Trang chủ Tin tức Hướng dẫn viên du lịch khó nhận hỗ trợ vì vướng thủ...

Hướng dẫn viên du lịch khó nhận hỗ trợ vì vướng thủ tục

103
0

Quyết định 23 có tới 5 điều quy định về quy trình, hướng dẫn hướng dẫn viên du lịch nhận gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, với đặc thù của nghề hướng dẫn viên du lịch, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về một số thuật ngữ chuyên ngành khiến nhiều hướng dẫn viên tự do có nguy cơ không nhận được hỗ trợ.

Hướng dẫn viên du lịch khó nhận hỗ trợ vì vướng thủ tụcAnh Lại Văn Quân trong một lần đi hướng dẫn viên đoàn khách.

Nhằm hỗ trợ khó khăn cho đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch, tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ cho mỗi HDV du lịch là 3,71 triệu đồng/người, theo phương thức chi trả 1 lần. Để được chi trả số tiền này, theo hướng dẫn, các HDV cần có đủ các điều kiện sau: Có thẻ HDV còn hạn sử dụng; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm.

HDV du lịch có nhu cầu hỗ trợ cần gửi hồ sơ đề nghị đến Sở Du lịch/Sở VH-TT&DL – nơi cấp thẻ cho HDV. Hạn tiếp nhận hồ sơ là hết 31/1/2022.

Sau khi quy định này được công bố thì trên nhiều diễn đàn HDV, Hiệp hội, câu lạc bộ du lịch cho rằng, điều kiện có thẻ HDV còn hiệu lực là đương nhiên bởi thẻ này do cơ quan quản lý Nhà nước cấp. Còn điều kiện thứ hai liên quan đến hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên du lịch hoặc hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn viên du lịch đang gây khó cho nhiều hướng dẫn viên tự do.

Do đặc thù của du lịch mang tính mùa vụ nên từ trước đến nay, trong số 26.000 HDV cấp thẻ thì có đến 90% lực lượng hướng dẫn viên là lao động tự do. Đó là chưa kể từ năm 2020 trở lại đây, gần 90% doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng ngừng hoạt động dạng “chết lâm sàng”, “hôn mê sâu” thì việc HDV có hợp đồng lao động dài hạn là việc không thể.

Anh Lại Văn Quân, một hướng dẫn viên có thẻ do Sở Du lịch Hà Nội cấp, cho biết: “Do dịch COVID-19, hoạt động du lịch gần như ngừng trệ năm rưỡi qua. Từ tháng 8/2020, tôi đã dừng hợp đồng lao động dài hạn tại doanh nghiệp du lịch do đơn vị ngừng hoạt động để lĩnh bảo hiểm thất nghiệp. Nếu chiếu theo quy định tại Quyết định 23 thì gần như rất ít HDV tự do được lĩnh tiền hỗ trợ”.

“Trên diễn đàn du lịch, HDV đang tranh luận về thuật ngữ “hợp đồng lao động” bởi trong hoạt động du lịch, HDV có hợp đồng dài hạn với công ty rất ít mà chủ yếu là sử dụng HDV tự do với loại hình hợp đồng theo tour hay còn gọi là hợp đồng vụ việc từ 1 ngày đến 15 ngày. Do đó nếu chỉ căn cứ theo hợp đồng vụ việc để chứng minh có tham gia hoạt động hướng dẫn thì HDV sẽ đáp ứng được. Nhưng nếu đòi hỏi có hợp đồng lao động dài hạn thì gần như rất ít người đáp ứng được. Còn tham gia hội HDV thì hiện nhiều người không muốn vì đã có thẻ HDV do cơ quan Nhà nước cấp rồi nên thấy không cần thiết. Còn tham gia các hội HDV được thừa nhận thì rất ít, con số này chỉ khoảng 20% đổ lại”, anh Lại Văn Quân cho biết.

Cũng như anh Quân, nhiều HDV nói chung và HDV tại Hà Nội đang chờ hướng dẫn cụ thể để có thể làm hồ sơ, nhất là hồ sơ phù hợp với thực tế đặc điểm nghề nghiệp.

Còn ông Nguyễn Văn Hân, một HDV kỳ cựu cho biết: “Tôi là hướng dẫn viên chuyên khách quốc tế. Từ khoảng tháng 3/2020 đã không còn khách quốc tế vào Việt Nam nên HDV quốc tế gần như không còn đi tour và dừng hợp đồng lao động. Khi có thông tin về Quyết định 23, tôi có tìm hiểu các quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thì rất ít HDV đáp ứng được do vướng yêu cầu có hợp đồng lao động có BHXH. Ngay như công ty trước tôi làm là Đường mòn Đông Dương cũng chỉ có 1 HDV duy nhất có hợp đồng dài hạn, còn lại có đợt cao điểm huy động tới 100 HDV đi tour thì toàn là HDV tự do”.

“Tìm hiểu kỹ về điều kiện cần có hợp đồng lao động hoặc phải là hội viên Hội Hướng dẫn viên xuất phát từ Luật Du lịch sửa đổi 2017 quy định HDV phải được quản lý từ một doanh nghiệp hoặc từ hiệp hội. Chính vì vậy, khi đi tour, HDV phải có thẻ HDV, chương trình tour và hợp đồng vụ việc. Nhưng khi thanh tra du lịch kiểm tra thường không chấp nhận hợp đồng này và đòi hỏi phải có hợp đồng dài hạn nhưng thực tế doanh nghiệp du lịch rất khó đáp ứng vì không thể nuôi “cứng” 1 đội HDV trong khi du lịch làm theo mùa vụ”, ông Nguyễn Văn Hân chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hân, với hợp đồng theo tour thường HDV phải nộp lại cho doanh nghiệp khi kết thúc tour để tất toán chi phí. Do đó, rất ít HDV lưu lại loại hợp đồng này. Do đó, cơ quan quản lý nên có hướng dẫn cụ thể về loại hợp đồng trong hồ sơ và thời điểm xác thực về loại hợp đồng này để tránh trục lợi chính sách bởi loại hợp đồng này dễ xin xác nhận từ đơn vị lữ hành.

Còn anh Hà Minh Lâm, một HDV tự do cho biết: “Năm 2020, tôi cũng từng hỏi chính quyền địa phương về thủ tục nhận hỗ trợ nhưng cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội phường nơi cư trú cho biết HDV không nằm trong đối tượng được nhận hỗ trợ, muốn nhận thì phải “lách” khai sang nghề lao động tự do khác. Còn lần này, HDV là nghề được quy định cụ thể trong Quyết định 23 là điều đáng trân trọng vì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận nhưng thủ tục cần xác định cho đúng người được hưởng. Thực tế, với quy định này sẽ có rất nhiều người là cán bộ văn phòng có thẻ HDV nhưng ít đi tour, thậm chí không đi tour lại được hưởng chính sách này. Trong khi những người làm HDV thực tế, nhất là HDV tự do thì lại không được hưởng”.

Trao đổi về vấn đề trên, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong vài ngày gần đây, nhiều HDV đã gọi điện đến Sở và đến bộ phận 1 cửa hỏi thủ tục. Sở cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Tuy nhiên, điều kiện về hợp đồng lao động là cần thiết để xác định HDV đã làm cho đơn vị du lịch và có hướng dẫn thực sự; tránh tình trạng trục lợi chính sách như chính các HDV đang lo ngại khi chia sẻ thông tin trên một số diễn đàn mạng xã hội. Bởi thực tế gói 62.000 tỷ đồng triển khai năm 2020, có trường hợp lao động tự do khai nhận hỗ trợ 2 nơi.

“HDV là nghề đi lại nhiều nên về nguyên tắc nộp hồ sơ ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Để tránh trục lợi chính sách thì phải có sự liên thông dữ liệu xác nhận trường hợp đã hưởng để tránh trường hợp nhận hỗ trợ 2 nơi hoặc nhận hỗ trợ dạng lao động ngừng việc khác. Về quy trình, Sở Du lịch sẽ là đơn vị nhận hồ sơ, thâm định hồ sơ báo cáo UBND thành phố ra quyết định hỗ trợ. Nhưng chi trả sẽ do địa phương thực hiện”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ.

Tổng số HDV được cấp thẻ tại Hà Nội là 5.716, trong đó HDV quốc tế là 4.285, HDV nội địa là 1415, HDV tại điểm là 16.
Hướng dẫn viên du lịch khó nhận hỗ trợ vì vướng thủ tục
XM/Báo Tin tức

Hướng dẫn viên du lịch khó nhận hỗ trợ vì vướng thủ tục

Lao động ngừng việc vì ở trong khu vực phong tỏa do dịch COVID-19 thì được hỗ trợ như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Do dịch COVID-19, công ty nằm trong vùng phong tỏa thực hiện cách ly, công nhân phải nghỉ làm thì có được hỗ trợ gì từ Nhà nước không? Nếu được thì thủ tục gồm giấy tờ gì?

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây