Những ngày này, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Chính vì vậy, những thông tin chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và của Bộ Y tế, các cấp, các ngành về dịch bệnh bao giờ cũng là những tin “hot”, được nhiều người dân quan tâm.
Trên “mặt trận” truyền thông, từ internet (gồm: trang tin, báo điện tử, mạng xã hội…), đã có rất nhiều bài viết hay và bổ ích giúp mọi người cập nhật tình hình và biết cách phòng tránh bệnh dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn vô số bài viết chỉ nhằm mục đích câu khách /view/like.
Khắp các diễn đàn, mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube… đâu đó vẫn còn những video clip bị cắt xén, lồng ghép vào là những giọng điệu hù doạ, làm hoang mang dư luận, nhưng lại thu hút được nhiều người quan tâm và chia sẻ.
Ảnh: Thông tin Hà Nội giới nghiêm từ 18h00 ngày 29/7 là tin giả
Mới đây, trên Facebook đang lan truyền thông tin cho rằng sau 18 giờ ngày 29/7, Hà Nội sẽ tiến hành giới nghiêm toàn TP và người dân không được ra đường. Đây được xác định là thông tin sai sự thật.
Cụ thể, mới đây trên Facebook có tên “Thuỳ Linh” đã xuất hiện một bài đăng với nội dung “Giờ giới nghiêm của Hà Nội sẽ tính từ 18h tối nay”. Cũng theo bài viết này, sau mốc giờ trên người dân Hà Nội sẽ không được ra đường. Tuy nhiên, ngay lực tức Sở TT&TT Hà Nội đã đưa ra thông tin, hiện TP chưa ban bố lệnh sau 18 giờ ngày 29/7 sẽ là giờ giới nghiêm. Và thực tế đến nay, ngày 30/7 thì Hà Nội chưa ban bố lệnh sau 18 giờ ngày 29/7 sẽ là giờ giới nghiêm.
Do đó, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đưa khẳng định thông tin của Facebook có tên “Thuỳ Linh” đã đăng tải là tin giả. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là tin liên quan tình hình dịch bệnh covid-19.
Một thực tế hiện nay đó là là những trang web hữu ích, tài khoản uy tín thì cứ âm thầm phục vụ không lợi ích, còn những trang web, tài khoản mạng xã hội giỏi cắt xén vay mượn và tạo tin giả thì được hưởng lợi cách bất chính từ công sức của người khác. Nguy hiểm hơn, hiện nay nhiều status, comment, chia sẻ của các tài khoản mạng xã hội Facebook đã thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 ngày một diễn biến phức tạp, khó lường. Trên “mặt trận” mạng xã hội, chúng ta lại phải đối diện với hàng loạt thông tin sai sự thật. Tiếp nhận thông tin chính thống, chính xác là cách mỗi người dân chúng ta chung tay đẩy lùi dịch covid 19./.
Huyền Pha
Nguồn: Người con Đất Mẹ