Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã diễn ra ngày 14/7, kết nối với 50 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những nhiệm vụ đã làm trong 6 tháng qua, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; khẳng định những kết quả đã đạt được để nhân rộng, chỉ rõ hạn chế, yếu kém để đề ra giải pháp khắc phục. Quan trọng hơn cả là từ cách tiếp cận “nhìn lại để thấy xa hơn”, toàn ngành xác định phương hướng cho 6 tháng còn lại một cách khả thi, giải pháp có tính chất quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu công tác năm 2021 đã đặt ra. Trong thời gian qua, Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ có tính chất trọng tâm, trọng điểm với tinh thần chung là quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi mở một số vấn đề mà thực tiễn cuộc sống hiện nay đang yêu cầu để các đại biểu cho ý kiến, góp phần luận giải và đưa ra giải pháp thiết thực. Đó là định hướng của bộ, ngành trong vấn đề xử lý, chỉ đạo du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn quốc; những vấn đề về quản lý di sản, phân cấp để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn bất cập mà hiện nay cơ sở đang lúng túng. Tiếp theo là việc sơ kết, đánh giá các mô hình đã ký kết để đạt thực chất, hiệu quả, phân định rõ vai hơn và giải pháp để đẩy lên thành môi trường văn hóa; đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động xung quanh, góp phần thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng, Nhà nước…
Bộ trưởng nhấn mạnh: Tất cả những vấn đề này cần phải được làm rõ, qua đó thu được những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trăn trở của các đại biểu và cao hơn nữa là qua đó từng bước xây dựng, lấy lại vị thế của ngành trong lòng xã hội, để thực sự văn hóa là động lực của sự phát triển như Đảng ta đã khẳng định…
Trong thời gian còn lại của năm 2021, Bộ trưởng đề nghị phải xây dựng các kịch bản, đề án, gói kích cầu để thực hiện bằng được du lịch trong bối cảnh phải đối mặt với dịch bệnh, cơ cấu lại thị trường khách, chú ý hơn đến du lịch nội địa, từng bước xem xét thí điểm để mở cửa du lịch quốc tế, số hóa ngành du lịch…
Liên quan đến việc thí điểm “hộ chiếu vaccine” để đón khách quốc tế vào nước ta, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình đón khách để đảm bảo an toàn.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch cũng sẽ xây dựng kế hoạch nghiên cứu thị trường khách du lịch nội địa và các thông điệp để định hướng, kích cầu thị trường du lịch nội địa ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát…
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và diễn ra các ngày kỷ niệm, các sự kiện quan trọng của đất nước. Trong thời gian qua, Bộ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch theo hướng đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và bước đầu thu được kết quả. Đặc biệt, Bộ quyết liệt thực hiện việc tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong công tác phát triển ngành…
Dù vậy, ngành cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Đặc biệt, dịch COVID-19 trong thời gian qua đã ảnh hưởng toàn diện tới hoạt động của ngành. Lượng khách nội địa và doanh thu suy giảm mạnh đúng dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh, nguồn lực về tài chính cạn kiệt.
Nhiều địa phương phải tạm thời đóng cửa di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; hủy hoặc tạm dừng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá văn hóa, gây thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân.
Các giải thi đấu, hoạt động thể dục thể thao liên tục bị hủy hoặc lùi thời hạn tổ chức, gây khó khăn cho công tác điều hành. Các đội tuyển thể thao hầu như không có cơ hội tập huấn, thi đấu cọ xát tại nước ngoài, ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của vận động viên, chỉ tiêu số lượng vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo…
Nguồn: Báo Tin tức