Trang chủ Luận bàn - Phản biện Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô và góc nhìn của...

Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô và góc nhìn của một người trong nghề!

254
0

Những ngày vừa qua, “cơn bão dư luận” và cuộc “khủng hoảng truyền thông” bùng nổ về vụ việc một quân nhân mất tại tỉnh Thái Nguyên chưa rõ nguyên nhân. Đây là một sự việc hết sức đau lòng đối với gia đình em Đô, cũng như đơn vị em đang đóng quân. Tôi thành kính xin chia buồn cùng gia đình em về sự mất mát vô cùng to lớn đối với sự ra đi của em, nó tạo thành một khoảng trống lớn không gì có thể bù đắp lại cho những người thân trong gia đình em. Vụ việc làm chia cắt chúng ta ra làm hai mảng màu rõ rệt, làm sục sôi trong một bộ phận không nhỏ người dân ở Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, làm “tổn thương nghiêm trọng” tới hình ảnh của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” dưới sự công kích của dư luận, các thế lực thù địch và những “con kền kền” chỉ chực chờ chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Định rằng sẽ không viết gì cả xung quanh vụ việc này, nhưng thiết nghĩ nên làm một điều gì đó đúng đắn để chia sẻ cho mọi người hiểu hơn về cuộc sống ở trong môi trường Quân đội mà không phải ai cũng hiểu, cũng biết nơi luôn được mệnh danh là “kỷ luật thép”.

NHỮNG NGÀY ĐẦU TRONG QUÂN NGŨ

Tôi từng có gần 7 năm trong môi trường Quân đội, cho nên bản thân có rất nhiều bạn bè trong đó cũng như hiểu tường tận mọi việc trong ấy tới từng chân tơ, kẽ tóc. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một phần về cuộc sống đầy tính kỷ luật ấy để hiểu hơn về những người lính Cụ Hồ.

Năm 2007, tôi tốt nghiệp THPT sau đó thi đậu vào Học viện An ninh nhân dân, cơ duyên thế nào tôi là một trong 29 học viên được trường gửi qua đào tạo bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y – Bộ Quốc phòng. Ngày 12/9/2007 nhập học ở HVANND được hơn 1 tháng thì tới ngày 16/10/2007 chúng tôi bắt đầu qua HVQY, qua đó chỉ vài ngày rồi chúng tôi được xe ô tô của học viện chở lên Trường Sĩ quan Lục quân I, tại thị xã Sơn Tây để bước vào giai đoạn huấn luyện 6 tháng tân binh tại Tiểu đoàn 17 (một khu vực rất xa dân cư ở trường bắn Đồng Doi, xã Yên Bài nơi đóng quân của Tiểu đoàn 17, 18, 19).

Khi lên tôi được phân công về tại Trung đội 10, Đại đội 63, Tiểu đoàn 17 huấn luyện cùng với học viên của Trường Sĩ quan Tăng Thiết Giáp và Trường Sĩ quan Phòng hóa. Quả thực, mọi thứ không như mơ, với một môi trường hoàn toàn khác so với bên ngoài, một nơi chỉ có kỷ luật và kỷ luật, nơi để rèn luyện nên con người và định hình một phần “tính cách” của tôi cho tới hôm nay.

Đó là, phải thay đổi hoàn toàn giờ giấc sinh hoạt, cuộc sống đẩy nhịp “khẩn trương”, có kế hoạch cụ thể, được duy trì nghiêm túc theo “3 chế độ trong tuần và 11 chế độ trong ngày”, lúc nào cũng phải “chăn gọn góc, tóc cắt cao, giờ nào việc ấy”. Thú thật, ban đầu tôi hoàn toàn bị ngợp bởi môi trường ấy, tại nơi vùng đất vô cùng khắc nghiệt “nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”, mùa đông là lạnh như cắt da cắt thịt, đến mùa hè thì nóng như thiêu như đốt và chúng tôi được nếm đủ cả hai mùa ở đó.

Việc đầu tiên vào là được phân công ở giường tầng bằng sắt, chuẩn bị ba lô, sách vở, chăn màn, quần áo, đồ dùng cá nhân phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Việc mà cho tới tận giờ vẫn sợ đó chính là việc “gấp nội vụ”, mỗi sáng dậy chỉ có một ít thời gian ngắn để gấp chăn màn, chúng tôi được dạy bảo từng chút một về việc phải gấp làm sao cho vuông thành, sắc cạnh, phải vuốt ve, uốn nắn từng xíu một. Rồi phải lấy dây để căng làm sao cho chăn của anh em trong tiểu đội phải ở một hàng thẳng tới từng milimet.

Sáng nào cũng sẽ có bộ phận trực ban đi chấm điểm nội vụ, chỉ cần bị ghi “chăn xấu”, hoặc “khăn mặt bẩn” hay “dây ba lô không gọn”, “quét nhà không sạch” lên bảng tin nội bộ đơn vị, sau khi đi ra thao trường về là mặt thẫn thờ rồi ấy. Ban đầu sẽ được nhắc nhở, rồi tự tập tành gấp lại, sau nếu ai cứ vi phạm tái diễn, không tiến bộ sẽ được tiểu đội trưởng chỉ bảo lại và tập gấp vào buổi trưa hôm ấy. Có những lúc ngủ trưa, chẳng cả dám bỏ chăn ra đắp, vì sợ đến giờ báo thức không kịp gấp lại thì lại phải chuẩn bị cho giờ huấn luyện buổi chiều.

Rèn luyện lễ tiết tác phong, xưng hô, chào hỏi đều phải tuân thủ, ngày nào cũng phải báo thức dậy sớm, tập thể dục, rèn luyện thân thể, vệ sinh cá nhân và chuẩn bị nội vụ. Việc đi ăn cũng phải xếp hàng ngay ngắn, mỗi người một cái bát và đôi đũa, vừa đi đều vừa hát, trong khi bụng thì đói cồn cào. Đến nhà ăn, lần lượt cứ 6 người vào 1 bàn, đồ ăn được chia ra các đĩa trông khá hấp dẫn, cơm canh thì ăn chung, nhưng thú thật so với cường độ huấn luyện với đang độ tuổi ăn tuổi lớn hồi ấy, ăn đôi khi cũng không đủ no. Chúng tôi, tự đánh bắt cá ở ao, tự trồng rau tăng gia sản xuất để “tăng cường, cải thiện” các bữa ăn của người lính.

Những ngày ở đó cuộc sống dường như theo một kế hoạch chi tiết, tôi vẫn nhớ khẩu hiệu xuyên suốt ở đó “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, “kỷ luật là sức mạnh của Quân đội” những ngày học điều lệnh vô cùng vất vả, tập từng động tác chào, đi đều, đi nghiêm… Hay những khi học bơi lội, tập võ, chạy vật cản K91, những lúc tập bắn súng AK, những giờ học chiến thuật, công binh, chính trị, những giờ hành quân đêm hàng chục cây số, những đợt báo động đêm, rồi những lúc thể dục thể thao, tăng gia sản xuất… Tất tần tật những cái đó giúp cơ thể khỏe mạnh rõ rệt, không còn chỗ cho sự gầy gò thư sinh, ở đó là những cơ bắp cuồn cuộn, làm việc không biết mệt mỏi là gì.

Chúng tôi, ở cùng nhau trong các trung đội, sinh hoạt cùng nhau, ăn ở cùng nhau, từ những người xa lạ khi mới vào huấn luyện, sau đó rồi ai cũng thân thương, gần gũi, đồng chí đồng đội gắn bó một cách kỳ lạ “tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”. Những ngày tháng cùng nhau học tập và rèn luyện ấy có lẽ là những kỷ niệm đẹp nhất theo suốt trong cuộc đời binh nghiệp của tôi cho tới về sau.

CÁI CHẾT ĐAU LÒNG

Tôi hết sức bất ngờ, khi người ta chửi bới lực lượng khi có một vài clip quay và tung lên mạng với kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”, rồi thóa mạ, vu khống, bôi nhọ hình ảnh tốt đẹp của anh Bộ Đội Cụ Hồ với những “luận điệu” và “thuyết âm mưu” vô cùng xấu xa. Gây mất lòng tin của bộ phận quần chúng nhân dân chưa đầy đủ nhận thức với Đảng và Chế độ của nước ta. Nó như vết dao cứa sâu vào tận cùng sự đau đớn mà gia đình quân nhân đó phải gánh chịu. Rồi chúng hả hê với những thông tin sai trái, chưa được kiểm chứng, để nhiều người chia sẻ rầm rộ, với chiêu trò câu like, câu view rất bẩn.

Cho tới ngày hôm nay, khi đã có kết luận giám định, kết luận điều tra của một số Cơ quan chức năng thì tôi mới chia sẻ về vấn đề này để mọi người hiểu hơn về vụ việc. Ngay từ khi vụ việc xảy ra, tôi đã xem toàn bộ Clip mà gia đình livestream và chụp các dấu vết trên cơ thể em Đô, bản thân tôi cũng là một người trong nghề, một bác sĩ pháp y từng đối diện rất nhiều vụ án khó, phức tạp, hay các vụ tự tử. Tôi nhận định rằng đây khả năng không phải một vụ án mạng và không có dấu hiệu ngoại lực tác động vào để dẫn tới cái chết của em ấy. Tôi định rằng sẽ viết và giải thích nhiều hơn về cơ chế chết do treo cổ, cũng như cơ chế hình thành các dấu vết. Tuy nhiên, khi ấy dư luận giống như một đám lửa lớn, nếu như mình viết và chia sẻ dù đúng hay sai cũng như “đổ thêm dầu vào lửa”.

Một vụ việc treo cổ rất phức tạp, thường bị cho rằng đó là vụ án mạng, do đó việc để chứng minh và giải thích được sự việc phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đặc biệt là giám định pháp y mới có thể có lời giải cho những gốc rễ sâu xa của vấn đề. Để khách quan, đã có tới 5 cơ quan vào cuộc điều tra vụ việc, cũng như để xem liệu rằng có sự bao che, hay bỏ lọt tội phạm không? Việc các lực lượng đồng loạt vào cuộc cho thấy sự công bằng, minh bạch và rất khách quan để tìm ra lời giải và sự thật cho người đã khuất.

Tôi sẽ giải thích một chút cho mọi người hiểu hơn về cơ chế chết treo cổ và những việc mà Cơ quan điều tra với cơ quan giám định phải làm để chứng minh đó có phải vụ tự treo hay không? Chết do treo cổ thường có 4 giai đoạn, ở giai đoạn 2 có hiện tượng co giật và mất các phản xạ, cho nên ở giai đoạn này cơ thể dễ bị va chạm với các vật gần đó và tạo nên những vết sây sát hay bầm máu trên đó (tùy vào tư thế treo hoàn toàn hay không hoàn toàn).

Dây treo sẽ chèn ép vào mạch máu gây thiếu máu, ứ máu ở vùng đầu mặt, cho nên sẽ có một số hiện tượng tím tái và phù nề ở mặt. Đồng thời, dây treo chèn ép vào thần kinh phế vị và khí quản gây ra hiện tượng ngạt đối với nạn nhân. Đối với chết do treo cổ thì rãnh treo đóng vai trò quan trọng để đánh giá xem có phải tự treo hay chết rồi mới treo lên. Đó là, phải chứng minh được “tính chất sống của rãnh treo”. Đây là việc quan trọng nhất để định hướng cho kết luận giám định.

Bên cạnh đó, đặc điểm “vết hoen tử thi” thường hay bị người không có chuyên môn nhầm lẫn với việc bị đánh đập tạo nên vết bầm như vậy. Vết hoen chỉ hình thành khi con người chết và đặc trưng của nó hình thành ở chỗ thấp và cần có thời gian thì mới hình thành.

Một việc cần hết sức chú ý đó là khi đưa người treo cổ xuống rất hay gặp đó là làm rơi, hoặc va đập tử thi vào vật cứng nào đó sẽ hình thành nên các dấu vết nghi ngờ cho gia đình. Tôi từng làm một vụ ở thành phố Tam Kỳ khi người vợ phát hiện chồng chết treo cổ, vội vàng đưa xuống, do sức nặng không đỡ được làm anh chồng rơi xuống đập mạnh đầu vào bệ bếp tạo nên vết rách rộng sau đầu và chảy máu rất nhiều. Gia đình liền nghi ngờ rằng cô vợ đã giết chồng và tạo dựng hiện trường giả vụ treo cổ. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào cuộc giám định đã kết luận khẳng định nguyên nhân chết và dấu vết ở vùng sau đầu là dấu vết hình thành sau chết, chứng minh sự vô tội cho người vợ và để người chết ra đi được thanh thản.

Bên cạnh đó, rất hay gặp hiện tượng các vết thâm tím, bầm máu ở giữa ngực và mũi ức, có rất nhiều trường hợp khi đưa nạn nhân xuống hoặc khi vào bệnh viện thường ép tim ngoài lồng ngực để hồi sinh tim phổi cho nạn nhân. Nếu không đúng cách, hoặc lực ép mạnh có thể dẫn tới gãy xương sườn và các vết tụ máu diện rộng ở ngực. Và muốn chứng minh được vết ấy hình thành như thế nào trước chết hay sau chết không phải là việc khó đối với cơ quan giám định pháp y.

Đồng thời, việc giải phẫu tử thi là rất quan trọng để chứng minh tình trạng ngạt của nạn nhân và thu các mẫu nội tạng, máu, da cổ… để giám định hóa pháp và mô bệnh học (đây là những tiêu chuẩn vàng) để chứng minh những nhận định khách quan của các giám định viên. Ngoài ra, còn nhiều hiện tượng và dấu vết khác nhau ở từng vụ việc, từng cá thể khác nhau cho nên việc giải thích là phải do người có chuyên môn thì mới có thể đưa ra những câu trả lời chính xác nhất.

Hiện trường và tử thi thường có mối quan hệ mật thiết, cho nên việc bảo vệ hiện trường, dây treo đóng vai trò quan trọng, để giải thích xem liệu có đúng hay không? Tự nạn nhân có treo được không? Quá trình co giật có va chạm với vật nào không? Đồng thời giám định ADN ở dây treo là vô cùng cần thiết xem có bất thường gì hay không?

Trở lại, trong kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định nguyên nhân chết của Trần Đức Đô là ngạt do treo cổ. Viện Pháp y Quân đội giám định độc chất trong phủ tạng; tình trạng mô bệnh học trong phủ tạng và da cơ (sung huyết, có tính chất sống ở rãnh hằn vùng cổ phải); nồng độ cồn trong máu, xét nghiệm chất ma túy (không có). Cơ chế hình thành các dấu vết trên cơ thể được giải thích rất khoa học, cụ thể và chính xác. Đồng thời, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an khẳng định mẫu vật chất bám dính tại vùng cổ có xơ sợi vải, trong đó có loại xơ sợi cùng loại với phần dây dù thu được ở hiện trường nơi phát hiện tử thi.

Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của toàn bộ các cán bộ, học viên, nhân viên phục vụ chuyến đi huấn luyện dã ngoại của Đại đội 14 và một số lời khai của các quân nhân huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) cùng với quân nhân Trần Đức Đô. Các lời khai đều khẳng định không có hiện tượng mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra trong đơn vị. Đa số các cán bộ, học viên đều nhận xét quân nhân Đô là người trầm tính, ít nói, không vi phạm kỷ luật, không thấy có mâu thuẫn với ai…

Kết quả kiểm tra, xác minh không phát hiện thấy quân nhân Trần Đức Đô bị xúi giục, bức ép, làm nhục; không có mâu thuẫn trong đơn vị, gia đình, quan hệ tình cảm nam nữ; không có hành vi cờ bạc, lô đề, vay nợ; không có việc bị đánh đập hành hung.

Các dấu vết sây sát trên cơ thể quân nhân Đô là do khi treo cổ và quá trình cắt dây đưa quân nhân xuống để cấp cứu đã làm va quệt vào thân cây gây ra. Với diễn biến và kết quả kiểm tra, xác minh nêu trên, đủ căn cứ để xác định không có sự việc phạm tội xảy ra.

Kiểm tra quân tư trang cá nhân phát hiện 3 bức thư mà Đô viết gửi về cho gia đình nhưng còn để dưới đáy ba lô mà không gửi. Đồng thời, trong lời khai của học viên Đào Bá Hải cùng đơn vị với Đô, khi Hải chia sẻ về sở thích của mình và hỏi Đô về sở thích thì Đô trả lời: “Tôi chỉ thích ở trong phòng tối một mình, tắt điện, đóng cửa”, sau đó Đô hỏi lại Hải: “Ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử chưa?” thì Hải quát Đô: “Ông bị điên à”. Qua lời khai này với một người không cần có chuyên môn cũng có thể nhận ra rằng Đô có dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm. Hiện nay, trầm cảm là kẻ thù và là mối nguy hại gây nên nhiều câu chuyện vô cùng thương tâm. Bất kể ai, hay lứa tuổi, giới tính nào đều có nguy cơ mắc trầm cảm. Và có thể, đó chính là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề. Cho nên, Cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 3 (Quân khu 1) kết luận xác minh, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với sự việc trên.

Xin một lần nữa, gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình em, mong em an nghỉ nơi vĩnh hằng, đừng lo mọi thứ đã được làm sáng tỏ.

BÀI HỌC RÚT RA

Tất cả mọi vụ việc không nên đơn giản hóa vấn đề, chỉ cần sự cẩu thả, sai sót nhỏ, chủ quan đều có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Sự việc có thể đi một hướng khác nếu được làm kỹ lưỡng về hiện trường, khám nghiệm tử thi, và thái độ cầu thị khi bàn giao tử thi cho gia đình.

Tử thi không biết nói dối, những dấu vết phản ánh đầy đủ bản chất sự vật hiện tượng xảy ra và tác động lên cơ thể. Chỉ có người sống ngộ nhận và đôi khi “tự dối mình” về những điều họ chưa nhận thức được, hoặc tự huyễn hoặc chính bản thân mình.

Việc truyền thông chính thống vào cuộc rất chậm so với các fanpage, hay sự châm ngòi của các thế lực thù địch để kích động sự việc, rồi cho rằng chúng ta sợ, ém thông tin, che giấu vụ việc. Cho nên, với các vụ việc phức tạp truyền thông chính thống cần vào cuộc nhanh chóng, xoa dịu dư luận và định hướng thông tin.

Việc phát ngôn các vụ việc trong quá trình điều tra là hết sức quan trọng, chỉ cơ quan điều tra và người có thẩm quyền mới được phát ngôn với báo chí và truyền thông. Tránh để tạo ra sự bức xúc, phẫn nộ của quần chúng nhân dân về những phát ngôn không đúng thẩm quyền.

Người mất không thể bù đắp lại được, hãy làm tốt công tác tuyền truyền, chế độ chính sách cho gia đình quân nhân, để nhằm phần nào làm vơi bớt những đau thương, mất mát mà họ phải gánh chịu.

Xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tự do ngôn luận đưa những thông tin sai sự thật, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, kích động bạo lực, làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của lực lượng vũ trang, thế trận lòng dân mà Đảng và Nhà nước ta xây dựng.

Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, chấp hành nghiêm pháp luật, hãy luôn nhớ rằng “pháp bất vị thân”, không có vùng cấm, tất cả mọi tội lỗi đều phải trả giá, sống phải luôn luôn “thượng tôn pháp luật”.

Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô và góc nhìn của một người trong nghề!

(Bài viết của Đại úy, Bác sĩ, Giám định viên pháp y Trần Văn Thức, Phòng kỹ thuật hình sự Công an Quảng Nam)

Nguồn:  Facebook Tuổi trẻ CA Quảng Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây