Trao đổi với PV, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho biết chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khẳng định vai trò, vị thế Đông Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đồng thời nêu bật tầm quan trọng của các mắt xích chủ chốt như Việt Nam và Singapore.
– Chưa đầy 1 tháng qua, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đều đã và sẽ có những cuộc “tiếp xúc” với Đông Nam Á. Chuyến công du lần này của bà Harris diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang gặp phải giải quyết các vấn đề từ tình hình Afghanistan. Theo quan điểm của ông, Đông Nam Á có ý nghĩa như thế nào tới Chính quyền của Tổng thống Joe Biden?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ, Afghanistan đã không còn giá trị gì nữa. Mỹ muốn rút nhanh khỏi quốc gia này. Tôi không cho rằng lúc này nước Mỹ đang bận bịu gì với vấn đề Afghanistan ngoại trừ việc thúc đẩy sơ tán công dân Mỹ và những người từng giúp đỡ, hỗ trợ Mỹ ra khỏi thủ đô Kabul.
Trong khi đó, ASEAN nằm ở nơi giao nhau của 2 đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khu vực này còn là nút thắt của 2 chiến lược: Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ với Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.
Khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden tuyên bố: “Nước Mỹ đã trở lại”. Chính quyền Joe Biden nỗ lực đưa vị thế, vai trò của nước Mỹ trở lại với thế giới nói chung, châu Âu, châu Mỹ – Latin, châu Á và ASEAN nói riêng.
Tôi nghĩ không phải tự nhiên mà Mỹ có thay đối chiến lược mang tính căn bản này. Năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố xoay trục. Tuy nhiên, Chính quyền của ông Obama đã không làm được gì nhiều. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì khiến mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh đi xuống, kéo theo vị thế toàn cầu của Mỹ bị ảnh hưởng. Sau khi đắc cử, Tổng thống Joe Biden đang muốn sốc lại quan hệ của Mỹ với châu Âu, châu Á.
Thực tế, Mỹ đang trở lại. Chưa bao giờ giới ngoại giao Mỹ dồn dập tới ASEAN nhiều như 7 tháng vừa qua. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman mới thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan hồi cuối tháng 5. Hai tháng sau, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Việt Nam, Philippines và Singapore. Đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự một loạt các cuộc họp với lãnh đạo ngoại giao các nước Đông Nam Á. Bây giờ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp tục thăm Singapore và Việt Nam.
Triển khai các hoạt động ngoại giao “dồn dập” phản ánh sự quan tâm đặc biệt của Chính quyền Joe Biden với khu vực này. Đây cũng là mắt xích trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Như phân tích của ông, ASEAN có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Đông Nam Á đón nhận sự trở lại của Mỹ như thế nào? Chuyến thăm của bà Harris có được coi là cam kết cho sự trở lại của Mỹ?
Như chúng ta đã biết, chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Đông Nam Á là không chọn bên. Đông Nam Á sẽ không nghiêng về phía Mỹ hay đứng về phía Trung Quốc. ASEAN là trung tâm kết nối các trung tâm quyền lực. Nếu chọn bên, ASEAN sẽ đánh mất vai trò trung tâm của mình.
Tuy nhiên, việc Mỹ trở lại được ASEAN đón nhận một cách tích cực. Bốn năm dưới Chính quyền Donald Trump, Mỹ còn không có Đại sứ thường trực ở ASEAN. Tổng thống Mỹ không tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN. Ông Joe Biden đang sửa lại những điều này.
Cuối tháng Giêng vừa qua, một tổ chức của Singapore có thực hiện một cuộc điều tra xã hội học cho kết quả 68,6% người được hỏi tin rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục nỗ lực để củng cố quan hệ với ASEAN. Một số cuộc thăm dò khác vào cho thấy khoảng hơn 60% người dân ASEAN chào đón sự trở lại của Mỹ.
70 năm qua, quan hệ giữa Mỹ với ASEAN vẫn rất sâu đậm. Các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia hay Philppines phát triển được là nhờ Mỹ và đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, 20 trở lại đây, Mỹ sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, Trung Quốc lại giàu lên nhanh chóng và đầu tư mạnh mẽ vào ASEAN. Điều này ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ dù không thể phủ nhận Washington vẫn còn nhiều quan hệ khăng khít trong khu vực.
Chuyến công du của bà Kamala Harris được dư luận ASEAN đón nhận một cách tích cực. Theo quan điểm của tôi, chuyến thăm của bà Harris sẽ thể hiện tư duy nước Mỹ đã trở lại của ông Biden. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng góp phần củng cố lòng tin, làm sâu sắc, bền chặt thêm các mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam và Singapore để hai nước hiểu Mỹ hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn biết thái độ của Việt Nam, Singapore nói riêng và ASEAN nói chung với các chính sách của Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên, giống như mảng đối ngoại của Mỹ từng có bài rất hay nhấn mạnh Mỹ cần làm nhiều hơn nói ở ASEAN. Câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ làm gì?
Năm 2016, cả 2 ứng viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Hilary Clinton đều phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đến bây giờ, nước Mỹ cũng chưa tính đến việc trở lại với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hay còn được biết tới là TPP-1. Trong khi đó, Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN. RCEP chiếm 30% dân số thế giới.
Rời bỏ TPP, Mỹ để lại một khu vực rộng lớn cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng về kinh tế.
– Đông Nam Á là khu vực có vị thế địa chính trị quan trọng bậc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Nằm gần nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, ASEAN đứng trước nhiều cơ hội để tăng trưởng kinh tế. Cùng với chiến lược mới của Mỹ, kinh tế của khu vực có tiềm năng phát triển hơn nữa hay không?
Tôi cho rằng phát triển kinh tế ở Đông Nam Á sẽ không được hưởng lợi quá nhiều từ sự quay trở lại của Mỹ. Đông Nam Á hiện nay đang rất cần tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng, đường cao tốc…. Những cái này Trung Quốc lại đang đầu tư mạnh hơn Mỹ. Tuy nhiên, ASEAN có thể tin tưởng Mỹ về vấn đề an ninh.
Chuyến thăm của bà Harris phản ánh quyết tâm của Mỹ trong việc khôi phục quan hệ với ASEAN đồng thời cũng củng cố thêm lòng tin của ASEAN vào Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, sau chuyến đi này, Mỹ vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa.
– Khi đại dịch Covid-19 bùng lên lần thứ 4, vắc xin là một bài toán khó với Việt Nam. Liệu chuyến thăm của bà Harris có thể mở rộng cơ hội hợp tác vắc xin giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ cũng như mang lại cơ hội tiếp cận nguồn vắc xin rộng hơn cho Chính phủ Việt Nam hay không? Nói cách khác, vắc xin có thể giúp quan hệ Việt – Mỹ trở nên tốt hơn nữa hay không?
Tôi tin chắc rằng chuyến đi này của bà Harris chắc chắn sẽ có lợi cho Việt Nam. Trong mối quan hệ song phương, Việt Nam cần Mỹ ở các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, quốc phòng an ninh…. Trong chuyến công du của bà Harris, chắc chắn Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực phòng, chống Covid-19. Đơn giản nhất là Mỹ sẽ cung cấp vắc xin và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận công nghệ phát triển, sản xuất vắc xin.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trong khi đó, những vấn đề về thâm hụt thương mại có lẽ sẽ được bà Harris đề cập tới một cách nhẹ nhàng. Đối với Mỹ, Việt Nam là một mắt xích quan trọng và ngày càng có tiếng nói của ASEAN – khu vực có vị trí then chốt đối với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Chính vì thế, chuyến đi chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Ngoài ra, Singapore và Việt Nam là những điểm đến đầu tiên của bà Harris ở châu Á kể từ khi nhậm chức – phản ánh sự coi trọng của Mỹ với khu vực nói chung và 2 nước nói riêng. Điều này càng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
– Đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã từng đón nhiều Tổng thống Mỹ sang thăm. Ý nghĩa của chuyến đi có vì thế mà bị ảnh hưởng?
Tôi nghĩ là không. Thực tế, tư tưởng, quan điểm mà Phó Tổng thống Kamala Harris thể hiện chính là quan điểm của Tổng thống Joe Biden và bộ máy chính quyền Mỹ.
Trong khi đó, để sắp xếp một chuyến công du của Tổng thống Mỹ là không đơn giản. Các chuyến công du của Tổng thống Mỹ thường đi kết hợp với các Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu (chẳng hạn như APEC). Nhưng chuyến công du riêng lẻ rất khó được tổ chức.
Minh Ngọc
Nguồn: Cánh cò