Trang chủ Chính trị Thủ tướng ra công điện, 10 bộ trưởng phải vào cuộc ngay

Thủ tướng ra công điện, 10 bộ trưởng phải vào cuộc ngay

128
0

Sau 1 tuần làm việc trực tuyến với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, với tinh thần không nói suôn, họp rồi để đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra “phát lệnh đầu tiên”, chỉ đạo 10 bộ trưởng ưu tiên nguồn lực để rà soát, điều chỉnh ngay 29 Luật đang gây ảnh hưởng tới đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng ra công điện, 10 bộ trưởng phải vào cuộc ngay
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 7

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ gửi công điện yêu cầu các bộ ngành tập trung sửa đổi 29 bộ luật. Bởi thời gian qua, khi bắt đầu hoạt động đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp trải qua nhiều giai đoạn với điều kiện và thủ tục này được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Như dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản sẽ chịu sự điều chỉnh của các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Xây dựng, Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị, Đấu thầu, Phòng cháy chữa cháy…

Một “rừng luật” phải thông qua, trong khi thủ tục, điều kiện quy định của các bộ luật lại không thống nhất, chồng chéo nhau khiến nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục đó không? Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực thi mà còn là cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực. Cùng một lĩnh vực, nhưng các điều luật trong mỗi luật chuyên ngành đều đề cập với những quy định khác nhau nên khi cán bộ giải quyết hồ sơ, doanh nghiệp nào “biết điều” thì cán bộ thực thi áp dụng theo điều luật có lợi, còn doanh nghiệp không bôi trơn thì áp dụng điều luật khó hơn.

Nguy hại hơn, khi các luật mâu thuẫn dẫn tới cán bộ sẵn sàng né tránh vì sợ sai, lo an toàn cho mình mà đẩy khó về phía doanh nghiệp. Hệ quả là công việc bê trễ, doanh nghiệp bị đình trệ, chậm tiến độ ảnh hưởng đến uy tín và tiền bạc.

Hệ thống luật pháp được có thể được ví như những con đường và các doanh nghiệp, người dân như những người lái xe lưu thông trên con đường đó. Đường có to rộng, thông thoáng, có các biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường rõ ràng thì người điều khiển phương tiện di chuyển thuận lợi, tốc độ nhanh và an toàn, thông suốt. Còn con đường nhỏ, không thẳng, lại nhiều giao cắt, thì gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Việc thời gian qua, những con đường nhỏ ngoằn ngèo với những khúc cua, “hố voi” đã cản trở việc lưu thông của các lái xe không đi nhanh và phát triển được. Vậy nên, có thể xem công điện của Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp 10 Bộ trưởng tập trung nguồn lực là hành động khơi thông lại các cung đường, treo thêm bản chỉ dẫn để các lái xe bon bon về đích nhanh hơn. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp đã chịu hàng loạt các quy định rối rắm dư thừa cản trở sự vận hành của đất nước. Thêm nữa, việc sửa đổi các bộ luật, quy định chồng chèo, cản trở doanh nghiệp cũng chính là những gói hỗ trợ lớn giúp họ vượt qua cơn bão đại dịch này.

Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thời gian cụ thể rõ ràng: “Các Bộ trưởng phải gửi nội dung điều chỉnh về Bộ Tư pháp trước ngày 22/8 để cơ quan này trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vào tháng 10”, tin rằng các bộ, ngành có liên quan tới 29 luật được đưa ra trong công điện sẽ nhanh chóng vào cuộc thực hiện nhanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Suy cho cùng, các bộ luật có thông thoáng, cụ thể, minh bạch, thì doanh nghiệp dễ thực hiện và có sức sống mạnh mẽ để hồi phục làm hậu phương vững chắc trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

Thế Khoa


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây