Trang chủ Chính trị Thủ tướng quyết định “chuyển hướng chiến lược” trong trận chiến chống...

Thủ tướng quyết định “chuyển hướng chiến lược” trong trận chiến chống dịch

224
0

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với 1.060 xã phường của 20 tỉnh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra chiến lược mới trong phòng chống dịch bệnh. Với tình hình dịch bệnh kéo dài, ngày càng phức tạp thì chiến lược “chống dịch như chống giặc” đã không còn phù hợp.

Thủ tướng quyết định “chuyển hướng chiến lược” trong trận chiến chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát chống dịch

Như chúng ta đã biết, hiện nay con số lây nhiễm của cả nước hằng ngày đã lên đến 4 con số, tổng số ca tử vong cũng đã lên đến 5 con số. Chúng ta đã và đang thực hiện hàng loạt các biện pháp giãn cách xã hội, chấp nhận hy sinh kinh tế để quyết tâm tiêu diệt và ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, với diễn biến hết sức phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh thì chắc chắn kể cả chuyên gia lạc quan nhất cũng không dám khẳng định chính xác chấm dứt dịch bệnh. Bởi vì dịch bệnh thực tế đã thấm sâu và thấm đẫm vào trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nhìn nhận, với đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất nhiên, tính mạng của người dân vẫn là mấu chốt thế nhưng cũng phải tính tới bài toán làm sao, sau khi ổn định được dịch bệnh thì người dân cũng có thể trở lại guồng quay của cuộc sống. Giữ được tính mạng, sức khỏe nhưng sau đó lại tính tới bài toán thiếu ăn, thất nghiệp thì lúc ấy mới thật sự khó khăn, khắc nghiệt. Thậm chí, bị thụt lùi so với sự phát triển của thế giới. Điều này, đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những chiến lược chính sách phù hợp ở giai đoạn mới.

Chính vì vậy, mới đây rất mạnh mẽ và dứt khoát, Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.

Nói một cách nôm na cho dễ hiểu là hiện nay chúng ta sẽ thực hiện chiến lược mới là “sống chung với lũ”. Theo đó, địa phương nào có dịch thì sẽ được tiến hành khoanh vùng kiểm soát chặt chẽ, còn những khu vực khác an toàn thì vẫn cho hoạt động bình thường, không để tình trạng chỉ có vài ca F0 là phong toả cực đoan cả huyện, tỉnh như hiện nay. Còn riêng đối với TP.HCM thì sắp tới đây, sau khi bóc tách F0 khỏi những vùng đỏ, biến dần thành vùng xanh bằng việc xét nghiệm, thì sẽ có những chính sách mới nới lỏng. Riêng đối với những quận huyện vẫn còn tỉ lệ lây nhiễm cao thì sẽ có những biện pháp chống dịch riêng đối với nội bộ quận đó. Đó là một vài ví dụ điển hình về hàng loạt các yêu cầu, quy định nghiêm ngặt của Chính phủ trong chiến lược mới để vừa chống dịch, bảo vệ thành quả hy sinh từ những ngày giãn cách, vừa giúp người dân trở lại tình trạng cuộc sống bình thường.

Chủng mới của dịch bệnh có khả năng sản sinh và tiến hoán nhanh hơn gấp nhiều lần sức khống chế của con người. Chính vì vậy, ở mỗi giai đoạn khác nhau chúng ta cần phải có những chiến lược chính sách khác nhau. Để làm sao vừa tiêu diệt được dịch bệnh, vừa đảm bảo tính mạng cũng như cuộc sống của người dân.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, thế nhưng giống như thiên tai lũ lụt, điều chúng ta phải trải qua hằng năm. Chúng ta đã chiến đấu với thứ virus đánh vào đường hô hấp này suốt mấy tháng qua, dùng toàn lực nhưng chưa tiêu diệt được. Chính vì vậy, phải chuyển qua phương án hai, đánh du kích, khoanh vùng nhỏ lẻ. Tất nhiên, chiến lược đưa ra đã có thế nhưng để chiến thắng thì cần có sự chung tay góp sức của toàn dân. Mỗi người là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, chỉ có như vậy thì mới mong sức người chiến thắng được thứ giặc vô hình, nhưng có sức tàn phá khủng khiếp ngoài kia.

Thu An


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây