Trang chủ Chính trị Chính phủ chia sẻ, thấu hiểu và kịp thời hỗ trợ nhân...

Chính phủ chia sẻ, thấu hiểu và kịp thời hỗ trợ nhân dân trong thời khắc khó khăn nhất để chống dịch

115
0

Công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề khẩn cấp đang đặt ra trong thực tiễn phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, theo tinh thần không một ai bị bỏ lại phía sau, tính mạng của mỗi người dân là đáng quý nhất, là trên hết, trước hết. Công điện đã thể hiện được sự chia sẻ, thấu hiểu, có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhân dân để muôn dân một ý chí, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống dịch. Công điện đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân.

Chính phủ chia sẻ, thấu hiểu và kịp thời hỗ trợ nhân dân trong thời khắc khó khăn nhất để chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên đội ngũ y, bác sĩ cả nước nói chung đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ sức khỏe người dân. Trong ảnh: Thủ tướng thăm đội ngũ cán bộ y, bác sĩ BV đa khoa tỉnh Bình Dương, ngày 27/6.

Tối 31/7, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch COVID-19. (Xem toàn văn Công điện TẠI ĐÂY).

Trước đó, ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hầu hết thời gian, tâm sức thời gian này để lo cho công tác chống dịch, đau đáu mục tiêu: Dập dịch thành công vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết. Tình thế khẩn cấp đòi hỏi áp dụng những cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch. Đợt bùng phát dịch thứ 4 đã kéo dài khoảng 100 ngày tại Việt Nam với tốc độ lây lan nhanh, khó lường, nguy hiểm, nhưng đây cũng là tình huống chung mà nhiều nước phải đối mặt, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Biến chủng Delta dường như đủ sức xuyên thủng các thành trì được cho là vững chắc – đó là những nước giàu có mà tỷ lệ người dân đã được tiêm chủng chiếm đến gần 70% dân số.

Trong tình huống này, Công điện mới nhất của Thủ tướng chỉ đạo những giải pháp hết sức cụ thể, giải quyết những vấn đề cấp bách, nóng bỏng nhất đang đặt ra trong công tác phòng chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân.

Trên Fanpage của Thông tin Chính phủ, thông tin về Công điện chỉ sau vài giờ đã nhận được  hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ. Tuyệt đại đa số đều ủng hộ các giải pháp này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

– “Đúng. “Ai ở đâu ở đấy”. Phải như vậy mới tránh nguy cơ dịch lan rộng”.

– “Nhà nước đã ra Công điện, mong các tỉnh thành thực hiện giãn cách hỗ trợ người dân kịp thời, nhanh chóng”.

– “Cần tăng cường hổ trợ nhu yếu phẩm, lương thực, miễn giảm tiền thuê nhà, phòng trọ, điện nước để người dân yên tâm ở nhà chống dịch”.

Nhiều ý kiến khẳng định công điện rất kịp thời, Chính phủ “đốc thúc các địa phương có công dân đang lưu trú tại vùng dịch hãy nhanh chóng hỗ trợ trực tiếp cho những công dân của địa phương mình, không thể bỏ mặc cho người khác được”. “Kinh tế có bị giảm tăng trưởng năm nay thì sang năm khắc phục nhưng con người mà lâm vào cùng quẫn sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường”. Chính phủ đã kịp thời lắng nghe và hành động quyết liệt vì sức khỏe nhân dân, vì tương lai đất nước.

Đây chỉ là một vài trong số hàng nghìn comment trên Facebook về Công điện của Thủ tướng. Cùng với đó là những lượt chia sẻ với những lời kêu gọi mọi người xung quanh yên tâm “ở đâu ở đấy”, bày tỏ sẽ đồng hành với Chính phủ, chấp nhận thực hiện các giải pháp có thể rất bất tiện trong một thời gian với nhiều người nhưng cực kỳ cấp thiết với cả nước. Nhiều bình luận bày tỏ, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, với tận tâm, tận lực của các cấp, các ngành, nhất định chúng ta sẽ vượt qua đại dịch để hướng tới tương lai.

Chính phủ chia sẻ, thấu hiểu và kịp thời hỗ trợ nhân dân trong thời khắc khó khăn nhất để chống dịch
Cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh rất cam go nhưng cũng cho thấy sự chung tay, đoàn kết của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và chính quyền Thành phố . Trong khó khăn, càng sáng lên những nghĩa cử cao đẹp và tình người.

Trước hết, Công điện đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bằng mọi biện pháp để “ai ở đâu ở đấy”. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành trong thời gian qua. Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Đây là nhiệm vụ, giải pháp không mới, nhưng thực tế, nhiều địa phương, nhiều người dân chưa thấu hiểu, chưa quán triệt sâu sắc và vì thế, chưa thực hiện nghiêm túc. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại: “Dịch lây giữa người với người, nên chấp hành nghiêm việc giãn cách thì ngăn chặn ngay được sự lây lan”. Không có cách nào khác, không có lựa chọn nào khác, mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, bằng mọi biện pháp, phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu này.

Điểm nổi bật thứ hai của Công điện, là yêu cầu các địa phương, các tỉnh phải bảo đảm đời sống của người dân để họ có đủ điều kiện vật chất, tinh thần, sự yên tâm, tin tưởng thực hiện yêu cầu giãn cách. Nói cách khác, là không chỉ bằng các biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn từ phía chính quyền, mà phải đáp ứng các yêu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân, để họ yên tâm, tin tưởng, cộng tác với chính quyền.

Cụ thể, với những khu vực thực hiện phong tỏa, giãn cách, Công điện yêu cầu tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.

Công điện yêu cầu vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”.

Tuy nhiên, những người dân đã rời khỏi tỉnh, thành phố để xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì cũng không thể bị bỏ lại phía sau, bị bỏ rơi. Công điện yêu cầu, với những người dân này, các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Chính phủ chia sẻ, thấu hiểu và kịp thời hỗ trợ nhân dân trong thời khắc khó khăn nhất để chống dịch
Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam về quê qua Chốt kiểm dịch y tế giữa Gia Lai và Kon Tum

Để rõ hơn điều này, cần nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thực hiện cách ly, giãn cách phải nghiêm túc, chặt chẽ nhưng đồng thời phải đáp ứng 3 yêu cầu: Hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.

Điểm nổi bật thứ ba, yêu cầu cấp thiết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19. Công điện của Thủ tướng yêu cầu, tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng.

Thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tăng cường mọi nguồn lực, nhân lực cho công tác hồi sức cấp cứu để thực hiện yêu cầu này. Cụ thể là chuẩn bị các bệnh viện hồi sức cấp cứu, tăng cường lực lượng hồi sức cấp cứu không phân biệt công, tư, bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt là ô xy y tế và máy thở.

“Trên phạm vi cả nước trong lúc này, cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch. Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế – xã hội, không để khủng hoảng truyền thông, tất cả vì ấm no, hạnh phúc, an toàn cho người dân”. Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố điều này tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 30/7. Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh, người dân là chủ thể, là trung tâm của mọi chính sách, mọi quyết sách của các cấp chính quyền. Cụ thể hơn, người dân là trung tâm phục vụ của mọi quyết sách, cũng là chủ thể hành động để thực hiện những quyết sách đó. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh khẩn cấp của dịch bệnh, vai trò trung tâm, chủ thể của người dân càng đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành và cả mỗi người dân phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay, chung sức, chung lòng để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.

Dịch bệnh có được kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi hay không, phụ thuộc vào chính hành động của mỗi chúng ta!

Hà Văn


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây