Lợi dụng tình hình dịch bệnh, tin giả được tạo ra và lan truyền ngày càng đa dạng, gây hoang mang cho người dân.
Ngày 28/8, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết trong thời gian qua, trên không gian mạng lan truyền nhiều thông tin giả, xuyên tạc sự thật tình hình trật tự xã hội, gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-18 của thành phố.
Điểm chung của các tin giả là đều được lan truyền trên mạng xã hội. Hình thức trình bày và nhóm người tiếp cận mục tiêu của tin giả rất đa dạng.
Tin giả chống phá nỗ lực chống dịch Ngày 6/6, nhiều hội nhóm, trang Facebook đăng tải thông tin cảnh báo người dân không nên nghe cuộc gọi từ đầu số 018001119 và 10881119. Nguyên nhân được các chủ bài viết đưa ra là giúp mọi người tránh bị lừa đảo.
Tuy vậy, đây là những tin giả bởi 018001119 là đầu số tự động của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19. Việc tin giả này được lan truyền ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Nhiều người dân sau khi nhận được tin giả đã tiếp tay lan truyền, khiến đầu số tự động của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 gặp khó khăn.
Trong Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 25/8, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), đề cập rõ 3 tin giả được lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua.
Đầu tiên là tin kêu gọi biểu tình. Một số tài khoản trên mạng xã hội Facebook, YouTube có động thái kêu gọi người dân xuống đường “biểu tình”. Qua kiểm tra, ông Tự Do cho biết thông tin này chủ yếu xuất phát từ tài khoản, trang cộng đồng từ nước ngoài, có “quan điểm thù địch” với Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi muốn bà con ngoài không tin, không nghe tin giả thì đồng thời không chia sẻ, lan tỏa vì người nhận được tin từ mình tưởng là tin thật sẽ càng nguy hiểm hơn
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử – Bộ TTTT
Tin giả thứ 2 được ông Tự Do nêu là những thông tin mang tính chất chia rẽ miền Bắc với miền Nam. Cụ thể, một số trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhiều bộ đội “nằm xếp lớp dưới đất”. Đây được cho là bộ đội miền Bắc vào miền Nam hỗ trợ nhưng “không được chính quyền chăm lo nên ăn bờ ngủ bụi”.
Cuối cùng là thông tin “Bí thư Thành ủy TP.HCM và Chủ tịch TP.HCM bị cách chức”. Ông Tự Do khẳng định đây là tin sai sự thật, có mục đích xấu. Lý do ông Nguyễn Thành Phong thôi làm Chủ tịch UBND TP.HCM là do được điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Sau đó, HĐND TP.HCM đã bầu ông Phan Văn Mãi lên làm Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tin giả gây hoang mang, câu tương tác Trong thời gian thực hiện giãn cách, tin giả khiến công tác chống dịch gặp thêm khó khăn khi gây tâm lý hoang mang cho người dân. Loại tin giả này tập trung vào những nhu cầu cơ bản của con người như an ninh lương thực, sức khỏe, di chuyển.
Ngày 27/8, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Cần Thơ đã quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với N.T.P. (33 tuổi, ở quận Ninh Kiều) do cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, P. sử dụng tài khoản Facebook cá nhân và fanpage Phước Cần Thơ đăng bài viết đề cập việc tiếp tế lương thực gấp cho “bà con mắc kẹt đói 2 ngày” kèm hình ảnh nhà trọ ở quận Cái Răng. Trên thực tế, cơ quan chức năng xác nhận không người dân nào ở khu vực trên bị thiếu lương thực trong thời gian thực hiện giãn cách.
Trong khi đó, ngày 13/8, mạng xã hội lan truyền thông tin người dân quận 12 (TP.HCM) bỏ về khi biết tiêm vaccine Trung Quốc. Đây là loại tin giả gây hoang mang cho người dân, đánh vào sự quan tâm về sức khỏe.
Thành ủy TP.HCM khẳng định hôm 13/8, quận 12 không tổ chức tiêm vaccine. Các cơ quan chức năng của thành phố đang truy tìm và xử lý nghiêm đối với chủ tài khoản Facebook đăng tải thông tin giả trên.
Tương tự trường hợp trên, ngày 27/5, một tài khoản Facebook đăng tải dòng trạng thái “cô vy với dương tính tới rồi”, kèm danh sách 12 trường hợp F2 liên quan đến một ca F1 tiếp xúc gần với người dương tính SARS-CoV-2.
Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định đây là tin giả và đã xác minh xử lý chủ tài khoản vi phạm.
Ngoài một số mục đích cụ thể, nhiều tin giả lan truyền trong thời gian giãn cách chỉ được tạo ra để câu tương tác. Điển hình là trường hợp của ông T.M.N. (33 tuổi, ở xã Bình Phước, huyện Mang Thít). Sau khi nghe hàng xóm kể về ca F0, người này đã bịa đặt thông tin dịch tễ của ca bệnh này, sau đó đăng trên Facebook cá nhân. N. còn bịa đặt quá trình lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Ngày 23/8, Công an tỉnh Vĩnh Long, đã tống đạt quyết định xử phạt hành chính T.M.N số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật.
Tin giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản Lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều đối tượng còn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản của người dùng. Ngày 25/8, nhiều người dùng nhận được email giả mạo ngân hàng Vietcombank hỗ trợ mùa dịch. Khi đăng nhập vào đường dẫn trang web mà email này đưa tới, người dùng sẽ bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Từ đường dẫn Google Form mà kẻ gian cung cấp, người dùng được yêu cầu vào trang web uudai.sbs/vcb để nhận ưu đãi. Trang web giả mạo có giao diện tương tự trang đăng nhập của ứng dụng Vietcombank trên di động. Sau khi điền số điện thoại và mật khẩu, trang web này yêu cầu người dùng nhắn tin lên tổng đài có đầu số 6167 để nhận mã OTP đăng nhập.
Không chỉ có Vietcombank, một số ngân hàng khác cũng bị nhiều đối tượng lừa đảo mạo danh. Ngày 26/8, nhiều tài khoản Facebook chia sẻ thông tin sai sự thật, mạo danh ngân hàng Sacombank, thông báo tặng túi thuốc cho bệnh nhân F0. Phía Sacombank khẳng định đây là thông tin giả mạo.
Giả mạo thông báo của cơ quan chức năng Ngày 20/8, mạng xã hội lan truyền thông tin có nội dung: “Sẽ không cho người dân di chuyển trong 7 ngày; ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày. Đúng 8h sáng thứ 2 tuần sau, án binh bất động toàn thành phố…”. Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, đây là thông tin sai sự thật.
Tương tự, tin giả tương tự về việc không cho người dân di chuyển trong 7 ngày cũng lan truyền ở TP.HCM. Tối 12/8, mạng xã hội lan truyền thông tin TP.HCM không cho người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày, thành phố sẽ án binh bất động sau 4 ngày…
Trên thực tế, trong trường hợp có lý do chính đáng kèm giấy tờ hợp lệ, người dân vẫn có thể di chuyển tại TP.HCM. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định thông tin thành phố án binh bất động trong 7 ngày là giả mạo và sẽ xử lý nghiêm người tung tin thất thiệt.
Ngoài giả mạo cơ quan chức năng để ra các thông báo, một số trường hợp tin giả lợi dụng hình ảnh của lãnh đạo để đưa ra các phát ngôn không đúng sự thật. Ngày 6/8, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) cho biết đã phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua xác minh, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó thủ tướng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đến nay, lực lượng chức năng đã gỡ bỏ 112 bài viết trên mạng xã hội, 199 video trên kênh YouTube và ứng dụng TikTok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM. Bên cạnh xóa bỏ, cơ quan chức năng cũng xử phạt những trường hợp lan truyền và tạo ra tin giả.
Từ tháng 4/2021 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã xử phạt 15 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 122,5 triệu đồng. Trong đó, xử phạt 7 trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật, 8 trường hợp chia sẻ thông tin gây hiểu lầm, hiểu sai nội dung, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chí Bình
Nguồn: Cánh cò