Ngay từ những ngày TP Hồ Chí Minh bước vào đợt giãn cách đầu tiên, Tuấn Hưng và Khắc Việt chính là cặp nghệ sĩ mở đầu thực hiện MV cổ vũ, động viên và chia sẻ với người dân nơi đây. Cho đến nay, đã có thêm rất nhiều MV cùng chủ đề này được ra đời, tiếp thêm sức mạnh tinh thần vượt qua đại dịch cho người dân thành phố.
Cuối tháng 6, MV “Sài gòn ơi, Xin lỗi, cảm ơn” được ca sĩ Tuấn Hưng và nhạc sĩ Khắc Việt cho ra mắt đã trở thành một “liều thuốc” động viên tinh thần người dân Sài Gòn một cách kịp thời.
Những ai nghe ca khúc này đều thấy được những tình cảm của các nghệ sĩ – những người cũng có ít nhiều những năm tháng gắn bó với mảnh đất này chứa đựng trong đó.
Xem MV “Sài gòn ơi, Xin lỗi, cảm ơn” ca sĩ Tuấn Hưng song ca cùng nhạc sĩ Khắc Việt:
Vì thế, ca khúc là sự chia sẻ và đồng cảm với người dân Sài thành. Bài hát hay và cảm động đến cả những người con xa quê hương, đều nhớ đến TP Hồ Chí Minh. Sức lan tỏa của ca khúc cũng chính là sức mạnh mà những “chiến sĩ” trên mặt trận nghệ thuật có được, để giúp cho mọi người sống lạc quan hơn.
Cũng vì tình hình dịch bệnh mà hai nghệ sĩ thực hiện MV rất đơn giản trong phòng thu tại nhà. MV sử dụng những hình ảnh nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh như nhà thờ Đức Bà, cầu Bình Triệu, tòa nhà Landmark… và cả những hình ảnh đời sống thường ngày của một Sài Gòn ngày và đêm để khắc họa cho ca khúc.
Trong những ngày ở nhà chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, khi tìm lại những ca khúc mình từng sáng tác, nhạc sĩ Hamlet Trương chợt thấy “Sài Gòn, cà phê, tình yêu”.
Đây là ca khúc mà anh đã viết từ lâu nhưng có lẽ không thể thích hợp hơn khi chia sẻ sáng tác này với công chúng vào chính thời điểm này.
“Chợt tìm lại trong kho bài hát, tôi thấy ca khúc này nên quyết định post tặng mọi người nghe. Ca khúc thật tươi sáng và may mắn. Trong thời điểm Sài Gòn đang từng ngày cố gắng, hy vọng lan tỏa bình an này đến mọi người” – nhạc sĩ bày tỏ.
Xem MV “Sài Gòn, cà phê, tình yêu” của Hamlet Trương:
Cũng vì trong thời gian toàn thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách nên Hamlet Trương đã một mình “tự biên tự diễn” trong tất cả các khâu, từ sáng tác, trình bày, dựng và quay MV.
Tinh thần nhẹ nhàng, vui tươi được truyền tải trong MV “Sài Gòn, cà phê, tình yêu” của Hamlet Trương.
Cùng trong tinh thần cổ vũ Sài Gòn chống dịch, ca sĩ Vũ Thắng Lợi cũng góp sức mình trong MV “Thương nhớ Sài Gòn”.
Khi thực hiện MV này, ca sĩ Vũ Thắng Lợi cho hay, anh cũng là một người lính. Và trước sự đồng cảm với bài thơ Thương nhớ Sài Gòn của thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 – anh đã quyết định thực hiện sản phẩm âm nhạc này.
Xem MV “Thương nhớ Sài Gòn” của ca sĩ – người lính Vũ Thắng Lợi:
Đây là món quà tri ân những y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, cũng là lời động viên đến tất cả người dân Việt Nam đang cùng nhau chung sức vượt qua đại dịch.
MV “Thương nhớ Sài Gòn” sử dụng khá nhiều tư liệu lịch sử từ những năm xưa cho đến nay để tái hiện về một thành phố sầm uất, náo nhiệt nhưng cũng đầy thương đau mà vô cùng mạnh mẽ, quật cường đã đứng lên vì tự do, độc lập cho dân tộc. Khơi gợi tinh thần, ý chí chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ấy, cũng là để thấy một Sài thành phồn hoa như hôm nay cũng đang vượt qua những khó khăn về một cuộc chiến mới, đầy cam go: chống dịch COVID-19.
Trong màu áo xanh tình nguyện, Á hậu Kiều Loan đã thực hiện MV “Nổi lửa lên em” với phong cách rap để cổ vũ cho bếp ăn phục vụ tuyến đầu chống dịch.
Xem MV “Nổi lửa lên em” của Á hậu Kiều Loan:
Sự đồng cảm và chia sẻ với Sài Gòn lúc này từ những người dân Việt Nam, những người có người thân đang sinh sống tại đây hay chỉ là Sài Gòn là một phần máu thịt của đất nước thì cũng nhiều lắm, rất nhiều.
Vì vậy mà sự chia sẻ chia bằng tinh thần cũng luôn được đón nhận. Mới đây nhất, ca sĩ Kyo York đã thực hiện một MV lấy đi nước mắt của những người nghe, người xem về một Sài Gòn thương.
Không chọn tả thực, Kyo York thực hiện MV này dưới góc nhìn của âm nhạc và hội họa.
“Sài Gòn thương” là dự án âm nhạc của Kyo York và nhạc sĩ Khúc Đạo Minh – ca khúc viết về nỗi niềm yêu thương và trăn trở gửi đến Sài Gòn những tháng ngày khó khăn với niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng hơn.
Xem MV thuộc dự án “Sài Gòn thương” của Kyo York:
Hình ảnh trong MV là hình ảnh Sài Gòn thời giãn cách qua tranh của hoạ sĩ Lê Sa Long. Dự án còn có sự đồng hành của thầy trò khoa Du Lịch & Việt Nam học – Đại học Nguyễn Tất Thành bên cạnh những chuỗi hoạt động thiện nguyện mang tên “Sài Gòn Thương”.
Chia sẻ về dự án này, Kyo York còn bày tỏ bằng một dòng trạng thái khá dài trên trang cá nhân, với sự thấu hiểu và xót xa cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơ cực đang phải chống chọi với dịch bệnh.
Theo anh, hãy thấu cảm nỗi khổ của những con người gắn bó cùng Sài Gòn lúc này, hãy hiểu nỗi cơ cực và sức chịu đựng của họ.
“Họ là những con người khó khăn thực sự, họ cần giúp đỡ trong mưu sinh để vượt qua những ngày gian khó này. Họ không phải chỉ là đại đa số những con người có điều kiện đăng facebook hào nhoáng, hay đủ sức tích trữ thức ăn, sống dưới mái nhà chăn êm nệm ấm, thư giãn, sống chậm vượt qua đại dịch. Họ cần miếng ăn, chỗ ở…
Hãy thông cảm, hướng dẫn và thương yêu, thay vì khắt khe ngăn cấm và thiếu tình.
Hãy như cách Sài Gòn thương, Sài Gòn yêu họ,
Như cách Sài Gòn yêu cả chúng ta,
Như cách Sài Gòn bao dung với chúng ta qua bao năm tháng qua trong bình yên và cả gian khó cùng nhau vượt qua.
Hãy thấu cảm mà hành động, mà chia sẻ nhau.
Sài Gòn Thương …. Ơi!
Tôi nguyện cầu” – ca sĩ bày tỏ về những thân phận nơi Sài Gòn.
Nguồn: Báo Tin tức