Có những hình ảnh trong chuỗi ngày chống dịch hơn 3 tháng qua tại TP.HCM mang lại xúc cảm cho rất nhiều người, từ những người vô gia cư nép mình bên đường chờ suất ăn từ thiện cứu đói, những gia đình khăn gói, dắt díu nhau trở về quê, những người nghèo vật vờ chờ đợi cứu trợ, những anh chị tuyến đầu lã người vì quá sức đến những hũ tro cốt người mất vì Covid-19 được quân đội trao đến tận tay người nhà. Có thể cảm nhận được TP.HCM đã bị đau đúng nghĩa bởi tên giặc quái đản mang tên Covid-19.
Nước mắt có thể chực trào nức nở trước hình ảnh clip một người đàn ông vô gia cư qua đời trong tư thế ngồi trên xe lăn, bỏ lại người vợ hoang mang bần thần đứng nhìn nhân viên y tế khử khuẩn, đưa thi thể chồng mình đi hỏa thiêu. Bằng sức mạnh công phá khủng khiếp, Covid-19 đã và đang tạo rất nhiều hình ảnh ám ảnh như thế cho TP.HCM.
Ngay sau khoảnh khắc xót thương kể trên thì chúng ta nhìn thấy video ngắn, ghi lại hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và các tỉnh phía Nam về công tác phòng chống dịch. Phải nói là rất rạo rực với từng câu từng chữ cũng như cử chỉ, biểu cảm quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ: “Đừng chần chừ nữa, nói gì là phải làm ngay, cháy nhà chết người thì không làm ngay sao được“. Một nội dung rất ngắn gọn, trọng tâm, dứt khoát khiến ai cũng cảm được mức độ khẩn thiết, cấp bách, nguy hiểm của tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, cũng như hiểu được sự lo lắng, nhức nhối tâm can đến quyết tâm đánh đuổi dịch bệnh của cả Chính phủ.
Theo sau chỉ đạo “đừng chần chừ nữa”, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu thực hiện hàng loạt giải pháp cụ thể, đó là Bộ Y tế phải dứt khoát phải xét nghiệm để truy lùng F0; Phong tỏa thì phải lo chuyện ăn mặc, y tế cho người dân; Quân đội cũng phải tăng cường. Xe vận tải của quân đội và công an tập trung để đưa hàng hóa đến các phường, tiếp sức cho những “pháo đài” chống dịch. Với là những hành động quyết liệt như thế thì chắc chắn các địa phương cũng phải hiểu tinh thần “chống dịch như chống giặc” sắp tới là như thế nào.
Trước đây đã chống dịch tập trung rồi, bây giờ sẽ còn chống dịch tập trung cao độ hơn, đi sâu xuống phường xã kỹ lưỡng hơn. Trước đây đã kiểm soát việc di chuyển của bà con rất nhiều rồi, bây giờ sẽ còn kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Trước đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc F0 rồi, bây giờ sẽ sàng lọc nhiều và nhanh hơn nữa. Và quả thực sau những chỉ đạo đanh thép, quả quyết đó thì dấu hiệu của sự thay đổi đầu tiên và cũng là hình ảnh thứ ba tạo cảm xúc mãnh liệt với chúng ta nhất trong ngày qua, đó là hình ảnh các anh quân nhân được chi viện đến TP.HCM.
Nếu thành phố bước vào những ngày thiết quân luật nghiêm túc thì chắc chắn sẽ khó có những hình ảnh cô này chị kia phóng xe ra đường không mang khẩu trang, không đội mũ bảo hiểm, không mục đích thiết yếu, trương gân trương cổ cãi chày cãi cối với lực lượng chức năng. Mệnh lệnh người dân TP.HCM tuyệt đối “ai ở đâu ở đó” chắc chắn sẽ được đảm bảo thực thi một cách triệt để nhất.
Nhưng vượt lên trên khuôn khổ chống dịch nghiêm khắc trong hai tuần tới thì thứ chúng ta nhìn thấy được còn là khí thế chống dịch. Có gì đó rất hào hùng, đậm chất chiến đấu của quân và dân ta trong mấy chục năm về trước. Chúng ta có niềm tin và hy vọng đến ngày 15/9, TP.HCM sẽ cắt bỏ được phần nào đau thương, rũ bỏ được dịch bệnh Covid-19 để đứng dậy sáng lòa, trả lại hình ảnh rực rỡ, sôi động vốn có của TP.HCM bao năm nay. Vì điều này, tin rằng hầu hết người dân TP.HCM sẽ thông cảm với những bất tiện sắp tới, sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình, cùng đoàn kết chiến đấu một trận sống mái với giặc Covid-19.
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên từng viết “Mỗi mặt trời, phải trả giá một hoàng hôn”, hoàng hôn của TP.HCM sẽ biến mất để nhường chỗ cho mặt trời nhưng nhanh hay chậm là phụ thuộc vào ý thức và hành động của chúng ta.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò