Trong ngày 27/7, mọi sự chú ý của người hâm mộ thể thao Việt Nam dồn vào 3 VĐV tranh tài, gồm Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Tuy vậy, dù đã nỗ lực hết mình, cả 3 VĐV đều không đạt được kết quả như mong đợi.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tính đến 20h30 ngày 27/7 (giờ Việt Nam), bảng tổng sắp huy chương Olympic đã có sự hoán đổi các vị trí dẫn đầu so với ngày thi đấu hôm qua. Theo đó, đoàn Nhật Bản dẫn đầu với 10 HCV, 3 HCB và 5 HCĐ. Đứng thứ hai là Mỹ với 9 HCV, 8 HCB và 8 HCĐ. Đoàn Trung Quốc đứng 3 với 9 HCV, 5 HCB và 7 HCĐ. Các vị trí tiếp theo lần lượt là đoàn thể thao Ủy ban Olympic Nga, Anh và Hàn Quốc…
Tính đến hết ngày thi đấu chính thức thứ 4, có 56 đoàn thể thao tham dự Olympic đã giành được ít nhất 1 huy chương. Trong đó, Thái Lan và Philippines là hai đại diện Đông Nam Á đến nay đã giành được 1 HCV, trong khi Indonesia vẫn chỉ có hai HCB và HCĐ như ngày hôm qua.
Trong ngày 27/7, mọi sự chú ý của người hâm mộ thể thao Việt Nam nhằm vào 3 VĐV tranh tài, gồm Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi).
Ở môn cử tạ hạng cân 59 kg của nữ có 14 VĐV tranh tài, Hoàng Thị Duyên được xếp ở nhóm A, tranh tài với 8 đối thủ khác. Ở nội dung cử giật, Hoàng Thị Duyên được ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam đăng ký mức khởi điểm là 95 kg, nhưng thực hiện không thành công ở lượt đầu tiên. Đến lần nâng tạ thứ 2, VĐV sinh năm 1996 mới chinh phục được mức tạ này. Tuy nhiên, trong lần cử thứ 3, Duyên thất bại ở mức tạ 98 kg. Sang phần thi cử đẩy, Hoàng Thị Duyên đăng ký mức tạ khởi điểm 115 kg, nhưng giảm xuống 113 kg và thực hiện thành công ở lần nâng đầu. Ở lượt cử đẩy thứ 2, Duyên nâng mức tạ lên 119 kg, tăng 6 kg so với lần đầu. Tuy nhiên, đô cử quê Lào Cai đã thất bại ở cả 2 lần cử sau đó. Sau 2 phần thi, Duyên đạt tổng cử 208 kg và đứng thứ 5 chung cuộc.
Ở hạng cân này, nhà vô địch thế giới Kuo Hsing Chun của Đài Bắc Trung Hoa tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại. Cô giành HCV, phá 3 kỷ lục Olympic với tổng cử 236 kg (cử giật 103 kg, cử đẩy 133 kg). Nữ VĐV người Turkmenistan Polina Guryeva giành HCB với tổng cử 217 kg, trong đó cử giật 96 kg, cử đẩy 121 kg. Đô cử chủ nhà Nhật Bản Andoh Mikiko giành HCĐ với tổng cử 214 kg, trong đó cử giật 94 kg và cử đẩy 120 kg.
Ở môn cầu lông nội dung đơn nam, Nguyễn Tiến Minh bị loại, khi thua đối thủ Azerbaijan Resky Dwicahyo 14-21, 18-21 ở trận thứ hai bảng L. Cơ hội đi tiếp vốn đã gần như không còn với Tiến Minh sau trận thua Anders Antonsen. Mục tiêu của tay vợt Việt Nam ở trận gặp Dwicahyo là tìm kiếm chiến thắng danh dự trước khi rời Olympic. Tiến Minh thể hiện được tinh thần thi đấu kiên cường, thậm chí còn dẫn điểm ở set đấu thứ 2. Tuy nhiên, tuổi tác đã khiến thể lực của anh suy giảm, không thể duy trì được thế dấn điểm và đành chấp nhận thua cuộc.
Trên “đường đua xanh”, nội dung 800 mét tự do của nam, tuy về nhì ở nhóm hai nhưng thành tích 7 phút 54,16 giây không đủ để Huy Hoàng vượt qua vòng loại. Trong tổng số 34 VĐV tham dự vòng loại 800m tự do, Huy Hoàng chỉ đứng thứ 20. Thành tích tốt nhất thuộc về VĐV Ukraine Mykhailo Romanchuk – 7 phút 41,28 giây. Đứng thứ hai là VĐV Đức Florian Wellbrock với thành tích 7 phút 41,77 giây, VĐV Mỹ Robert Finke đứng thứ ba, đạt 7 phút 42,72 giây. Huy Hoàng còn tham dự một nội dung nữa tại Olympic 2020 – 1.500m tự do, diễn ra vào tối 30/7.
(TT – Đoàn – HCV – HCB – HCĐ – Tổng)
1. Nhật Bản 10 3 5 18
2. Mỹ 9 8 8 25
3. Trung Quốc 9 5 7 21
4. Ủy ban Olympic Nga 7 7 4 18
5. Vương quốc Anh 4 5 4 13
6. Hàn Quốc 3 2 4 9
7. Australia 3 1 5 9
8. Canada 2 3 3 8
9. Pháp 2 2 3 7
10. Đức 2 0 3 5
11. Kosovo 2 0 0 2
12. Italy 1 5 6 12
13. Đài Bắc Trung Hoa 1 2 3 6
14. Brazil 1 2 2 5
14. Thụy Sĩ 1 2 2 5
16. Slovenia 1 1 1 3
16. Serbia 1 1 1 3
18. Hungary 1 1 0 2
18. Tunisia 1 1 0 2
20. Áo 1 0 1 2
20. Croatia 1 0 1 2
20. Estonia 1 0 1 2.
Nguồn: Báo Tin tức