Trong ngày 1/8, không có VĐV nào của Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu, do vậy sự chú ý của người hâm mộ thể thao trong nước hướng về các cuộc tranh tài quyết liệt trên “đường đua xanh”, các nội dung hấp dẫn của môn điền kinh, quần vợt và thể dục dụng cụ.
Ở top đầu, đoàn thể thao Trung Quốc vẫn giữ vững ngôi đầu khi giành thêm 2 HCV, nâng tổng số HCV của mình lên con số 23. Đoàn thể thao Mỹ đã “bứt tốc” khi giành được thêm tới 4 HCV để chiếm lĩnh ngôi vị thứ 2 của Nhật Bản trên bảng xếp hạng. Mặc dù đứng ở vị trí thứ 2 nhưng Mỹ lại là đoàn có nhiều huy chương nhất (58 huy chương, trong đó có 20 HCV, 22 HCB và 16 HCĐ). Trong khi đó, đoàn thể thao Nhật Bản chỉ giành thêm được 1 HCV, nâng tổng số HCV của mình lên 17.
Nam kình ngư 24 tuổi, Caeleb Dressel, người Mỹ, đoạt liên tiếp 2 chiếc HCV ở nội dung bơi nước rút 50 m tự do và tiếp sức 4×100 m hỗn hợp cùng phá các kỷ lục Olympic và thế giới. Thành tích đoạt thêm 2 HCV trong ngày 1/8 này giúp kình ngư Caeleb Dressel có tổng cộng 5 HCV ở Olympic 2020 sau 3 HCV các nội dung 100 m tự do, 100 m bơi bướm và tiếp sức 4×100 m tự do. Qua đó, giúp anh sánh bước cùng “Siêu kình ngư” đàn anh Michael Phelps đoạt từ 5 HCV trở lên ở 1 kỳ Olympic.
Với những gì làm được cho đến nay Caeleb Dressel đã chứng tỏ mình thực sự là truyền nhân của Michael Phelps, khi anh hiện cũng là người đoạt nhiều HCV nhất cho đoàn thể thao Mỹ ở Olympic 2020 với tổng cộng 5 HCV, bỏ xa người xếp thứ 2 là nữ kình ngư đồng nghiệp Katie Ledecky (đoạt 2 HCV và 2 HCB).
Chiến tích của kình ngư Caeleb Dressel giúp bơi lội Mỹ đoạt đến 3 HCV trong ngày thi đấu cuối môn bơi lội Olympic 2020, chiếc còn lại thuộc về nam kình ngư Robert Finke ở nội dung 1.500 m tự do.
Nhờ đó, bơi lội Mỹ tiếp tục thống trị môn bơi ở Olympic 2020 như Rio 2016, khi dẫn đầu tổng sắp với 11 HCV, 10 HCB và 9 HCĐ. Đội bơi Austtralia tiếp tục xếp thứ 2 nhưng vươn lên mạnh mẽ với 9 HCV, 3 HCB và 8 HCĐ so với ở Rio 2016 chỉ đoạt 3 HCV (khi đó, Mỹ đoạt đến 16 HCV).
Trong khi đó, đoàn thể thao Italy đã tỏa sáng rực rỡ trong đêm 1/8, kết thúc ngày thi đấu thứ ba của môn điền kinh bằng hai tấm HCV lịch sử. Ở nội dung nhảy cao, Olympic năm nay chứng kiến màn thi đấu cực kỳ ấn tượng khi có đến 3 VĐV cùng lập được thành tích 2,37m. Đều sở hữu những thông số nhảy trước đó giống nhau, Gianmarco Tamberi (Italy) và Mutaz Essa Barshim (Qatar) được công nhận đồng HCV. Trong khi đó, cùng có thành tích 2,37m, nhưng Maksim Nedasekau (Belarus) chỉ nhận HCĐ do có chỉ số phụ kém hơn (phải nhảy nhiều lần hơn ở một mức xà trước đó).
Ở nội dung chung kết hấp dẫn nhất của môn điền kinh là chạy 100 mét của nam. Vượt qua tất cả các ứng cử viên sáng giá khác, vận động viên Lamont Marcell Jacobs của Italy đã giành huy chương vàng với thành tích 9 giây 80. Thành tích trên đã xác lập kỷ lục mới của châu Âu, vượt qua kỷ lục cũ 9 giây 84 do chính anh vừa lập nên ở vòng bán kết. Tuy nhiên, thành tích này không đủ giúp Lamont Marcell Jacobs phá kỷ lục Olympic của Usain Bolt (9 giây 63 giây).
Tuy nhiên, trong ngày 1/8, VĐV Yulimar Rojas mới là ngôi sao sáng nhất của điền kinh. Sau khi phá kỷ lục Olympic ở lượt nhảy đầu tiên, nội dung nhảy xa ba bước nữ, VĐV người Venezuela tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc khi đạt thành tích 15,67m ở lượt nhảy cuối cùng. Thành tích này cũng xác lập kỷ lục thế giới mới, phá sâu kỷ lục 15,5m tồn tại suốt 26 năm.
Ở môn quần vợt, tay vợt người Đức Alexander Zverev đã có thắng lợi dễ dàng trước Karen Khachanov (Ủy ban Olympic Nga) với tỉ số 2-0 để giành huy chương vàng đơn nam. Trận chung kết tranh huy chương vàng gặp Khachanov, mọi thứ diễn ra hết sức dễ dàng với tay vợt người Đức. Sự vượt trội giúp anh nhanh chóng giành thắng lợi trong 1 giờ 19 phút. Zverev trở thành tay vợt nam đầu tiên giành HCV Olympic cho Đức ở môn quần vợt nội dung đánh đơn. Anh cũng là tay vợt người Đức đầu tiên giành huy chương vàng Olympic kể từ khi tay vợt nữ Steffi Graf làm được điều này vào năm 1988.
Cũng ở môn quần vợt, cặp vận động viên Séc Krejcikova và Siniakova đã giành HCV nội dung đôi nữ. Cặp hạt giống số 1 này đã giành chiến thắng 2-0 trước cặp Belinda Bencic và Viktorija Golubic của Thụy Sĩ trong trận chung kết.
Ở môn thể dục dụng cụ, nội dung nhảy ngựa nữ, vận động viên Rebeca Andrade nhận điểm số cao nhất và mang về tấm HCV quý giá cho đoàn Brazil. VDDV Kayla Skinner (Mỹ), người được lựa chọn thay thế “nữ hoàng thể dục dụng cụ” Simone Biles chỉ giành HCB. Trong khi đó, Yeo Seojeong (Hàn Quốc) giành HCĐ.
Ở môn thể dục nghệ thuật, nội dung biểu diễn trên sàn nam, Artem Dolgopyat xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh để giành HCV cho đoàn thể thao Israel. Trong khi đó Nikita Nagornyy (Ủy ban Olympic Nga), ứng viên số 1 cho huy chương vàng chỉ xếp thứ 7.
Tính đến nay, có 66 đoàn thể thao đã giành được huy chương ở Olympic Tokyo 2020, trong đó khu vực Đông Nam Á có 4 đoàn. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Phippines và Thái Lan đều đã giành 1 HCV và cùng chia sẻ vị trí thứ 47 trên bảng tổng sắp, trong khi Indonesia đứng ở vị trí thứ 57 trong số 205 đoàn thể thao, với 1 HCB và 2 HCĐ. Malaysia cũng giành được 1 HCĐ và đang đứng ở vị trí thứ 76.
Theo chương trình, vào lúc 20 giờ 35 phút (giờ địa phương) ngày mai (2/8), trên Sân vận động Olympic, vận động viên Quách Thị Lan sẽ thi đấu vòng bán kết nội dung 400m rào nữ. Cô là vận động viên Đông Nam Á duy nhất tranh tài ở nội dung này. Tại vòng bán kết, Quách Thị Lan sẽ tranh tài cùng với 23 vận động viên khác để giành 8 vị trí dẫn đầu vào thi đấu chung kết.
Sau đây là danh sách 20 đoàn đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tính đến hết ngày 1/8:
TT Đoàn HCV HCB HCĐ Tổng
1. Trung Quốc 23 14 13 50
2. Mỹ 20 22 16 58
3. Nhật Bản 17 5 9 31
4. Australia 14 3 14 31
5. Uỷ ban Olympic Nga 12 19 13 44
6. Anh 10 10 12 32
7. Pháp 5 10 6 21
8. Hàn Quốc 5 4 8 17
9. Hà Lan 4 7 6 17
10. Đức 4 4 11 19
11. New Zealand 4 3 4 11
12. CH Séc 4 3 1 8
13. Italy 3 8 15 26
14. Canada 3 4 6 13
15. Thụy Sĩ 3 4 5 12
16. Croatia 3 2 2 7
17. Brazil 2 3 5 10
18. Đài Bắc Trung Hoa 2 3 4 9
19. Hungary 2 2 2 6
20. Slovenia 2 1 1 4
Nguồn: Báo Tin tức