Gần 1 tháng tranh tài của bóng đá Nam Mỹ đã khép lại. Lionel Messi cùng các đồng đội nhảy tango trên thánh địa Maracana.
Đó là hồi kết không thể đẹp hơn cho số 10. Anh có danh hiệu lớn đầu tiên và Argentina cũng chấm dứt được 28 năm “khô hạn” vinh quang.
Hình ảnh các cầu thủ Argentina tung bổng Messi lên trong màn ăn mừng sau hồi còi chung cuộc đủ nói lên nhiều điều. Thông thường, “nạn nhân” được tung bổng này phải là HLV. Nhưng tất cả người Argentina đều hiểu, ngôi sao của họ khao khát chiến thắng này đến dường nào. Thủ thành Emiliano Martinez hào hứng: “Chúng tôi muốn tặng nó cho Messi, anh ấy xứng đáng nhất”.
Ông thầy Lionel Scaloni cũng không hề ghen tị, thay vào đó mô tả Messi là “cầu thủ vĩ đại nhất”. Scaloni tiết lộ thêm Messi đã cắn răng chơi trận chung kết với một chấn thương gân kheo. Đó có thể là lí do tại sao anh có phần dưới phong độ tại Maracana.
Và đáng lẽ, trong những phút cuối, khi đối mặt với thủ môn Brazil Ederson, Messi đã có thể đặt dấu chấm hết hoàn hảo cho trận chung kết, cho giải đấu, cho chính mình. Nhưng không cần bàn thắng đó, mọi thứ cũng rất tuyệt vời với anh!
Khi ra mắt trong màu áo Argentina năm 2005, Messi hẳn không nghĩ đến phải chờ 16 năm mới có được danh hiệu lớn đầu tiên. HCV Olympic với U-23 Argentina tại Bắc Kinh năm 2008, hay chức VĐTG U20 trước đó 3 năm rõ ràng chỉ là vật trang sức quá nhỏ đối với một ngôi sao 6 lần đoạt Quả bóng Vàng. Quãng thời gian đằng đẵng đó là vô số kỷ niệm buồn.
Messi có mọi thứ cùng Barcelona: 4 lần vô địch Champions League, 10 lần vô địch La Liga, 7 lần đoạt cúp Copa Del Rey. Nhưng với Argentina, chỉ là những lần nuốt hận Á quân. Messi cùng các đồng đội thua 3 trận chung kết Copa America các năm 2007, 2015 và 2016. Cay đắng hơn, ở trận chung kết World Cup 2014 tại Maracana, Argentina thua Đức 0-1. Thất vọng, Messi thậm chí còn tuyên bố từ giã ĐTQG sau Copa America 2016. Nhưng vài tuần sau, anh đổi ý.
Giờ đây, cũng tại Maracana, Messi đã phá được lời nguyền. Không tỏa sáng ở trận chiến cuối cùng với kình địch Brazil, nhưng không ai phủ nhận được Messi chính là đầu tàu của Argentina ở cả chiến dịch chinh phục vinh quang này. Messi là Vua phá lưới với 4 bàn (cùng Luis Diaz của Colombia). Messi là Cầu thủ xuất sắc nhất giải (cùng Neymar). Messi có tới 5 pha kiến tạo cho đồng đội, nghĩa là ngoại trừ bàn thắng của Angel Di Maria ở trận chung kết, tất cả các bàn còn lại của Argentina ở giải này đều qua chân Messi.
34 tuổi, liệu danh hiệu lớn đầu tiên này có là duy nhất với Messi? Người Argentina không tin điều đó. Messi đã phá kỷ lục số lần khoác áo ĐTQG (151), đã có 76 bàn cho Argentina, chỉ kém 1 bàn so với kỷ lục bóng đá Nam Mỹ mà Pele lập với Brazil. Năm sau đã là World Cup. Khi gánh nặng vinh quang không còn ám ảnh, Messi có lẽ sẽ còn bay bổng nhẹ nhàng hơn.
Nước mắt của Neymar, nỗi lo của Brazil
Nếu lần đầu tiên, Messi bật khóc vì hạnh phúc thì phía bên kia, người “đàn em” lừng lẫy không kém của anh là Neymar lại bật khóc như đứa trẻ vì nỗi buồn thất bại. Neymar cũng như Messi, chưa có được vinh quang nào cùng Brazil mà đáng tiếc nhất là 2 năm trước khi Brazil lên ngôi ở Copa America, Neymar vắng mặt vì chấn thương. Lần này tại “thánh địa” Maracana, Neymar lại gục ngã cay đắng.
Ít ra, anh trẻ hơn Messi 5 tuổi và còn nhiều cơ hội nữa. Neymar có 2 bàn và 3 pha kiến tạo ở giải năm nay, luôn bùng nổ hết mình trên sân. Nên không ngạc nhiên nhóm chuyên gia kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) đưa ra quyết định khá kỳ lạ là chọn cả Neymar lẫn Messi là “Cầu thủ xuất sắc nhất” Copa America 2021. Một giải pháp xem chừng đẹp lòng tất cả song cũng có tính thuyết phục cao.
Nhưng Brazil không lo cho Neymar. Họ lo cho hàng phòng ngự hóa ra lỏng lẻo hơn bề ngoài. Chỉ thủng lưới 2 bàn trước trận chung kết, một sai lầm của hậu vệ trái Renan Lodi đủ để giấc mơ tan tành. HLV Tite rõ ràng còn nhiều việc phải làm, khi chính ông từng nói rằng Copa America 2021 là phép thử lớn trước World Cup năm sau. Đây là lần đầu tiên trong 6 lần, Selecao tuột tay danh hiệu này khi đăng cai.
Một Copa America cũng đáng nhớ về khâu tổ chức. Theo kế hoạch ban đầu, giải diễn ra năm 2020 với 2 đồng chủ nhà là Colombia và Argentina. Sau đó, COVID-19 ập đến, cuốn phăng mọi kế hoạch của thể thao thế giới. Giải lùi lại năm nay nhưng không lâu trước thời điểm khai mạc, CONMEBOL hủy quyền đăng cai của Colombia do bất ổn dân sự tại nước này lẫn tình hình COVID-19.
Tiếp theo đó đến lượt Argentina cũng bị loại bỏ vai trò chủ nhà vì dịch COVID-19 hoành hành. Chỉ hơn 10 ngày trước ngày khai mạc, Brazil bất ngờ nhận đăng cai trong một quyết định mà chính Selecao cũng quyết liệt phản đối. Ngay sau trận chung kết, HLV Tite tiếp tục chỉ trích thẳng thừng khâu tổ chức. Ông chê chất lượng sân bãi và cho rằng các cầu thủ phải đối diện với nguy cơ lớn khi tham dự một giải quá vội vàng như vậy.
Nguồn: Báo Tin tức