 và nhiều biện pháp siết giãn cách nên số người dân khó khăn tăng lên. Do đó, nghị quyết này cần điều chỉnh theo hướng mở rộng nhóm được giúp đỡ và kéo dài thời gian hỗ trợ đến cuối năm 2021.
Hồ Văn
Nguồn: Cánh cò