Trưa 23/8, trên trang Facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đã chính thức lên tiếng xung quanh thông tin liên quan đến nhóm Fullbright dự báo TPHCM dịch đang đạt đỉnh và sẽ kết thúc vào tháng 8. Theo đó về ‘dự báo Fulbright’, ông xin chịu trách nhiệm cá nhân chứ Fulbright không hề liên quan.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Liên quan thông tin nhóm chuyên gia của Fulbright từng dự báo TPHCM dịch đang đạt đỉnh và sẽ kết thúc vào tháng 8, trưa 23/8, trên trang cá nhân, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý – Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức có lời trần tình như sau:
“Cải chính về “dự báo Fulbright”
Nhân việc BS Trương Hữu Khanh và một số facebookers khác bình luận về “Dự báo Fulbright”, tôi xin giải thích rõ để các bạn hiểu đúng sự việc.
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP và Sở TTTT cần dự báo dịch bệnh và nhờ tôi giúp. Do Fulbright không có chuyên môn này nên tôi đã giới thiệu 2 nhóm nghiên cứu độc lập ở hai ĐH của Úc giúp cung cấp kết quả dự báo. Nhưng khi Sở TTTT báo cáo BCĐ thì Sở gọi đó là “Nhóm nghiên cứu Fulbright” mặc dù trước đó Sở đã được giới thiệu đầy đủ về cả 2 nhóm, và hiển nhiên vì các bạn ấy ở 2 ĐH của Úc nên không thể thuộc về ĐH Fulbright.
Cũng cần ghi chú thêm là khi họp với Sở TTTT, cả 2 nhóm đều cảnh báo là kết quả dự báo phụ thuộc vào chất lượng dữ liệu đầu vào. Xin không đi sâu vào kỹ thuật dự báo, nhưng lấy một ví dụ đơn giản, chẳng hạn như nếu số ca ghi nhận chính thức chỉ bằng 1/2 số ca thực tế thì hiển nhiên kết quả dự báo sẽ bị thiên lệch đáng kể. Hoặc nếu ca F0 sau khi xét nghiệm mà được công bố ngay thì kết quả dự báo cũng sẽ rất khác so với việc vài ngày sau mới được công bố.
Tôi rất biết ơn và trân trọng tinh thần dấn thân của hai nhóm bạn đồng nghiệp đã làm việc không kể ngày đêm giúp TP dự báo dịch, rất tiếc là vì việc này mà các bạn bị liên lụy. Một cách công tâm và khoa học, rất khó tìm được dự báo chính xác, nhất là đối với các sự kiện có độ bất trắc cao và luôn biến động như đại dịch lần này.
Dự báo không phải là chiêm tinh hay tử vi, được làm một lần cho mãi mãi. Trái lại, cách duy nhất để các mô hình dự báo hữu ích là là phải cập nhật dự báo liên tục (bạn nào còn nghi ngờ điều này thì hãy xem dự báo của các tổ chức lớn nhất như WB, IMF, UNDP, UNCTAD về kinh tế, hay của rất nhiều tổ chức dự báo về đại dịch).
Tóm lại, về “dự báo Fulbright”, tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân chứ Fulbright không hề liên quan”.
Tiến sĩ kinh tế học Vũ Thành Tự Anh, sinh năm 1973, quê quán Hà Nội là Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý – Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nghiên cứu cao cấp tại trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy.
Ông còn là thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kì 2016-2021. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế phát triển, chính sách công nghiệp, và kinh tế học thể chế.
Ngày 27/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TPHCM. Tổ gồm 8 thành viên gồm các chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm do TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam làm) làm Tổ trưởng.
Các thành viên khác của Tổ tư vấn, gồm: TS Trương Minh Huy Vũ (Tổ phó, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM); PGS.TS Trần Hoàng Hải (Giảng viên cao cấp, quyền Hiệu trưởng Đại học Luật TPHCM); PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM); TS Nguyễn Ngọc Nhã Nam (Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM); PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam); ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam) và PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TP HCM).
Như Nhaquanly.vn đã thông tin, đầu tháng 7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM đã báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM về tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch Coivid-19 trên địa bàn thành phố do hai nhóm chuyên gia nghiên cứu. Sở TTTT cho biết các nhóm nghiên cứu này đã tổng hợp số liệu về số ca F0; số ca test ở bệnh viện hoặc cộng đồng, trong khu cách ly, phong tỏa; test dương tính lần 1, có hoặc không có triệu chứng; phân tích đánh giá xu hướng dịch theo các mốc áp dụng Chỉ thị 15, 16 và Chỉ thị 10.
Cụ thể theo báo cáo của Sở TTTT TPHCM như sau:
Nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright làm Trưởng nhóm.
Theo kết quả nghiên cứu, nhóm này cho rằng việc áp dụng Chỉ thị 10 cho thấy xu hướng dịch đã gần đạt đỉnh vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và dự kiến đợt dịch này sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021.
Đi liền với đó, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra 2/4 kịch bản phòng, chống dịch có kết luận dịch sẽ kết thúc vào tháng 8-2021.
Kịch bản thứ 1 là áp dụng Chỉ thị 10 trong 2 tuần tháng 7 và sau đó nới lỏng dần, tổng số ca nhiễm cả đợt sẽ là 11.000 người, dự kiến 7.000 giường bệnh.
Kịch bản thứ 2 là áp dụng Chỉ thị 16 trong 1 tuần đầu tháng 7, sau đó nới lỏng; dự kiến ca nhiễm là 7.000 – 10.000 ca và 7.000 giường bệnh.
Nhóm Tech4Covid do tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên làm Trưởng nhóm.
Nhóm này dự báo ca F0 cộng đồng có xu hướng đạt đỉnh và giảm nhẹ trong tháng 7-2021. Dịch sẽ được kiểm soát đến cuối tháng 8 nếu chỉ thị 10 được tuân thủ tốt và triển khai nhanh xét nghiệm Covid -19 trên diện rộng.
Nhóm này đề xuất phân loại quận, huyện theo nguy cơ.
Nhóm nguy cơ rất cao gồm các quận, huyện Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh, 8, 12, 1, 4.
Nhóm nguy cơ cao gồm các quận 7, 5, 10, 11, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (quận Thủ Đức và quận 9 cũ), Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp.
Nhóm có nguy cơ là các quận huyện: 3, 2, 6, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, Cần Giờ.
Và nhóm này kiến nghị cần cân nhắc đưa vào danh sách tăng cường xét nghiệm đối với nhóm có nguy cơ rất cao, cải thiện khai báo y tế điện tử cho thuận lợi và hiệu quả hơn, cải tiến mô hình phục vụ các dự báo số giường bệnh cần thiết, số ca tử vong, cần có thêm dữ liệu khai báo y tế…
Sở TTTTT TPHCM đánh giá hai nhóm nghiên cứu nói trên có tương đồng về việc áp dụng Chỉ thị 10 đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại TP HCM. Dịch đã có xu hướng gần đạt đỉnh ở vào cuối tháng 6 và có xu hướng giảm nhẹ vào đầu tháng 7-2021. Việc tiếp tục duy trì tuân thủ Chỉ thị 10 sẽ giúp cho việc kiểm soát dịch hoàn toàn tháng 8-2021.
Từ đó Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã đề xuất UBND TP HCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM xem xét các khuyến nghị của 2 nhóm nghiên cứu vì các khuyến nghị này dựa vào các căn cứ khoa học.
Trưa 23/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết tính đến 06 giờ ngày 23/8/2021, có 178.557 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, đã có 6.670 ca tử vong. Hiện đang điều trị 35.425 bệnh nhân, trong đó: có 2.096 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.519 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 89.547 bệnh nhân.
***
Ngày 1/7 Người lao động online có bài viết: Covid-19 ở TP HCM: Chuyên gia dự báo dịch đã gần đạt đỉnh, kết thúc cuối tháng 8
Bài viết thông tin về nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Tech4Covid dự báo đến đầu tháng 8-2021, dịch Covid-19 ở TP HCM chỉ còn rải rác vài ca/ngày và sẽ kết thúc vào cuối tháng này nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 10.
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM vừa có báo cáo tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với diễn biến dịch Covid-19 tại TP lên Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và một số thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.
Trong báo cáo, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã giới thiệu kết quả của 2 nhóm nghiên cứu: nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright và nhóm nghiên cứu Tech4Covid.
Theo kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright, việc áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP HCM cho thấy xu hướng dịch đã gần đạt đỉnh vào cuối tháng 6-2021 và đầu tháng 7-2021
Nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright đưa ra 4 kịch bản về áp dụng chính sách kiểm soát dịch, trong đó có 2 kịch bản áp dụng Chỉ thị 10 của TP và Chỉ thị 16 của Chính phủ và từ đó kết luận dịch bệnh sẽ suy giảm và kết thúc vào tháng 8-2021.
Trong đó có kịch bản áp dụng Chỉ thị 10 trong 2 tuần tháng 7 và sau đó nới lỏng dần. Tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 11.000 ca. Kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng.
Kịch bản còn lại là áp dụng Chỉ thị 16 trong một tuần kể từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, sau đó nới lỏng dần. Tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 7.000 – 10.000 ca. Kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và sẽ kết thúc vào giữa tháng 8.
Nhóm này khuyến nghị áp dụng Chỉ thị 10 trong 2 tuần đầu tháng 7, sau đó nới lỏng dần sẽ giúp kiểm soát dịch hoàn toàn vào cuối tháng 8-2021 và dịch không bùng phát trở lại. Dù vậy, cần kiểm soát nguy cơ từ các ca xâm nhập từ tỉnh khác.
Để giúp dịch giảm nhanh hơn, nhóm khuyến cáo kiểm soát việc đi lại vào ngày giữa tuần chặt chẽ hơn, hỗ trợ kinh tế cho người dân để giúp họ tuân thủ được Chỉ thị 10, xét nghiệm rộng và nhanh hơn… Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi số liệu và cập nhật dự báo để quyết định thời gian nới lỏng sớm hơn nếu các biện pháp nêu trên được thực hiện hiệu quả.
Còn nhóm nghiên cứu Tech4Covid dự báo ca F0 cộng đồng có xu hướng đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm nhẹ trong tháng 7-2021. Dịch bệnh sẽ được kiểm soát đến cuối tháng 8 nếu Chỉ thị 10 được tuân thủ tốt. Ngoài ra, dựa vào tiêu chí ca tầm soát và hệ số lây nhiễm của ca tầm soát, nhóm Tech4Covid đề xuất phân loại quận, huyện theo 3 nhóm: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ. Nhóm này khuyến nghị cân nhắc đưa vào danh sách tăng cường xét nghiệm đối với nhóm nguy cơ rất cao cũng như bắt buộc thực hiện khai báo y tế điện tử của TP HCM.
Sở Thông tin và Truyền thông nhận thấy 2 nhóm có tương đồng về việc áp dụng Chỉ thị 10 đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại TP HCM. Dịch đã có xu hướng gần đạt đỉnh ở vào cuối tháng 6 và có xu hướng giảm nhẹ vào đầu tháng 7-2021. Việc tiếp tục duy trì tuân thủ Chỉ thị 10 sẽ giúp cho việc kiểm soát dịch hoàn toàn tháng 8-2021.
Bên cạnh đó, phải nhanh chóng triển khai áp dụng công nghệ (xét nghiệm nhanh diện rộng, tiêm vắc-xin, khai báo y tế điện tử…) trong công tác phòng chống dịch.
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đề xuất UBND TP HCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM xem xét các khuyến nghị của 2 nhóm nghiên cứu vì các khuyến nghị này dựa vào các căn cứ khoa học.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, làm trưởng nhóm. Thành viên có TS-BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Giảng viên cao cấp trường ĐH Sydney Úc và các cộng sự là các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước.
Nhóm nghiên cứu Tech4Covid do TS Đinh Bá Tiến, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên làm trưởng nhóm. Thành viên: PGS-TS Lê Đình Duy, Trưởng Phòng Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ, Trường Đại học Công nghệ thông tin và các cộng sự là các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước, đặc biệt có TS Quoc Tran (Principal Data Scientist, Walmart Labs, US) đã có kinh nghiệm trong xây dựng mô hình dự báo có độ chính xác cao đối với dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra tại Mỹ
Nguồn: Tre làng