Trang chủ Chính trị Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ khẳng định vị thế Việt...

Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ khẳng định vị thế Việt Nam

190
0

Việc bà Harris, phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới Hà Nội, cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng tầm, theo các chuyên gia.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm nay sẽ tới Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm hai nước Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam 7 tháng sau khi bà nhậm chức. Bà Harris cũng là Phó tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam khi đương nhiệm.

“Chuyến thăm của Phó tổng thống Harris, diễn ra sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 7, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm cho thấy Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một đối tác kinh tế và an ninh lớn của Mỹ”, Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, chia sẻ với chúng tôi.

Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ khẳng định vị thế Việt Nam
Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala khẳng định vị thế Việt Nam.

Tiến sĩ Donald K. Emmerson, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford, Mỹ cho rằng quan hệ Việt – Mỹ đã có những cải thiện rõ rệt và ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.

“Chuyến thăm Hà Nội đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt – Mỹ”, ông Emmerson nói. Ông cho rằng tầm quan trọng của mối quan hệ song phương được thể hiện ở vị thế của bà Harris, người có vị trí thứ hai trong chính phủ Mỹ, chỉ sau Tổng thống Joe Biden.

Chuyên gia này dự đoán quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy bằng các chương trình nghị sự của bà Harris trong chuyến thăm.

“Thông qua các chủ đề hợp tác về kinh tế, xã hội cũng như an ninh, chuyến thăm sẽ thể hiện rõ hơn về quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, tiến sĩ Emmerson nhận định, cho rằng mối quan hệ này có thể còn tiến triển trong tương lai.

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và đạt được nhiều thành tựu. Năm 2016, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên đạt 90,8 tỷ USD năm 2020.

Chia sẻ về mục tiêu trong chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà Harris, phát ngôn viên Symone Sanders hôm 30/7 cho biết Phó tổng thống sẽ gặp lãnh đạo Việt Nam và Singapore để thảo luận về an ninh khu vực, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, cũng như “tăng cường mối quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng của Mỹ”.

Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ khẳng định vị thế Việt Nam
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Singapore hôm 22/8. Ảnh: AP.

“Washington có thể muốn xích lại gần hơn với Hà Nội trong các sáng kiến của Mỹ ở khu vực”, chuyên gia Pitlo III nhận định về mục tiêu chuyến thăm của bà Harris.

Tờ Nikkei của Nhật đưa tin sau một cuộc gặp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này sẽ mở văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội nhằm hỗ trợ ứng phó với Covid-19.

“Việc đặt văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam nói lên nhiều điều về mối quan hệ song phương đã thay đổi như thế nào. Đây chính là một phiếu tín nhiệm dành cho Hà Nội và có thể thúc đẩy mong muốn phát triển năng lực y học trong nước, bao gồm cả phát triển và sản xuất đại trà vaccine Covid-19 riêng của Việt Nam”, ông Pitlo III chia sẻ.

Dựa trên những số liệu thống kê, Việt Nam dường như đã chống Covid-19 hiệu quả hơn hầu hết các nước châu Á, dù vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, theo tiến sĩ Emmerson.

“Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á của Mỹ đặt tại Việt Nam có thể giúp giảm mối đe dọa của các đại dịch trong tương lai, đồng thời giúp tăng cường hệ thống và chính sách trên toàn khu vực”, ông nói.

Để ứng phó đại dịch Covid-19, Mỹ đã cung cấp hơn 23 triệu liều vaccine và hơn 158 triệu USD hỗ trợ y tế, nhân đạo khẩn cấp cho các nước thành viên ASEAN. Riêng Việt Nam, Mỹ đã viện trợ hơn 11 triệu USD, gồm hỗ trợ máy thở và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống Covid-19. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã chia sẻ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng thông qua những hỗ trợ và các chuyến thăm cấp cao như của Phó tổng thống Harris cho thấy mức độ cam kết của Mỹ trong mối quan hệ với Việt Nam.

Tiến sĩ Emmerson cho biết một trong những nhiệm vụ của Việt Nam trong tương lai là tiếp tục duy trì khả năng phục hồi và tự chủ đã có được sau gần 5 thập kỷ thống nhất đất nước. “Chuyến thăm của bà Harris có thể góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đó”, ông nói.

Ngoài ra, các nhà quan sát nhận định vị thế và vai trò của Việt Nam cũng ngày càng được nâng tầm trong khu vực và trên quốc tế. Không chỉ xử lý đại dịch trong nước, Việt Nam cũng tham gia vào nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu, như tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho nhiều nước khác. Chuyên gia Pitlo III nhận định điều này đã giúp Việt Nam giành được nhiều thiện cảm từ cộng đồng quốc tế.

“Đây là một trong số ít nền kinh tế khu vực có thể đạt được tăng trưởng trong khi hầu hết láng giềng ở Đông Nam Á đều suy thoái. Do đó, bất chấp mối đe dọa từ biến chủng Delta, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các nước trong khu vực”, ông nói.

Thanh Tâm 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây