Trang The Diplomatic Society đã đăng tải bài viết của nhà sáng lập, kiêm Tổng Biên tập Kirtan Bhana, nói về quan điểm của Việt Nam và Ấn Độ về an ninh biển tại phiên thảo luận mở cấp cao đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo Diplomatic Society, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở pháp lý quốc tế để tăng cường an ninh biển và trong tương lai không xa, cộng đồng quốc tế có thể thiết lập lộ trình hợp tác an ninh hàng hải toàn cầu.
Đây là cơ chế do Liên hợp quốc điều phối, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu.
Theo Tổng Biên tập Kirtan Bhana, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về tăng cường an ninh hàng hải, được tổ chức trực tuyến ngày 9/8, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra ba điểm nhấn quan trọng.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh UNCLOS năm 1982 là Hiến pháp của các đại dương và biển, là khuôn khổ pháp lý quan trọng có tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển, và là cơ sở cho hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển, như hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển… đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài.
Những hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, thậm chí đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, làm ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giao thương cũng như những nỗ lực chung xử lý các thách thức an ninh biển.
Tổng Biên tập Kirtan Bhana nêu rõ, tại phiên thảo luận mở này, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra ba đề xuất.
Thứ nhất, các quốc gia và tổ chức quốc tế cần nhận thức toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của đại dương và biển, cũng như các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải.
Thứ hai, cần có giải pháp toàn cầu dựa trên hệ thống các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu.
Thứ ba, các chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia về các vấn đề trên biển cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ và UNCLOS năm 1982.
Theo Diplomatic Society, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh biển, đóng góp tích cực vào duy trì môi trường hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Nhà báo Kirtan Bhana được biết là người đã có thời gian dài nghiên cứu chuyên sâu về quan hệ ASEAN, Việt Nam với châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng. Ông là tác giả của nhiều bài phân tích các sự kiện quan trọng diễn ra tại Việt Nam như Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng, Đại hội XIII của Đảng với tư cách phóng viên nước ngoài tham dự trực tiếp, trực tuyến sự kiện và đưa tin.
Bảo Trâm (Theo The Diplomatic Society)
Nguồn: Cánh cò