Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành được coi là tạo tiền đề cho nền tảng ứng xử trên môi trường mạng. Trước hết phải khẳng định rằng, Bộ Quy tắc đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dùng mạng xã hội trong nước. Tuy nhiên, Bộ Quy tắc cũng khiến không ít kẻ “có tật giật mình” và có những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất.
Trước những tác động tiêu cực của mạng xã hội thời gian qua, đặc biệt là việc lan truyền những thông tin xấu độc, xuyên tạc chủ trương đường đối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dễ thấy nhất là việc chống phá công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận, việc có một Bộ Quy tắc để ràng buộc mỗi cá nhân phải có trách nhiệm khi tham gia vào các nền tảng mạng xã hội là đòi hỏi cần thiết và cấp bách ở thời điểm này.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Cũng giống như việc ban hành Luật An ninh mạng, việc ban hành Bộ Quy tắc này cũng bị bóp méo xuyên tạc bởi các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị – những đổi tượng thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để rêu rao, lan truyền các luận điệu “chiến tranh tâm lý”, hiện thực hoá chiến lược “diễn biến hoà bình”, kích động người dân chống đối với chính quyền.
VOA dẫn lời một người mà họ gọi là “nhà hoạt động” có tên Trần Bang: “Thêm cái Quy tắc này nữa họ lại càng có cơ sở khiến cho những người hoạt động vì tự do ngôn luận bị chèn ép và khó phát biểu. Mỗi khi họ ra quy định nào cũng đều ảnh hưởng đến những người hoạt động trên mạng truyền thông.”
VOA còn tuyên truyền luận điệu cho rằng Bộ Quy tắc là cách Đảng Cộng sản không chấp nhận những lời chỉ trích, và kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông trong bối cảnh “chính quyền Việt Nam đã tăng cường đàn áp đối với các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến, một số người trong số họ đang phải chịu án tù dài hạn vì các bài viết đăng trên Facebook và YouTube”.
Đó là luận điệu mang tính xuyên tạc bản chất vấn đề giống như cách mà các đối tượng phản ứng với Luật An ninh mạng. Trên thực tế, mục đích khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử này là để tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không phải là “công cụ để Nhà nước ngăn cản tự do ngôn luận” như những gì các đối tượng xấu cố tình đưa ra. Môi trường mạng hiện nay gắn chặt với đời sống xã hội, do đó việc tham gia môi trường mạng cũng cần thiết phải chấp hành pháp luật. Chắc chắn, nếu ai xử dụng mạng xã hội văn minh, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật thì vấn đề tự do ngôn luận không hề bị ảnh hưởng. Chỉ có những kẻ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mới lo lắng, sợ hãi khi hành lang pháp lý điều chỉnh thế giới mạng ngày càng được hoàn thiện chặt chẽ.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho rằng một trong những điều văn minh, nhân văn của bộ quy tắc khi nhấn mạnh đến việc bảo vệ người yếu thế, dễ bị tổn thương trên môi trường mạng: “Chúng tôi rất vui mừng vì Ban biên soạn đã tiếp thu các ý kiến và có quy định liên quan. Điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người, không để ai bỏ lại phía sau”.
Việt Nam đang có số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 57% dân số, cho thấy mạng xã hội đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực. Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội được kỳ vọng có thể tạo nên một môi trường mạng lành mạnh, an toàn nếu như mỗi người sử dụng tự hình thành những thói quen tốt, chủ động giữ gìn các giá trị đạo đức trên môi trường mạng./.
Vân An
Nguồn: Người con Đất Mẹ