Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng Hà Nội cần xem xét lại việc bổ nhiệm cán bộ đã bị kỷ luật cảnh cáo lại được phân công phụ trách công tác phòng chống tham nhũng.
Vụ việc ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo về vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C lại được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của TP Hà Nội đang gây xôn xao dư luận.
Trả lời PV vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cán bộ đã có khuyết điểm đến mức phải kỷ luật cảnh cáo, mức kỷ luật rất nặng của Đảng. Trong khi đó, ông Huy lại được đưa về phụ trách bộ phận phòng, chống tham nhũng là không phù hợp, bất luận thế nào.
“Chưa nói là anh có sai lầm gì, có thể tiếp tục sai lầm cũ hay không, nhưng khi đó anh rất khó để nói người khác”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, có thể hiểu quyết định này của Hà Nội là do đánh giá ông Huy có kinh nghiệm trong công tác thanh tra, mặt khác qua vụ việc bị kỷ luật vừa rồi có thể coi như một “cú ngã” để cán bộ đó đứng dậy, tỉnh táo hơn, sáng suốt hơn.
Tuy nhiên ông Hùng cho rằng, kể cả với lý do như vậy cũng nên phân công cán bộ này vào vị trí khác chứ không phải công tác phòng chống tham nhũng.
“Ở đơn vị nào cũng cần công tác thanh tra, kiểm tra, không có kiểm tra thì không có lãnh đạo. Vì vậy có thể hiểu Hà Nội đưa về vị trí này để phát huy sở trường thanh tra của đồng chí đó. Tuy nhiên, đã mắc sai lầm đến mức cảnh cáo thì không nhỏ, theo tôi không nên sắp xếp, bố trí.
Như thế là làm yếu đi sức chiến đấu của tổ chức, gây sự khó hiểu cho người ngoài cuộc. Đã bị xử lý ở mức độ nặng như vậy rồi thì nên bố trí vào việc khác không phải phòng chống tham nhũng, như vậy vừa có lợi cho tổ chức và vừa để cho cán bộ ấy có thể lấy công chuộc tội, làm tiếp để sửa chữa sai lầm của mình”, ông Hùng bày tỏ.
Mặc dù chưa biết cụ thể quy trình sắp xếp của Hà Nội cho vị trí này nhưng theo ông Vũ Quốc Hùng, quyết định này của Hà Nội là chưa hợp lý và nên được cân nhắc lại.
“Nếu không giải thích được cho dư luận thì rất dễ khiến dư luận hoài nghi về công tác cán bộ.
Vị trí này cần người có bản lĩnh và sáng suốt, những người đã có khuyết điểm, sai phạm rồi thì có thể ngại đánh giá và như thế hiệu quả sẽ không tốt. Hà Nội nên xem xét lại quyết định này”, ông Hùng nói.
Cũng đồng tình quan điểm này, trả lời PV, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, kỷ luật cảnh cáo là mức độ kỷ luật tương đối nặng. Người bị kỷ luật không nên bố trí làm Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của TP Hà Nội.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, tay nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng. Theo tôi, TP Hà Nội cần cân nhắc việc một người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo có nên đưa vào làm Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng hay không, bởi vị trí này rất công tâm và nhạy cảm. Những người làm ở đây phải là những người rất trong sáng. Việc bố trí một người bị kỷ luật cảnh cáo vào vị trí trên rất khó hiểu”, ông Lê Như Tiến nói.
Vì vậy, theo quan điểm của ông Lê Như Tiến, UBND TP Hà Nội có thể bố trí ông Huy ở các vị trí khác.
Ngoài ra, ông Tiến cho rằng, một vị trí không có sự đồng thuận xã hội, không có sự đồng thuận của người dân sẽ rất khó làm việc. Người dân cũng thiếu tin cậy để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng cũng như đơn khiếu nại tố cáo đến cơ quan có những người như thế.
Bên cạnh đó, ông Tiến cho hay, việc Chánh Thanh tra TP Hà Nội bị kỷ luật cảnh cáo là hình thức kỷ luật về mặt Đảng. Nếu cá nhân nào vi phạm ở mức độ cao hơn mà đồng phạm với việc lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thất thoát tài sản Nhà nước còn bị truy tố.
“Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có những hình thức kỷ luật phù hợp”, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nói.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký quyết định về việc thành lập Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP Hà Nội. Tổ công tác gồm 11 người, trong đó ông Nguyễn An Huy – Chánh Thanh tra TP Hà Nội làm Tổ trưởng.
Tổ công tác có nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc UBND TP Hà Nội nghiêm túc thực hiện đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2020.
Tổ thực hiện tham mưu UBND TP Hà Nội giải trình các nội dung báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 của TP, theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ (nếu có).
Tổ trưởng Tổ công tác có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tổ công tác được sử dụng dấu của Thanh tra TP Hà Nội để phục vụ công tác theo nhiệm vụ được phân công và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Đáng chú ý, trước đó ngày 4/8, tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến một số vụ án xảy ra tại TP Hà Nội.
Trong đó, ông Nguyễn An Huy, Thành ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020, Chánh Thanh tra TP Hà Nội chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn An Huy.
Xuân Trường
Nguồn: Cánh cò