Status của anh Đoàn Ngọc Hải dù thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi người, nhưng nó đã được cơ quan có trách nhiệm khẳng định là không chính xác. Từ status này, một tình huống pháp lý đã nảy sinh và người ta có quyền hỏi, liệu rằng anh Đoàn Ngọc Hải có phạm tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại điều 132 Bộ Luật Hình sự hay không?
Đầu tiên xin trích nguyên văn từ Fb của anh Đoàn Ngọc Hải:
“Thành phố Hồ Chí Minh 16giờ12 phút chiều nay 27-7-2021.
Kính gửi anh Nguyễn Văn Nên, ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi tên Đoàn Ngọc Hải, là người lái xe cứu thương 51B 50744. Tôi đã chở 22 bệnh nhân và 8 người đi cấp cứu.
Tôi đang đứng chờ hàng giờ đồng hồ ở trước số nhà 22 Trương Định, phường 6, quận 3 để chở một người phụ nữ 54 tuổi bị sốt và khó thở.
Đúng như tôi dự đoán.
Cô ấy vừa đã qua đời.
Tôi đã yêu cầu 2 người lớn tuổi còn lại không lại gần người phụ nữ đã qua đời, đợi cơ quan y tế đến xử lý.
Chúng tôi đều đứng cách xa nhau 8 mét để trao đổi.
Họ đang rất đau khổ, tôi đang trấn an họ.
Người phụ nữ 54 tuổi vừa qua đời là em ruột của kiến trúc sư tài năng Ngô Viết Nam Sơn, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đô thị của thành phố ta.
Một điều tôi rất trăn trở là các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện từ lúc sáng nay mặc dù họ đã kêu gào trong điện thoại trước mặt tôi.
Đây là một gia đình rất trí thức và hiền lành, những gì họ nói với tôi, tôi tin là chính xác.
Rất mong anh chỉ đạo gấp.
Trân trọng cảm ơn anh!”
[Hết trích]
Nội dung vừa trích dẫn nói trên chính là một tình huống pháp lý với nội dung là một người có xe cấp cứu là anh Đoàn Ngọc Hải và một người đang cần anh Đoàn Ngọc Hải cứu giúp vì họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Hải đến theo lời cầu khẩn (chính anh Hải viết) của những người trong gia đình, trước khi người phụ nữ 54 tuổi này chết khoảng 2 tiếng, nhưng anh không làm gì cả cho tới khi người này tử vong, do không được cấp cứu kịp thời.
Lý do anh Hải không đưa người phụ nữ này đi cấp cứu là vì người này bị sốt và khó thở như trong status anh viết.
Vấn đề đặt ra là, anh Hải có đủ điều kiện để đưa nạn nhân vào bệnh viện, nhưng anh không làm gì cả, khiến nạn nhân chết. Đối với tình huống này, tôi không rõ anh Đoàn Ngọc Hải có phải đối diện với các rủi ro pháp lý nào hay không. Nhưng tình huống này có vẻ rất giống với tình huống “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại Điều 132, BLHS 2015. Cụ thể như sau:
Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm như sau:
1. Về phía người phạm tội: Người phạm tội có điều kiện mà không cứu giúp.
Một người khi thấy người khác ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu được người đó khỏi chết mà không cứu thì bị coi là có tội. Người phạm tội phải là người không có hành động nào nhằm cứu người bị hại thì mới coi là phạm tội. Tuy nhiên, nếu họ đã có hành động nhưng vẫn không cứu được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì cũng không coi là phạm tội.
Lỗi của người phạm tội phải là do cố ý. Nghĩa là người phạm tội biết rõ người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không cứu được thì sẽ chết và biết rõ mình có điều kiện cứu mà cố tình không cứu. Nếu còn nhận thức không rõ ràng tình trạng của nạn nhân hoặc khả năng của mình thì không coi là phạm tội.
2. Về phía nạn nhân: Nạn nhân phải thực sự đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Đó là trường hợp họ sắp bị chết, nhưng nếu được cứu thì sẽ không bị chết. Nhưng nếu nạn nhân chưa ở trong tình trạng trên có người biết nhưng không cứu giúp, sau đó bị chết vì lý do khác thì người không cứu trước đó không coi là phạm tội. Người bị hại phải bị chết là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
P/s: Bài viết chỉ nêu tình huống để cùng thảo luận trên tình thần khoa học và không có ý ám chỉ hay quy chụp bất cứ điều gì khác.
Khoai@
Nguồn: Tre làng