Một trung tâm sửa chữa xe lăn và các bộ phận giả của con người đang giúp các vận động viên Paralympic Tokyo đến gần hơn với những giấc mơ của mình tại Tokyo, cho phép họ tranh tài tốt nhất kể cả khi thiết bị hỗ trợ của mình bị hỏng trước khi diễn ra cuộc thi đấu.
Khoảng 100 kỹ thuật viên và nhân viên từ 23 quốc gia đang làm việc ngày đêm tại một cơ sở rộng lớn đặt ngay trong Làng vận động viên và 14 điểm hỗ trợ quanh các địa điểm thi đấu. Các cơ sở này được trang bị nhiều loại máy móc cơ khí khác nhau và hơn 17.000 bộ phận chân tay giả.
Ông Shunjun Takahashi, chuyên gia phục hình thể thao, cho biết: “Vai trò của chúng tôi là hỗ trợ từ sau cánh gà cho các vận động viên đang tranh tài tại Paralympic. Điều quan trọng là chúng tôi làm hết sức để giúp họ và đóng góp cho Thế vận hội”. Ông chia sẻ: “Làm công việc này cần tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhưng bạn có thể nhìn thấy niềm vui sướng của các vận động viên khi các vật hỗ trợ mình được sửa chữa”.
Trung tâm trên do Ottobock vận hành. Đây là công ty chuyên sản xuất xe lăn và chân tay giả có trụ sở tại Đức. Trung tâm dự kiến cung cấp 2.000 bộ phận thay thế miễn phí, từ lốp xe lăn đến khung kim loại hàn xì, cho đến ngày 8/9, tức là 3 ngày trước khi Paralympic kết thúc. Kể từ khi Làng vận động viên được mở hồi giữa tháng 8, các kỹ thuật viên đã hoàn thành khoảng 1.000 cuộc sửa chữa hoặc bảo dưỡng những dụng cụ đồng hành của các vận động viên Paralympic. Thông thường, sửa chữa liên quan đến xe lăn chiếm 80% tổng lượng công việc. Bên cạnh các đề nghị sửa chữa thiết bị thi đấu từ các nhà sản xuất khác, các kỹ thuật viên cũng sửa chữa các thiết bị trong cuộc sống hằng ngày. 18 tấn máy móc tại trung tâm còn cho phép họ chế tạo ngay một thiết bị mới để hỗ trợ các vận động viên cả trong và ngoài cuộc thi đấu.
Người quản lý trung tâm, ông Peter Franzel cho biết một đề nghị “đầy thách thức” đã được Ủy ban tổ chức Tokyo Games đưa ra là cung cấp thiết bị để giúp các vận động viên không còn cánh tay vẫn có thể cầm cờ tại Lễ khai mạc ngày 24/8 vừa qua. Nhóm kỹ thuật viên đã nghĩ ra một loại “ba lô” bằng sợi đặc biệt, với các ống kim loại để cắm cờ vào đó, cho phép vận động viên mang cờ vào Sân vận động quốc gia. Ông Franzel cho biết đây là một đề xuất đặc biệt và rất hấp dẫn để trung tâm sáng tạo và “cũng là một phần thưởng xứng đáng khi chứng kiến các vận động viên bước vào sân vận động trong Lễ khai mạc”.
Ottobock đã vận hành các công xưởng như vậy từ Paralympic Seoul 1988. Ban đầu chỉ có vài người Hàn Quốc đến sửa đồ, các trung tâm này đã giờ đây đã đóng một vai trò quan trọng tại các kỳ Paralympic với số kỹ thuật viên đông đảo và máy móc tân tiến. Tại Paralympic Tokyo còn có cả máy in 3D.
Ông Franzel, người đã phục vụ cho kỳ Thế vận hội thứ 7, cho biết: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn qua mỗi kỳ Paralympic và chúng tôi biết sử dụng thiết bị gì, vật liệu nào. Chúng tôi luôn học hỏi mỗi ngày để làm tốt hơn trước”.
Tiến bộ công nghệ đã giúp các vận động viên đạt tới thành tích mới trong nhiều năm qua. Họ sử dụng nhiều loại thiết bị khác nhau, tùy thuộc môn thể thao và mức độ khuyết tật của mình. Nhưng các thiết bị hỗ trợ có thể hỏng hóc vào đúng lúc quan trọng, vì vậy các nhân viên luôn sẵn sàng tại các điểm hỗ trợ xung quanh các sân vận động để giúp các vận động viên trước hoặc trong lúc thi đấu.
Khoảng 4.400 vận động viên từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tranh tài tại Paralympic Tokyo. Trong khi các đội mạnh đến từ các cường quốc thể thao mang máy móc của riêng mình đến Thế vận hội, các đội nhỏ hơn từ các nước nghèo hoặc đang phát triển thường không thể làm như vậy nên trung tâm sửa chữa đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ tỏa sáng trong thể thao, cũng như trong đời sống thường nhật.
Nguồn: Báo Tin tức