Thực hiện văn bản số 2562/UBND-KT của UBND TP Hà Nội về việc siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021, bắt đầu từ sáng nay người đi đường phải xuất trình giấy đi đường kèm theo căn cước công dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị… Chỉ chờ có thế, anh Trương Huy San, anh Đào Tuấn và một số KOLs khác bắt đầu chọc ngoáy kế hoạch này của Hà Nội.
Nội dung để đem ra chọc ngoáy Kế hoạch của Hà Nội không có gì mới, vẫn chỉ là thứ lập luận cũ rích như, “Quy định mới làm phiền nhân dân bởi thủ tục rườm rà”, “làm khổ dân”, “quy định này sẽ làm ùn tắc giao thông”, “đó là cơ hội để lây lan bệnh tật” và rằng “Hà Nội sẽ toang”….
Với văn bản số 2562 của UBND TP Hà Nội, nếu tinh ý một chút sẽ nhận ra, đối tượng điều chỉnh của văn bản này là toàn dân, nhưng nhấn mạnh có trọng tâm vào cán bộ, công chức, công nhân, người làm việc trong các cơ quan, tổ chức và cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ thiết yếu.
Dù không nói ra, nhưng ai cũng biết vì sao Hà Nội lại ban hành văn bản này. Nó xuất phát từ việc nhiều cơ quan, tổ chức chưa chấp hành tốt việc thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến việc cấp giấy đi đường cho nhân viên một cách tùy tiện. Nhiều người được cấp giấy đi đường nhưng lại không có lịch trực, không được phân công nhiệm vụ và không phải là đi làm việc… Chính vì vậy, để việc thực hiện giãn cách xã hội đi vào thực chất, UNBD Thành phố ban hành văn bản 2562 do Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền ký (Không phải là ông Chu Ngọc Anh ký như Trương Huy San viết).
Xét về thực chất, các quy định về giãn cách xã hội trong văn bản 2562 này không có gì mới mà chỉ nhắc lại và nhấn mạnh thêm một số nội dung của Công điện số 18, trong đó tập trung vào việc cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, vẫn là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định cấp và sử dụng giấy đi đường. Ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.”.
Chỉ cần người đọc thông viết thạo là có thể hiểu được rằng, khi bạn muốn ra đường, giấy đi đường sẽ có giá trị khi và chỉ khi nó là của bạn chứ không phải của ai khác và nó được cấp vì lý do phải thực hiện nhiệm vụ. Muốn chứng minh giấy đi đường của bạn có giá trị thì chỉ cần cung cấp văn bản được phân công công tác, lịch trực và căn cước công dân là đủ. Tôi tin rằng, nếu bạn được phân công phải làm việc, phải trực cơ quan thì chuyện lãnh đạo cơ quan cấp giấy xác nhận đó là quá đơn giản. Còn Căn cước công dân thì đương nhiên vẫn phải mang theo người như mọi khi, không có gì mới. Quy định thêm như thế chính là để phòng tránh việc cấp giấy đi đường tùy tiện làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Thủ đô và nó cũng là cơ sở để có chế tài xử lý các lãnh đạo cấp giấy đi đường sai mục đích trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố.
Tôi đồng ý với anh Truong Huy San rằng, “Đừng biến các UBND Phường, các chốt kiểm tra giấy tờ… trở thành các tụ điểm lây lan dịch bệnh” và “chỉ có khoảng cách giữa người với người mới là điều kiện lây lan dịch bệnh” nhưng câu này anh cần phải căn dặn hoặc góp ý với người dân mới phải. Hãy căn dặn người dân rằng khi đến UBND phường xã, hay các chốt kiểm soát dịch thì phải thực hiện đúng các quy định giãn cách xã hội, bởi chen chúc, xô đẩy nhau sẽ là cơ hội để lây lan dịch bệnh.
Anh Trương Huy San đã sai khi viết rằng, cứ dừng lại kiểm tra thì “sẽ làm tăng thêm nguy cơ lây lan cho cả viên chức chính quyền và dân chúng”. Việc kiểm tra có quy trình đầy đủ rồi anh ạ. Chấp hành việc sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, xếp hàng, giữ gìn khoảng cách theo hướng dẫn thì không có chuyện lây lan anh nhé.
Ngoài lý do “biến UBND Phường thành tụ điểm lây lan dịch bệnh” như anh Trương Huy San viết thì anh Đào Tuấn, viết sặc mùi kích động, kiểu “Tức là từ giờ, ngoài giấy đi đường, còn phải có căn cước công dân, có lịch trực, có này nọ kia khác nữa cơ. Mà thiếu thì không nói nhiều: 3 củ”. Là phóng viên báo Lao Động, lẽ anh phải biết rằng, văn bản 2562 được ban hành từ chiều qua 8/8 chứ không phải ban ảnh vào ban đêm như anh viết và ngày hôm nay 9/8 thì những ai chưa đủ giấy tờ sẽ chị bị nhắc nhở chứ chưa xử phạt ai cả. Anh Đào Tuấn có thể kiểm chứng theo link dưới đây:
https://baomoi.com/ngay-dau-ha-noi-siet-giay-di-duong-chi-nhac-nho-chua-xu-phat/c/39813625.epi#|index2
Xin được nhắc lại cho anh Trương Huy San và anh Đào Tuấn rõ, Hà Nội ban hành văn bản này là căn cứ vào tình hình thực tế của Hà Nội và dựa trên những bài học quý báu được rút ra từ các địa phương khác đấy.
Chống dịch đã khó, chống đại dịch càng khó hơn (các anh xem tình hình thế giới chống dịch Covid-19 hiện nay như thế nào thì biết), ở đó mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều phải bớt cái tôi đi một chút và một số nội dung về quyền con người cũng có thể tạm thời bị hạn chế. Vì thế đừng nhân danh này nọ mà kích động người dân phản ứng tiêu cực, đi ngược lại với nỗ lực của toàn xã hội trong công tác chống dịch trong suốt thời gian qua. Và cuối cùng, Hà Nội không phải là chỗ để các anh thực hiện chủ nghĩa dân túy để thông qua đó đạt được các mục đích cá nhân đâu.
Khoai@
Nguồn: Tre làng