“Vụ Quảng ngãi coi chừng “nổ lớn”, “bằng chứng truy tố ra Tòa Hình sự quốc tế”, “những người Quảng Ngãi lưu vong ở Quảng Ngãi”, “chính quyền Quảng Ngãi chối bỏ dân chúng”… là những thông tin độc hại, gây hoang mang dư luận đang được các đối tượng xấu tích cực rêu rao.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, tất cả các địa phương trên cả nước đều đang hết sức nỗ lực, cố gắng và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó. Tùy vào tình hình dịch bệnh thực tế mà mỗi địa phương quyết định những chính sách, giải pháp phù hợp để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất.
Hiện nay, trên mạng xã hội, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đang tiến hành những “chiến dịch truyền thông đen” nhằm chống phá, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, kích động sự hoài nghi, gây hoang mang dư luận. Gần đây, các đối tượng đã chĩa mũi nhọn công kích vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Quảng Ngãi. Những luận điệu độc hại đang được rêu rao, lan truyền có thể kể đến như: “Những người Quảng Ngãi lưu vong ở Quảng Ngãi”, “Quảng Ngãi dồn người dân vào đường cùng khi không cho người dân về địa phương”, “có bằng chứng truy tố trước tòa Tòa Hình sự quốc tế”…
Tìm hiểu về căn nguyên của những luận điệu trên, có thể thấy các đối tượng đang cố tình bóp méo, xuyên tạc, cắt xén, biến tướng một cách trắng trợn chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, ngày 29/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành công văn hoả tốc số 3660/UBND-KGVX về việc tạm dừng tiếp nhận công dân Quảng Ngãi trở về từ các tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế.
Việc Quảng Ngãi có văn bản từ chối như trên không phải là “bỏ mặc người dân” như các đối tượng rêu rao, mà nó bắt nguồn từ thực tế yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Lý do tạm dừng tiếp nhận công dân là bởi thời gian qua, nhiều người dân tự phát trở về quê (tự túc phương tiện hoặc thuê xe dịch vụ), trong đó có nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại địa phương. Đồng thời, năng lực cách ly y tế của địa phương này đã quá tải (đang cách ly tập trung hơn 6.000 người tại các cơ sở cách ly y tế tập trung), có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Lực lượng y tế của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo yêu cầu chống dịch nếu số F0 tăng cao hoặc cùng lúc có nhiều F0 kèm bệnh lý nền nặng. Bên cạnh đó là năng lực tài chính không đảm bảo phục vụ tiếp nhận, cách ly y tế tập trung theo quy định. Xuất phát bởi những lý do này, Quảng Ngãi đã có văn bản dừng tiếp nhận công dân về từ vùng dịch kể từ 0 giờ 00 phút, ngày 1/8.
Đồng thời, nội dung văn bản trên của tỉnh Quảng Ngãi cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Ngày 31/7/2021, Thủ tướng Chỉnh phủ cũng đã ban hành công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch Covid-19 về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quán triệt nguyên tắc từ sau ngày 31/7, người dân “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Ngoài Quảng Ngãi, nhiều địa phương cũng có văn bản yêu cầu công dân không tự phát về quê, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy”. Riêng đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn.
Trong luận điệu được rêu rao, các đối tượng cho rằng người dân đang “sống mòn”, không còn kế sinh nhai, không có cái ăn, cái mắc… nên mới phải về địa phương. Đây là luận điệu sai, không chính xác. Để thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy”, Chính phủ đã có chỉ đạo tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.
Việc Quảng Ngãi không tiếp nhận công dân tự ý trở về từ ngày 1/8 nói riêng và việc Chính phủ yêu cầu công dân “ai ở đâu ở đấy” không phải là việc chối bỏ công dân. Với công dân Việt Nam, dù sinh sống tại bất cứ tỉnh, thành nào hay đất nước nào thì cũng đều được Chính phủ quan tâm, chăm lo. Trong bối cảnh hiện nay, về quê không phải là giải pháp để phòng, chống dịch mà nó tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trên khắp cả nước. Nếu mỗi cá nhân không giữ gìn, không vì lợi ích chung thì khi dịch lan rộng, cả nước sẽ phải gồng mình gánh chịu. Một thực tế không thể phủ nhận là hệ thống y tế của các địa phương không đồng đều, nhân lực, vật lực về y tế còn hạn chế, một khi dịch bùng phát mạnh trên khắp cả nước thì không một hệ thống y tế nào có thể ứng phó được. Khi đó, chắc chắn số người thương vong sẽ tăng cao hơn rất nhiều.
Hiện nay, rất cần sự hợp tác của cả cộng đồng. Chỉ có đoàn kết, tin tưởng chính quyền mới có thể chống dịch thành công.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò