Covid-19 đã mang đến nhiều sự ra đi đột ngột đến nhói lòng nhưng tin giả về Covid-19 gây nên sự lo sợ không kém, biết bao nhiêu con người vì nghe tin giả mà bất an, hoang mang, tâm bệnh.
Sự khốc liệt của virus Sars-Cov-2 và virus tin giả
Đại dịch Covid-19 là mối đe dọa đặc biệt, với chủng mới lây lan nhanh, kèm theo số ca nhiễm hàng ngày đang còn ở mức cao, khiến cho nhiều người thay vì lo sợ, đã biến thành hoảng sợ, suy nghĩ không thấu đáo, phản ứng thái quá với dịch bệnh. Chính sự hoảng sợ này của nhiều người trở thành yếu điểm, vô tình tiếp tay cho tin giả “xâm nhập”, lan truyền.
Nhan nhãn trên mạng xã hội, ngày nào cũng lan truyền các clip tưởng chừng là thật như kiểu “ông anh em”, “ông bạn em”, “người quen em”, hoặc nghe bác sĩ bệnh viện “giấu tên” nào đó nói, kể rằng vân vân và mây mây, rồi sau đó là “văn mẫu” lu loa kêu gọi chia sẻ thông tin này để nhiều người cùng biết. Vậy là những người nhẹ dạ và kém thông tin sẽ “sụp bẫy”, tin vào những tin giả này, chia sẻ lan truyền xa hơn.
Thực chất đây là thủ thuật thâm độc của những thành phần phá hoại, chống phá, chúng tô vẽ nên bức tranh vỡ trận cho Việt Nam, gieo rắc nỗi sợ hãi về sự “tan vỡ” của hệ thống y tế, lan tỏa cái thảm cảnh, nhằm làm cho dư luận không còn tin tưởng vào công tác chống dịch của chính quyền, không hợp tác với chính quyền chống dịch. Chúng mượn tay người dân kém thông tin để làm công cụ phá hoại, đi ngược lại nỗ lực của đội ngũ y tế, của các cấp chính quyền, và phá hoại thành quả chống dịch của biết bao người dân trong suốt thời gian qua.
Cả nước gồng mình chống dịch, chống virus-SARS-CoV-2 đã vất vả lắm rồi, bây giờ chống thêm những con virus tin giả lộng hành, hao tốn sức lực và tinh thần, thật không khác gì gánh nặng chồng chất. Sao chúng ta có thể để cho fakenews – tin giả, còn hơn độc dược lộng hành như thế? Làm sao chấp nhận và dửng dưng cho sự tung tin phá hoại của một vài nhóm người đe dọa, phá hoại đi sự nỗ lực ngày đêm, biết bao công sức mà đội ngũ y bác sĩ đã cố gắng trong suốt thời gian qua?!
Ngoài 5K của Bộ Y tế, rất cần 1K trách nhiệm của người dân
Với Việt Nam, công cuộc chống dịch ngày hôm nay đặt ra nhiều nhiều thách thức không chỉ ở chống virus, mà còn chống thông tin tiêu cực. Ngoài chính sách 5K Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế là “tấm lá chắn” hữu hiệu, thì thông điệp 1K từ người dân – Không chia sẻ tin giả cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Thông tin giả dễ dàng được nhận diện thông qua việc kiểm tra – kiểm chứng – đối chiếu với báo chí. Bên cạnh đó, danh tính của người đăng tải thông tin cũng là một trong những cây thước, đo lường độ xác tín của nguồn tin. Họ có uy tín hay không, đang công tác và làm việc ở đâu, họ có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật về tin tức họ đưa ra không – là những điều trước khi chia sẻ thông tin, mỗi người trong chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ. Đừng vội vàng “tay nhanh hơn não” chia sẻ ào ào, rồi tự biến mình thành người đưa tin vịt, tin “lá ngón” và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đối diện vòng lao lý, trong khi họ – người đưa tin giả đã xóa tin trên trang của họ, hoặc đang sống ở nước ngoài.
Quan trọng hơn nữa, trước khi chia sẻ thông tin, để bảo vệ mình và người thân quen của mình, ai trong chúng ta cũng cần đặt câu hỏi: Thông tin đó có thật sự cần thiết để chia sẻ, có giúp ích gì cho những bạn bè – gia đình của mình sẽ đọc nó không? Nếu không, thì dừng lại! Đây là lúc chúng ta cần tỉnh táo nhận diện và hành động.
Với sứ mệnh: “Mỗi người dân là chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, trước khi cơ quan chức năng xử lý những kẻ tung tin giả, thì chính mỗi người trong chúng ta cần hành động. Góp bàn tay cùng Chính phủ chống dịch, ngoài việc nhận diện thông tin giả thì chúng ta còn có nhiệm vụ phản bác và đẩy lùi, tẩy chay, không lan tỏa những thông tin tiêu cực mà những thành phần phá hoại đang muốn nhân cơ hội dịch bệnh lắm rối ren, để “mượn gió bẻ măng”, không để cho những kẻ phá hoại cứ mãi ném tro bụi, làm cho cuộc sống của chúng ta thêm chuỗi ngày khốn khó.
Thái Thanh
Nguồn: Cánh cò