Mạng xã hội có thể cho phép người dùng nhanh chóng tìm các thông tin con người cần quan tâm. Có thể nói nó mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thế nhưng ở chiều ngược lại thì rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của bắt nạt, vu khống hay thậm chí là bôi nhọ trên không gian mạng, được cho là “ảo” nhưng lại có tác hại thật này. Một vấn nạn đang nổi lên gần đây được gọi là “phát ngôn gây thù hận đang xuất hiện trên mạng xã hội, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới đời sống lành mạnh của xã hội. Đây thật sự là một vấn nạn cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Một ví dụ là “Huấn Hoa Hồng”, hay còn gọi là “Huấn Rose”, nổi lên từ tháng 8/2020 trong lúc livestream bán hàng, người đàn ông tên Huấn này đã vu khống “80% cán bộ công chức Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng ma túy”, hậu quả là hắn ta đã bị mời lên phường uống nước chè và xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều trường hợp lên mạng xã hội viết bài thóa mạ, xúc phạm lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh ở Hải Dương cũng đã bị xử lý. Song, những trường hợp bị xử lý mới chỉ như “muối bỏ bể”. Bố mẹ cố nghệ sỹ V.Q.L vừa phải ôm nỗi đau mất con, vừa phải ôm nỗi đau trên mạng suốt nửa năm qua vì đủ thứ chuyện được thêu dệt, thậm chí họ bị gọi là gia đình tà đạo, nhà giáo u tối, vợ chống thất đức. Không có ngày nào họ được bình yên với các lời xúc phạm, đe dọa, lăng nhục.
Mạng xã hội giống như một cuộc sống khác của không ít chúng ta. Nếu trên mạng xã hội mà chỉ tràn ngập những lời thóa mạ, lăng nhục thì cuộc sống chúng ta rất u tối, nặng nề. Khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và mạng xã hội thời gian qua cho thấy gần 80% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội (kỳ thị dân tộc, giới tính, tôn giáo, người khuyết tật, vu khống bịa đặt thông tin, vu khống, phỉ báng.
Tháng 7/2020, lần đầu tiên trong lịch sử, EU tuyên bố áp dụng các quy định chung với các mạng xã hội; theo đó, các nền tảng này phải có biện pháp xử lý với các nội dung bị gắn nhãn kích động bạo lực, thù hận. Theo nhiều chuyên gia, đó cũng là giải pháp cần được thúc đẩy ở Việt Nam nhằm tăng cường trách nhiệm của các mạng xã hội. Cần sử dụng các công cụ cảnh báo, báo động với các hành vi phản cảm. Nhưng không gì thay thế được ý thức trách nhiệm của người dùng mạng. Thế giới mạng là nơi “lời nói gió không bay” mà còn lưu lại mãi. Hậu quả của những hành vi trên tác động đặc biệt tai hại đối với các em nhỏ, trẻ vị thành niên. Đã có nhiều em tìm tới cái chết vì không chịu được những lời lẽ lăng mạ, tẩy chay, bắt nạt trên mạng xã hội. Việc giữ gìn môi trường mạng lành mạnh đều cần có sự chung tay của cả cộng đồng, mỗi người hãy có ý thức trách nhiệm với từng lời phát ngôn, từng cái nhấp chuột.
Trần Hoàng Chinh
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ