Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc-xin với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8.
Chiều 25-7, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu, giải trình làm rõ một số vấn đề về lĩnh vực y tế, công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Người đứng Bộ Y tế gửi lời cảm ơn đến Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đã quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành y tế trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.
“Trong giai đoạn khó khăn này, sự sẻ chia, ủng hộ của Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế, để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go và thử thách này”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4-2021, đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài, tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động ứng phó, phòng chống dịch bệnh, thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp, truy vết thần tốc và nhiều biện pháp hiệu quả khác. Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng.
Về chiến lược vắc-xin Covid-19, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin trên toàn diện các lĩnh vực: Mua, nhập khẩu, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước và tổ chức tiêm.
Lãnh đạo ngành y tế cho hay Việt Nam đã đạt được thỏa thuận cung ứng vắc-xin đầu tiên vào tháng 9-2020 từ Covax với 38,9 triệu liều; tháng 11 hợp đồng được ký với AstraZeneca với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.
Bên cạnh đó, Việt Nam nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vắc-xin với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều kết quả khả quan.
“Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021”- Bộ trưởng cho biết.
Riêng trong tháng 7-2021, sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các địa phương khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ những khó khăn do tình hình khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu, khả năng sản xuất của các nhà máy có hạn. Các trung tâm sản xuất vắc-xin của thế giới như Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên đã dừng xuất khẩu vắc-xin cho các nước.
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc-xin, bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, thử nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Trong đó, hợp đồng với Nga đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga. Trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam để chuyển sang giai đoạn 2, chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
“Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc-xin với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới hơn 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và đang đẩy nhanh tiến độ từ nay đến cuối năm.
Minh Chiến
Nguồn: Cánh cò