Trang chủ Thể thao Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội đặc biệt

Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội đặc biệt

132
0

Đại hội thể thao mùa Hè Olympic Tokyo 2020 dự kiến chính thức khai mạc vào lúc 20 giờ (giờ Nhật Bản, 22 giờ Việt Nam) ngày 23/7/2021.

Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội đặc biệt Biểu tượng Olympic tại khu vực sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản ngày 20/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và thành phố Tokyo đăng cai đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Trước thềm lễ khai mạc, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày vượt quá mức 1.800 ca kể từ ngày 16/1, lên tới 1.832 ca ngày 21/7. Đây được coi là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Tokyo bởi giới chuyên gia y tế cảnh báo con số mắc COVID-19 mới còn tăng hơn nữa vào tuần tới khi Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ dài 4 ngày từ ngày 22/7 và mật độ người dân tại Tokyo gia tăng cùng với các hoạt động liên quan đến Olympic. Mặc dù vậy, Olympic Tokyo 2020 đã được chuẩn bị một cách chu đáo và cẩn trọng theo đúng tính cách của người Nhật.

Trong chuyến công du Nhật Bản cuối tuần trước, ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), nhận xét: Tokyo là thành phố chủ nhà Olympic “chuẩn bị tốt nhất từ trước tới nay” bất chấp những tình huống khó khăn do dịch bệnh gây ra. Ông cũng khẳng định mục tiêu chung của IOC và nước chủ nhà Nhật Bản là tổ chức “Olympic an toàn và an ninh cho tất cả mọi người”.

Ngay trong chuyến công du của ông Thomas Bach, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo đã chính thức mở cửa làng vận động viên Olympic. Nằm ở khu Harumi, bên bờ vịnh Tokyo, làng Olympic có diện tích 44 ha sẽ là nơi trú ngụ của hơn 11.000 vận động viên và hàng nghìn quan chức thể thao đến từ hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Bên cạnh 18 tòa chung cư cao từ 14 đến 18 tầng, tổ hợp này còn có các nhà ăn, phòng tập thể dục-thể thao, trung tâm kiểm soát doping và trung tâm y tế. Tất cả các cơ sở này đều hoạt động 24/24 giờ hằng ngày.

Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội đặc biệtNhân viên hướng dẫn cho các phương tiện tại lối vào làng vận động viên Olympic và Paralympic ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Khác với các kỳ thế vận hội trước, trung tâm y tế của làng Olympic không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên mà còn có nhiệm vụ thực hiện các xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR hằng ngày cho thành viên của các đoàn thể thao. Trong khi đó, nhà ăn chính của làng Olympic có thể cung cấp 45.000 bữa ăn/ngày và cùng lúc phục vụ 3.000 vận động viên, với các chế độ ăn uống khác nhau, từ các món ăn Nhật Bản, châu Âu và châu Á cho đến các món ăn dành cho người ăn kiêng hay người theo đạo Hồi.

Cách làng Olympic không xa là Trung tâm Báo chí quốc tế (IPC) và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình quốc tế (IBC). Ban Tổ chức ước tính sẽ có khoảng 4.600 phóng viên từ khắp nơi trên khắp thế giới tới Nhật Bản đưa tin về thế vận hội lần này.

Để đảm bảo an toàn và an ninh cho Olympic, Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) đã huy động lực lượng cảnh sát lớn nhất từ trước tới nay. Theo NPA, gần 60.000 sỹ quan cảnh sát đã được triển khai ở tất cả các địa điểm thi đấu, trong đó có khoảng 36.500 người được triển khai ở Tokyo. Trong thời gian qua, cùng với nhân viên bảo vệ và an ninh tư nhân, các lực lượng này đã nhiều lần tổ chức diễn tập trên thực địa để đảm bảo an ninh cao nhất cho thế vận hội.

Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội đặc biệtQuang cảnh bên ngoài một lối vào làng Olympic ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 15/7/2021, nơi các vận động viên cư trú, luyện tập trong thời gian diễn ra Olympics Tokyo 2020 (khai mạc ngày 23/7/2021). Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng với các địa điểm thi đấu, công tác an ninh cũng được tăng cường tại các khu vực trọng điểm như các sân bay Narita và Haneda, nơi sẽ đón phần lớn các đoàn thể thao quốc tế. Ngày 19/7, các sân bay này đã đưa vào sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt “Face Express” nhằm cho phép các hành khách quốc tế gửi đồ và thực hiện thủ tục kiểm tra an ninh mà không cần phải trình hộ chiếu hay vé máy bay. Điều này không chỉ góp phần giảm bớt thời gian làm thủ tục mà còn hạn chế tiếp xúc giữa hành khách và nhân viên sân bay. Đoàn thể thao Việt Nam gồm 43 thành viên, trong đó có 18 vận động viên, có mặt tại Nhật Bản ngày 19/7, là một trong số những đoàn thể thao đầu tiên sử dụng công nghệ này.

Một điều đáng tiếc tại Olympic Tokyo là do sự bùng phát của dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản đã không cho phép khán giả nước ngoài tới để cổ vũ cho các vận động viên, đồng thời không cho phép khán giả vào các địa điểm thi đấu ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận. Vì vậy, chỉ có khoảng 26 trong tổng số 750 sự kiện của Olympic Tokyo diễn ra có khán giả. Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức cũng giới hạn số lượng khách chưa đến 1.000 người. Trước đó, ngọn đuốc Olympic cũng không được rước qua các tuyến đường ở trung tâm thủ đô. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Ban tổ chức đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các đoàn thể thao cũng như giữa các đoàn thể thao và người dân bản địa. Bà Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo, nhấn mạnh Tokyo sẽ thực hiện các biện pháp đầy đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Bà nói: “Chúng tôi muốn bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của những người đến từ khắp nơi trên thế giới”.

Theo IOC, có ít nhất 75% vận động viên và thành viên các đoàn thể thao tham dự Olympic đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Bản thân Nhật Bản cũng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong nước. Khi các đoàn thể thao nước ngoài tới Nhật Bản, sau khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính, Ban tổ chức bố trí các xe buýt riêng chở họ từ sân bay về thẳng làng Olympic. Tại đây, các vận động viên sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên một xe buýt nhỏ hơn để về chỗ ở. Các nhà tổ chức chỉ cho phép các vận động viên vào làng vận động viên 5 ngày trước khi thi đấu, đồng thời yêu cầu họ phải rời khu vực này trong vòng 2 ngày sau khi kết thúc thi đấu.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đưa ra các quy định hết sức nghiêm ngặt như yêu cầu các vận động viên chỉ được di chuyển từ làng vận động viên tới nơi tập luyện và địa điểm thi đấu; không được đi ra bên ngoài làng vận động viên hoặc tới các điểm du lịch…, yêu cầu các quan chức thể thao và phóng viên nước ngoài chỉ được di chuyển theo lộ trình đã đăng ký trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Bất cứ ai vi phạm quy định này sẽ bị áp dụng các biện pháp hành chính nghiêm khắc hoặc thậm chí bị trục xuất khỏi Nhật Bản.

Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội đặc biệtTrung tâm Báo chí chính (MPC) đưa tin Olympic và Paralympic tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thời gian diễn ra Olympic, các nhà tổ chức sẽ tiến hành xét nghiệm hằng ngày đối với các vận động viên. Khi có vận động viên hoặc quan chức thể thao dương tính với virus SARS-CoV-2, tùy vào mức độ nghiêm trọng, họ sẽ được nhập viện hoặc chuyển tới một khách sạn bên ngoài làng vận động viên để cách ly. Những người tiếp xúc gần các ca mắc COVID-19 chỉ có thể thi đấu sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hằng ngày, trải qua cuộc kiểm tra sức khỏe dưới sự giám sát của các chuyên gia và được cơ quan quản lý môn thể thao của họ chấp thuận. Chính phủ Nhật Bản và Ban tổ chức đã quyết định cho phép các vận động viên tham gia nếu họ có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 6 giờ trước khi thi đấu.

Đánh giá về các biện pháp phòng dịch quyết liệt của Nhật Bản, Chủ tịch IOC khẳng định Olympic Tokyo sẽ là “sự kiện thể thao được kiểm soát gắt gao nhất trên thế giới từ trước tới nay”. 

Trong bối cảnh vài ngày qua, một số vận động viên tham dự Olympic Tokyo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ dịch COVID-19 tại Olympic Tokyo 2020, đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức thành công sự kiện này cần được đánh giá dựa trên cách thức xử lý tốt các ca lây nhiễm, đó là đảm bảo xác định được các ca mắc COVID-19, cách ly, truy vết và điều trị nhanh nhất có thể cũng như cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, phát biểu trong phiên họp lần thứ 138 của IOC tổ chức ngày 20/7, đã bày tỏ tin tưởng rằng Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra thành công, bất chấp bóng ma COVID-19 nhờ sự đoàn kết cùng những nỗ lực và trí tuệ của nhân loại. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thì tuyên bố Olympic Tokyo 2020 cần được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bởi “Olympic có sức mạnh để đưa thế giới xích lại gần nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể” và Olympic Tokyo 2020 chính là “sự kiện của hy vọng”.

Đào Thanh Tùng (tt)

Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội đặc biệt

Olympic Tokyo 2020: Nhà Trắng xác nhận Đệ nhất phu nhân Mỹ dự lễ khai mạc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Nhà Trắng ngày 21/7 xác nhận Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden sẽ tới thăm Nhật Bản từ ngày 22/7 để tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020, đồng thời bày tỏ “mức độ ủng hộ cao nhất” đối với các vận động viên Mỹ và nỗ lực tổ chức thế vận hội này của nước chủ nhà Nhật Bản.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây