Đất nước đang bước vào “thời chiến” chống dịch thực thụ với nhiều thử thách và áp lực. Nắm vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của nước ta, cả TP.HCM và Hà Nội đều đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt để có thể bảo đảm được sức khỏe và tính mạng của người dân trước sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Những ngày qua, diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM vô cùng phức tạp, tình hình căng hơn cả dây đàn với số ca nhiễm kể từ ngày 27/4 đến nay đã chạm ngưỡng gần 50.000 ca, có ngày số ca nhiễm lên tới 4000 ca. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận hệ thống y tế cả thành phố đang rơi vào tình trạng quá tải. Hầu hết nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đều đóng cửa. Bảo sao cả nước không lo lắng, quan tâm cho TP.HCM? Nhận ra tình thế gấp, thậm chí có thể xem là “ngàn cân treo sợ tóc” của TP.HCM thì ngay từ những ngày đầu tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo “phải dành những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch” để nhanh chóng đưa thành phố trở lại bình thường.
Sự ưu tiên, chi viện nhân lực, vật lực kịp thời là những gì TP.HCM đang cần ở cả nước. Và thực tế, khi TP.HCM cần thì cả nước cũng đã “đáp lời”, hơn 80.000 bộ test nhanh Covid-19 đã được vận chuyển vào TP.HCM. Đáng chú ý nhất là việc thành phố được ưu tiên hơn 1/4 nguồn vaccine của cả nước để tiêm cho người dân. Dù là vaccine Astrazeneca, Moderna hay Pfizer thì TP.HCM cũng ưu tiên phần lớn số lượng hiện có với hy vọng nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng, giữ được sức khỏe, tính mạng của người dân và giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế thành phố. Hơn nữa, chúng ta phải hiểu rằng, việc phòng chống dịch tại TP HCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công chống dịch của cả nước, nhất là các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Vì thế, Bộ Y tế đã huy động khoảng 10.000 cán bộ giúp thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, đồng thời thiết lập 24 đoàn hỗ trợ. Gần như, TP.HCM thiếu bao nhiêu nhân lực thì Bộ cũng sẽ hỗ trợ bấy nhiêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói “việc chống dịch lần này ở TP.HCM chưa có tiền lệ, nên phải bám sát thực tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần”. Không chỉ riêng TP.HCM mà tất cả các tỉnh/thành khác cũng phải rút kinh nghiệm, chủ động hơn trong chống dịch ngay từ những ngày đầu. Sự chủ quan, lơ là có thể khiến dịch bùng phát mạnh, hậu quả khó kiểm soát nổi. Thông điệp này đã được Thủ tướng nhấn mạnh lại một lần nữa trong buổi làm việc với chính quyền TP Hà Nội mới đây khi dịch Covid-19 đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội ưu tiên cấp bách hiện nay là phải phòng chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Để thủ đô của đất nước tránh rơi vào trạng thái bị động và chịu nhiều áp lực như TP.HCM thì người đứng đầu Chính phủ đã đốc thúc huy động tối đa, phát huy tối đa sức mạnh hệ thống cơ sở, chuyển từ trạng thái phòng ngự trong mấy tháng nay sang tấn công. Với kinh nghiệm chống dịch trước đó cũng như tình hình dịch bệnh hiện tại không quá phức tạp nên Thủ tướng đã đặt niềm tin và động viên Hà Nội chủ động tự lực ứng phó. Ưu tiên số 1 vẫn là quyết tâm bảo vệ thủ đô không bị diễn biến xấu. Những chỗ nào an toàn trong phòng, chống dịch thì tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh cho tốt nhưng mà ưu tiên vẫn là phòng, chống dịch, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.
Bác Hồ đã từng dạy: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, mọi việc đều cần sự bình tĩnh suy xét để lựa chọn đối sách phù hợp với tình thế, chống giặc Covid-19 càng cần có chiến thuật như vậy. Hà Nội, TP.HCM hay bất kỳ tỉnh/thành nào đó trên cả nước có mức độ chống dịch như thế nào là phụ thuộc vào hoàn cảnh và tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương đó. Dù tỉnh/thành nào được ưu tiên chống dịch đi chăng nữa thì đó cũng là một phần máu thịt của đất nước. Và người dân nơi đó đang thật sự rất cần cả nước dang rộng bàn tay cứu giúp. Trong thời điểm này là lúc nhân dân cả nước đồng tâm đồng sức chống dịch chứ không phải một cá nhân hay tổ chức nào đó soi mói, canh me tiểu tiết để so sánh, phân bì, gây chia rẽ lòng dân. Chúng ta hãy là những chiến sỹ tỉnh táo và khôn ngoan trên mặt trận chống giặc Covid-19!
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò