Anh đang phải đối mặt với một làn sóng mới gia tăng các ca mắc COVID-19 sau khi đội tuyển quốc gia chiến thắng trước đội tuyển Đan Mạch trong trận bán kết Euro 2020 ngày 7/7 vừa qua.
Theo hãng tin Reuters, hai đội tuyển Anh và Italy sẽ đá trận chung kết Euro 2020 tại sân vận động Wembley với sự có mặt có 60.000 người hâm mộ. Hiện Italy cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở trong nước.
Các nhà dịch tễ học của hai nước cảnh báo Euro 2020 có thể đẩy mạnh sự lây lan của virus SARS-CoV-2 giữa nhóm đối tượng là nam giới trưởng thành và còn trẻ.
“Chúng ta đang chứng kiến các ca mắc gia tăng ở những người yêu bóng đá, chủ yếu là đàn ông. Giờ chúng ta lại dỡ bỏ phong tỏa… kết quả là số ca mắc sẽ tăng mạnh”, Denis Kinane – nhà miễn dịch học đồng sáng lập công ty xét nghiệm Cignpost Diagnostics (Anh) – trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London, số ca mắc COVID-19 ở Anh đã tăng gấp 4 lần hồi tháng trước. Phụ nữ có ít khả năng dương tính với virus SARS-CoV-2 hơn 30% so với nam giới. Các nhà nghiên cứu chỉ ra giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020 là nguyên nhân gây ra sự khác biệt này.
“Lời giải thích hợp lý nhất là nam giới thường xuyên tiếp xúc gần hơn”, Steven Riley, Giáo sư chuyên về bệnh Truyền nhiễm tại Đại học London, cho hay.
Mặc dù Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoãn quyết định mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế nước Anh cho đến ngày 19/7 – một tuần sau trận chung kết, song người dân vẫn có thể tụ tập tại các quán bar và quán rượu.
Trước khi diễn ra trận bán kết hôm 7/7, nhà lãnh đạo kêu gọi người hâm mộ hãy cổ vũ đội tuyển Anh “nhiệt tình nhưng phải có trách nhiệm”.
Tuy nhiên, đối với một quốc gia luôn tràn ngập nhiệt huyết bóng đá sau 55 năm kể từ trận chung kết Euro 2020 cuối cùng của Anh và 16 tháng trải qua các biện pháp hạn chế, lời kêu gọi của Thủ tướng Anh dường như không có tác dụng.
Sau khi kết thúc trận bán kết với chiến thắng 2-1 trước các tuyển thủ Đan Mạch và đội tuyển nước nhà vào chung kết, người hâm mộ đã đổ xô ra đường ăn mừng, lấp kín các quán rượu. Tuy nhiên, họ không đeo khẩu trang và tuân thủ quy định giãn cách.
“Tôi nghĩ quá trình quản lý trong các sân vận động vẫn ổn cho đến khi cả nước dường như ăn mừng sau kết quả trận bán kết. Thực sự đó là một điều kinh khủng”, Keith Still – giáo sư về khoa học tại Đại học Suffolk – nhận định.
Đức đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về quyết định của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho phép nhiều cổ động viên đến các sân vận động cổ vũ. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm khi người hâm mộ tập trung và ăn mừng các quán bar, quầy rượu.
Nguồn: Báo Tin tức