Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/7 cho rằng giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2020) là nguyên nhân khiến các ca mắc COVID-19 tại châu lục này tăng vọt.
Theo hãng tin Reuters, WHO chỉ ra việc các cổ động viên đổ xô đến các sân vận động, quán bar và khu vực xem bóng đá trên khắp châu Âu đã làm gia tăng tốc độ lây nhiễm. Người tụ tập xem bóng đá, di chuyển giữa các quốc gia và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến số ca mắc mới ở châu lục tăng 10%, chấm dứt 10 tuần liên tiếp giảm.
Quan chức cấp cao phụ trách các trường hợp khẩn cấp tại WHO Catherine Smallwood phát biểu tại Copenhagen ngày 1/7: “Chúng ta không chỉ cần quan tâm đến mỗi sân vận động. Chúng ta cần chú ý đến cách thức người hâm mộ di chuyển, xem họ có đi trên những chiếc xe khách đông người hay không. Khi rời sân vận động, họ có tới các quán bar để ăn mừng hay không?”. Bà nhấn mạnh những sự kiện này là nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 lây lan.
Bộ trưởng Nội vụ Đức đã gọi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) là “hoàn toàn vô trách nhiệm” khi cho phép các đám đông tụ tập tại giải đấu.
Tại các quốc gia tổ chức các trận đấu, số người được phép vào sân vận động khác nhau phụ thuộc vào quy định hạn chế của mỗi nước. Cụ thể, tại Budapest, chính quyền cho phép số lượng người đến xem gần như 100% sức chức của sân vận động, với 60.000 người. Trong khi đó, tại các nơi khác, tỷ lệ người đến xem được phép dao động từ 25 đến 45%, rơi vào khoảng 10.000-15.000 khán giả.
Đứng trước mọi lời chỉ trích, UEFA khẳng định việc tổ chức các trận bóng đá hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của cơ quan y tế của các quốc gia.
“Các quyết định liên quan đến số lượng người hâm mộ tham dự các trận đấu và yêu cầu nhập cảnh vào bất kỳ quốc gia chủ nhà và sân vận động chủ nhà nào thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương có thẩm quyền và UEFA đã tuân thủ nghiêm ngặt”, UEFA tuyên bố.
Nhiều quốc gia đã lên tiếng về tình trạng số ca mắc gia tăng sau khi người hâm mộ trở về từ các trận bóng đá Euro 2020.
Giới chức y tế Scotland ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới sau khi những người này vừa tới London xem trận đấu vòng bảng giữa đội tuyển Anh và Scotland. Trong khi đó, Phần Lan cho biết trên 300 cổ động viên đã bị mắc COVID-19 sau khi đi cổ vũ đội tuyển nước nhà. Phó Thủ tướng Nga đã kêu gọi một lệnh cấm tập trung trên 500 người. Thành phố St Petersburg là nơi diễn ra trận tứ kết ngày 2/7 chỉ cho phép 50% lượng khán giả mọi khi vào sân vận động.
Đưa COVID-19 về nhà?
Italy đã cảnh báo người hâm mộ Anh không nên lợi dụng sơ hở trong quy định hạn chế COVID-19 tại nước này để lẻn vào sân vận động Rome tổ chức trận đấu tứ kết Euro 2020 giữa đội tuyển Anh và Ukraine tại ngày 3/7, ngay cả khi họ có vé.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn biến thể Delta lây lan, tháng trước, chính quyền Rome đã đưa ra quy định cách ly 5 ngày bắt buộc đối với người từ Anh nhập cảnh vào Italy. Mặc dù quy định này ban đầu có ngoại lệ đối với những chuyến công tác ngắn ngày hoặc du khách quá cảnh, song ngày 1/7, đại sứ quan Italy ở London nhấn mạnh quy định áp dụng cho tất cả người Anh.
Bất kỳ ai vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án phạt 3.000 euro. UEFA cho biết trận đấu ngày 3/7 sẽ đón 16.000 người hâm mộ – tương đương 25% sức chứa của sân vận động mọi khi.
Trong khi đó, trên 1.000 cổ động viên Thụy Sĩ sẽ tới St. Petersburg để chứng kiến trận đấu với đội tuyển Tây Ban Nha vào ngày 2/7.
Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset cảnh báo du khách nếu như đi mà không tiêm vaccine phòng ngừa sẽ là một việc làm “ngu ngốc”. “Mọi thứ đang bùng nổ với biến thể Delta. Nếu chưa tiêm vaccine, tôi sẽ không đi. Nếu bạn đã tiêm vaccine, bạn có thể. Nhưng nó vẫn có nhiều rủi ro và bạn phải đề phòng,” nhà chức trách nói.
Nguồn: Báo Tin tức