Những ngày qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang rất căng thẳng, các thế lực thù địch, chống phá đã đăng tải những thông tin sai trái, kích động nhằm tạo ra sự bất ổn về an ninh trật tự trong nước. Cá biệt, trang mạng chống phá Việt Tân còn lợi dụng cả trẻ em để bịa đặt thông tin, xuyên tạc sai lệch gây ảnh hưởng công tác chống dịch…
Theo đó, Việt Tân đã đăng tải hình ảnh trẻ em đi cách ly kèm bình luận “Bắt các cháu bé phải đi cách ly xa gia đình không được chăm sóc là tội ác”. Chúng còn lộng ngôn rằng trong khu cách ly trẻ em không có giường nằm, không bác sĩ, sốt không có thuốc, đói không có cơm. Thậm chí, Việt Tân còn cố suy diễn rằng việc đưa trẻ em đi cách ly tập trung “tội ác”, một lối suy nghĩ lố bịch, đi ngược lại tinh thần và suy nghĩ của người dân Việt Nam.
Nhưng xin nói rõ với Việt Tân rằng Bộ Y tế có quy định rõ ràng về việc cách ly tập trung đối với trẻ em, độ tuổi của các cháu cách ly như thế nào, chăm sóc ra sao, đảm bảo tối đa quyền trẻ em. Trẻ vào khu cách ly được chăm sóc miễn phí hoàn toàn, rất bài bản. Đội ngũ nhân viên y tế trong khu cách ly sẽ chăm sóc trẻ em khác hơn người lớn, làm sao để trẻ cảm thấy như đang ở nhà. Chính quyền đưa các cháu F0, F1 đi cách ly cũng là để phục vụ phòng chống dịch bệnh, là vì sức khỏe chung của cộng đồng, chứ đâu phải vì chính quyền thích như thế mà anh lên tiếng xỉ vả, soi mói. Việt Tân nên nhớ, việc cách ly vẫn là biện pháp phòng dịch hữu hiệu ở Việt Nam, 3 đợt dịch COVID-19 và cả đợt thứ 4 hiện nay. Trường hợp trẻ không có người thân sẽ được chăm lo, quan tâm đặc biệt của nhân viên y tế.
Hiện nay Sở Y tế TP.HCM đã phân công cho Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 chịu trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhi mắc COVID-19. Trong các khu cách ly trẻ em được quan tâm, chăm sóc kỹ càng, có khẩu phần ăn riêng đầy đủ cháo và sữa. Mỗi trẻ mắc COVID-19 sẽ được một người thân chăm sóc, nếu cả người thân và trẻ đều nhiễm thì sẽ được điều trị chung. Nếu người thân chuyển nặng sẽ được chuyển lên bệnh viện điều trị COVID-19 tuyến trên, gia đình sẽ bố trí người khác để chăm sóc bé.
Trường hợp trẻ mắc COVID-19 nhưng người thân không mắc, bé vẫn được một người thân chăm sóc, bệnh viện sẽ tư vấn các nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn người nhà các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, các nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 và viết giấy cam kết trước khi vào chăm sóc trẻ. “Chúng tôi xót trẻ còn quá nhỏ, thương phụ huynh vất vả nên luôn ưu tiên, cố gắng đáp ứng, tạo điều kiện sinh hoạt thoải mái nhất cho bệnh nhi và người nhà trong khả năng”, một bác sĩ nói.
Không chỉ vậy, ngày 29/5/2021, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19, cùng với đó là định mức hỗ trợ chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tất cả trẻ em từ 0 đến 16 tuổi đang điều trị hay cách ly y tế tập trung, mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được lấy từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trên cơ sở vận động gây quỹ và tích lũy năm 2021.
Và mới đây nhất, Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận ban đầu với hãng Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho các em ở lứa tuổi từ 12-18 tuổi, với dự kiến sẽ về trong quý IV/2021. Việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ rất quan trọng, sẽ giúp chúng ta không tiếp tục phải đưa ra các quyết định đóng cửa trường học, làm gián đoạn việc học tập vì dịch bùng phát như các đợt dịch vừa qua.
Có thể khẳng định rằng chỉ những ai đang sống ở một đất nước mà không ai bị bỏ lại phía sau mới có thể thấu hiểu sự nỗ lực hết mình từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, đoàn thể, tổ chức, cơ quan. Dù là ai, người trưởng thành hay các em nhỏ ở tuổi cắp sách đến trường, cuộc chiến trước dịch COVID-19 của Việt Nam vẫn luôn là tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò