Giữa lúc Việt Nam vẫn đang đối mặt với dịch Covid-19, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm và làm việc với nước ta. Mặc dù, chuyến thăm không dài nhưng mang lại cho chúng ta nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về bài học “gieo nhân nào gặt quả đó”.
Nhớ lại quãng thời gian trước đây, khi Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 thì chính Việt Nam đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, tặng khẩu trang y tế và hỗ trợ Mỹ sản xuất đồ bảo hộ. Chính sự giúp đỡ chân tình đó là một trong những lý do khiến Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn dịch bệnh quấn lấy Việt Nam. Trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia được Mỹ viện trợ vaccine nhiều nhất với 5 triệu liều Moderna đã nhận. Và thật tuyệt vời, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tặng thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer và 500.000 liều đã đến Việt Nam chỉ trong 24 giờ. Rõ ràng, mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đang ngày càng trở nên tốt đẹp. Đó cũng là một biểu hiện của việc gieo những điều tốt đẹp sẽ gặt lại “quả ngọt”.
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đặt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội, trong khi nước này chỉ có 4 văn phòng CDC trên toàn thế giới. Nguyên do, Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch thành công nhất trong năm 2020, được bạn bè quốc tế khen ngợi và đánh giá rất cao. Mỹ cũng không ngoại lệ, sự tin tưởng của Mỹ đã mang về cho Việt Nam rất nhiều ưu tiên dành cho văn phòng khu vực mới này bao gồm: xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo, tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực, phát triển các chương trình đổi mới nhằm cải thiện sức khỏe cho các nhóm dân số lưu động và di cư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của hai nước cũng sẽ chủ động hợp tác sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Có thể nói, kể từ khi hoàn thành tốt vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, thậm chí là chính thức ký kết Hiệp định EVFTA với EU thì vị thế của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Ngay cả khi tình hình dịch bệnh đang phức tạp, thủ đô vẫn đang áp dụng Chỉ thị 16 nhưng Phó Tổng thống Harris vẫn quyết định đến thăm và làm việc với Việt Nam. Điều này càng khiến chúng ta tự tin hơn trong mối quan hệ Việt – Mỹ. Thực tế cũng cho thấy mối quan hệ hai nước ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Chúng ta đã có những thành công nhất định trong các cuộc đàm phán hợp tác ở nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, y tế đến an ninh quốc phòng.
Trong cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Harris, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA). Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nước ta cũng bày tỏ sự cảm thán trước việc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra về vấn đề tiền tệ và không áp dụng biện pháp thương mại nào đối với Việt Nam. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong hợp tác và xử lý các vấn đề khu vực.
Dù Mỹ hỗ trợ phòng chống dịch hay tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh quốc phòng cũng là điều đáng quý nhưng phải nhìn lại nguyên nhân sâu xa là tại sao nước Mỹ lại quý Việt Nam đến vậy? Chỉ trong thời gian ngắn, từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho tới Phó Tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam. Suy cùng đều do chính vị thế của Việt Nam trong chiến lược an ninh toàn cầu và chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay cũng như chiến lược ngoại giao khôn ngoan, độc lập, tự chủ. Việt Nam cho Mỹ thấy được sự chân tình, an toàn thì chúng ta cũng sẽ nhận lại được kết quả tương xứng.
Vì vậy, ngay từ khi đặt chân xuống Việt Nam, từ cử chỉ, ánh mắt và lời nói của Phó Tổng thống Mỹ đều cho thấy một sự trân trọng, cởi mở, yêu quý. Phó Tổng thống đã tái khẳng định: “Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng”. Cũng chính bà đã đề nghị: “Trong lúc chúng ta đang ở đây, tôi cũng xin đề nghị chúng ta xem xem có thể làm gì để nâng cấp mối quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược”. Thậm chí, khi thăm khuôn viên xây dựng Đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội, một lần nữa, bà cũng phát biểu đầy ẩn ý: “Nó sẽ là một ngôi nhà, một cơ sở nơi những điều quan trọng sẽ xảy đến”.
Bác Hồ từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”, quan hệ Việt – Mỹ ngày nay càng đi vào thực chất và hiệu quả không chỉ cho thấy thực lực ngoại của Việt Nam mà còn thể hiện vị thế của nước ta ngày càng cao trên trường quốc tế. Tiếng nói của Việt Nam đang lớn dần thì chắc chắn, theo sau đó là hàng loạt cơ hội hợp tác phát triển ngày càng rộng mở.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò