Trang Nikkei Asia Review vừa có bài viết nói về việc Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) đại diện cho Gap, Adidas và các hãng thời trang quốc tế khác đã đưa ra đề nghị Mỹ hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam.
Cụ thể, ngày 27/7, Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) đã gửi thư đến Nhà Trắng và Thủ tướng Việt Nam, trong đó AAFA mong muốn Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam. Đặc biệt, chủ tịch của AAFA đề xuất với Chính phủ Việt Nam ưu tiên hỗ trợ tiêm chủng cho những công nhân trong ngành may mặc và giày dép.
Nhằm tuân theo các chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, một số hãng sản xuất và bán thiết bị, linh kiện điện tử đã ứng biến trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách áp dụng phương châm “3 tại chỗ” cho các nhân viên tại các công xưởng vẫn còn hoạt động, Nikkei viết.
Tuy nhiên, đối với các công ty thuộc ngành công nghiệp có biên lợi nhuận thấp như dệt may và may mặc thì phương án này lại không khả thi cho lắm. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm quần áo và giày dép sang Mỹ cao thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.
Vì thế, thay mặt cho hơn 1000 thành viên là các hãng thời trang lớn tại Mỹ, AAFA đã đề xuất với Thủ tướng Việt Nam về việc đưa công nhân ngành dệt may và may mặc vào nhóm các đối tượng ưu tiên tiêm chủng vaccine Covid-19.
Trong tâm thư, Chủ tịch của AAFA Steve Lamar đã viết: “Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra những hỗ trợ lớn trong việc phòng chống dịch bệnh cho công nhân trong ngành dệt may, một ngành then chốt cho nền kinh tế của hai nước, chính là đang giúp Mỹ giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và hồi phục kinh tế một cách nhanh chóng. Sự phát triển của ngành may mặc tại Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của những nhân lực ngành may mặc tại Việt Nam theo đúng nghĩa đen.”
Nikkei cho biết, ông Lamar khẩn thiết kêu gọi chính phủ Mỹ cung cấp thêm nhiều vắc-xin cho Việt Nam, bao gồm cả vắc-xin AstraZeneca trong kho dự trữ và các bộ xét nghiệm, đồ bảo hộ y tế.
Các thành viên trong AAFA đều là những tên tuổi chuyên sản xuất các sản phẩm cho các hãng như Calvin Klein, giày ECCO và balo Jansport. Trả lời phỏng vấn với Nikkei Asia, đại diện từ Nike chia sẻ: “Nike hy vọng những nhà sản xuất sẽ ưu tiên đảm bảo sức khỏe và tài chính cho những người công nhân. Đồng thời, tiếp tục tuân thủ nghiêm những quy định về phòng chống dịch của chính phủ nước sở tại và những quy định của Nike về tiền lương, phúc lợi và phụ cấp cho người lao động sau khi nghỉ việc“.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã chuyển hơn 5 triệu liều vaccine các loại cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Nhà Trắng và các quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ là vì mục đích nhân đạo, không đi kèm bất kỳ điều kiện nào, theo Nikkei.
Bảo Trâm (Theo Nikkei Asia Review)
Nguồn: Cánh cò