Trang chủ Chính trị Không lấy vắc xin miễn phí của nhà nước đem đi tiêm...

Không lấy vắc xin miễn phí của nhà nước đem đi tiêm dịch vụ dù chỉ một liều

120
0

Ròng rã hơn 3 tháng qua, có lẽ mọi kênh “ngoại giao vắc xin” Chính phủ đều nỗ lực kết nối. Dù vậy việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vẫn diễn ra chậm. Trong hai tháng qua (12/6-12/8/2021), tỷ lệ mũi tiêm so với dân số cả nước mới chỉ đạt 12,1%, để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng còn rất xa. Căn nguyên chủ yếu do nguồn vắc xin nhập khẩu rất có hạn, không phải muốn là có và do cả thiếu cơ sở y tế đủ điều kiện để tiêm vắc xin. Trong tình trạng cấp bách và khẩn thiết khi chúng ta đang phải chạy đua với thời gian để cứu người, thì thông tin “nghiên cứu đề xuất tiêm vắc xin dịch vụ’, thực sự đáng quan tâm.

Không lấy vắc xin miễn phí của nhà nước đem đi tiêm dịch vụ dù chỉ một liều
Không ai được lấy bất kỳ một liều vắc xin của chương trình vắc xin miễn phí sang tiêm dịch vụ như chủ trương nhất quán của Chính phủ

Hiện Chính phủ đang phân phối vắc xin miễn phí để tạo ra sự công bằng trong tiêm chủng từ 5 nguồn gồm: (1) Vắc xin được mua bằng tiền ngân sách nhà nước; (2) Vắc xin được mua bằng tiền của Quỹ Vaccine do các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đóng góp; (3) Vắc xin từ nguồn viện trợ của chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới; (4) Vắc xin do chính phủ các nước tặng, viện trợ; (5) Vắc xin do các doanh nghiệp tài trợ (ví dụ 5 triệu liều vaccine Sinopharm do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ để tặng TP HCM). Trong 5 nguồn vaccine này, lấy ra dù chỉ một liều để tiêm dịch vụ thu tiền cũng không được.

Trong làm chính sách công thường mục tiêu cao nhất là “tối đa hóa lợi ích xã hội”, theo đó, nếu chính sách nào đó mà tối đa hóa được lợi ích xã hội thì nên ưu tiên. Đặc biết, nếu chính sách đó đạt được “tối ưu Pareto” (người này được lợi nhưng không gây thiệt hại cho lợi ích người khác) thì càng được ưu tiên hơn. Tương tự, mục tiêu của xã hội hiện nay là nhiều người được tiêm vaccine, càng sớm càng tốt, nên quan trọng bây giờ không phải là tìm ra phương án nghe có vẻ “hay” nhất, mà phương án nào để được nhiều vaccine nhất, dập dịch nhanh nhất mà phần lớn các đối tượng lại cùng được hưởng lợi.

Đối với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, và nhiều tỉnh thành khác của cả nước, vắc xin bây giờ quý hơn vàng. Mỗi liều vắc xin đều quý, đều có thể cứu sống một mạng người nếu người đó được tiêm kịp thời trước khi chẳng may tiếp xúc với virus. Chúng ta đang chạy đua với thời gian để cứu người, thời gian nhận được vaccine quan trọng hơn loại vaccine, miễn đó là vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt.

Tuy nhiên, nếu có thêm sự tham gia của thị trường tiêm chủng vắc xin dịch vụ theo nhu cầu của xã hội thì cơ hội được tiếp cận với vắc xin của người dân càng lớn hơn nhiều. Nếu một doanh nghiệp hay quỹ đầu tư nào đó ở nước ta, ví dụ VinaCapital, có thể tìm được nguồn vắc xin để mua nhanh mấy triệu liều hoặc thậm chí mấy chục triệu liều với thời gian giao hàng sớm hơn, thì không có lý do gì mà nhà nước lại không tạo điều kiện cho họ mua và nhập về để tiêm dịch vụ. Càng nhiều vắc xin dịch vụ, càng giảm gánh nặng chi phí mua vắc xin và tổ chức tiêm cho nhà nước, để nhà nước có điều kiện làm tốt hơn, nhanh hơn chương trình vắc xin miễn phí cho số đông, trong đó có nhiều người nghèo.

Tin rằng, càng nhiều người tự nguyện tiêm vắc xin dịch vụ thì những người khác càng sớm đến lượt tiêm, vì không ai được lấy bất kỳ một liều vắc xin của chương trình vắc xin miễn phí sang tiêm dịch vụ như chủ trương nhất quán của Chính phủ, mà phải dùng các nguồn khác. Và Chính phủ cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi lấy vắc xin miễn phí của nhà nước đem đi tiêm dịch vụ thu tiền dù chỉ một liều.

Hoàng Nguyên

(Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây