Vừa qua, trên các trang mạng trong và ngoài nước đã đồng loạt đăng tải nhiều bài viết liên quan đến trường hợp quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, quê thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tử vong bất thường. Người nhà và một số người dân địa phương bức xúc cho rằng, cái chết của nạn nhân có nhiều dấu hiệu bất thường… và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, một số trang mạng phản động trong và ngoài nước đã đăng tải nhiều bài viết, tuyên truyền xuyên tạc về vấn đề này, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tang lễ quân nhân Trần Đức Đô
Theo Bộ Quốc phòng, ngày 26/6/2021, Đại đội 14, Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 1 tổ chức cho bộ đội hành quân vào thao trường huấn luyện theo kế hoạch. Trong khoảng thời gian từ 13h45 đến 14h ngày 28/6/2021, đơn vị đang làm công tác chuẩn bị huấn luyện, quân nhân Trần Đức Đô báo cáo chỉ huy đơn vị ra ngoài đi vệ sinh (lý do đau bụng). Khoảng 14h20, không thấy quân nhân Trần Đức Đô quay lại, chỉ huy Đại đội 14 đã cử 3 quân nhân đi tìm, đến 14h30 cùng ngày phát hiện quân nhân Trần Đức Đô đang trong trạng thái treo cổ trên cây keo phía sau đỉnh đồi, cách địa điểm huấn luyện của đơn vị khoảng 50m. Sau đó, đơn vị đã tổ chức đưa quân nhân Trần Đức Đô đi cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép, thành phố Thái Nguyên. Đến 15h30 ngày 28/6, Bệnh viện thông báo quân nhân Trần Đức Đô đã tử vong. Trước tình hình đó, lãnh đạo Quân khu 1 đã thông tin đến gia đình nạn nhân và phối hợp với gia đình đưa thi thể nạn nhân về làm lễ, an táng tại quê nhà. Đồng thời, đêm ngày 28/6/2021, lực lượng công an và Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng khám nghiệm tử thi và khẩn trương điều tra vụ việc.
Đáng chú ý, Đại tá Nguyễn Xuân Thìn – Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng) cho biết, cơ quan pháp y và các cơ quan liên quan đang vào cuộc điều tra, làm rõ việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong trong quá trình huấn luyện trên thao trường thuộc tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, vụ việc quân nhân Đô tử vong đang chờ kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, bước đầu khẳng định, không có việc Đô bị đánh vì đơn vị đang huấn luyện ngoài thao trường. Về các vết bầm trên cơ thể quân nhân này, Đại tá Thìn cho biết, có thể do trong quá trình treo cổ tự tử, Đô đã giãy giụa, vùng vẫy nên bị sợi dây thừng siết chặt, tạo vết hằn sâu ở cổ. Đồng thời, theo thông tin ban đầu từ cơ quan pháp y, các vết xước trên cơ thể Đô không có tác động của ngoại lực. Đơn vị sẽ làm rõ và có trả lời rõ ràng về vụ việc của quân nhân Đô. Nếu giả sử nguyên nhân do “mất đoàn kết” thì pháp luật và kỷ luật quân đội sẽ làm nghiêm, không có chuyện bao che, giấu giếm. Hiện các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, đồng thời phối hợp với gia đình giải quyết hậu quả. Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng ngay trong đêm 28/6/2021, lực lượng Công an và Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng khám nghiệm tử thi và khẩn trương điều tra vụ việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong khi đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, trên một số các trang mạng phản động trong và ngoài nước đã liên tục phát video trực tiếp hình ảnh đám tang của quân nhân Trần Đức Đô, trong đó có các hình ảnh khám nghiệm tử thi, qua đó tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chia rẽ lực lượng quân đội và nhân dân; kích động quần chúng nhân dân thôn Đa Hội, Phong Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh tụ tập, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn thị xã Từ Sơn. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, mỗi người dân thôn Đa Hội, Phong Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh nói riêng và người dân cả nước nói chung cần bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước và bản kết luận điều tra, tránh để các thế lực thù địch, bọn phản động lợi dụng để chống phá chính quyền nhân dân. Có như vậy, chúng ta đã góp phần quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid 19, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Hoa sữa
Nguồn: Người con Đất Mẹ