Nghệ sĩ không chỉ là “nồi cơm” của các nhãn hàng mà còn là “nồi cơm” của không ít thương hiệu làng báo.
Ngày 17/06/2021, Bộ Thông tin và truyền thông công bố Quyết định số: 874/QĐ-BTTTT “Về việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”.
Được biết hai Sở thuộc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung trên không gian mạng dành riêng cho giới văn hóa nghệ thuật.
Vì sao Thành phố Hồ Chí Minh lại phải bỏ công sức nghiên cứu bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho giới văn hóa nghệ thuật?
Một vị Bộ trưởng từng cho rằng đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các cơ sở giáo dục đại học. Nhận định này được đưa ra khi dư luận kiến nghị phải hạn chế, tiến tới bãi bỏ hình thức đào tạo tại chức bởi chất lượng rất kém của loại hình đào tạo này.
Chẳng biết sức mạnh của “nồi cơm” ấy lớn chừng nào nhưng ngày nay, Luật Giáo dục 2019 quy định các loại bằng cấp là như nhau, không phân biệt chính quy, tại chức, đại học mở hay các loại văn bằng “ngụy trang” kiểu như liên kết đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội với nước ngoài mà tác giả Hồng Thủy phản ánh. [1]
Sở dĩ nói tại chức là “nồi cơm” của nhiều trường đại học bởi học phí mà học viên tại chức đóng góp chiếm tỷ trọng khá lớn trong nguồn thu của đơn vị.
Ngoài ra, vị thế của không ít “ngài sinh viên tại chức” tại các cơ quan công quyền đã góp phần mang lại những lợi thế to lớn cho nhà trường trong không ít vụ việc, đặc biệt trong việc làm phong phú thêm chất lượng “nồi cơm” vốn là tàn dư từ thời bao cấp.
Vậy “nồi cơm” ấy liên quan gì đến giới văn hóa nghệ thuật nói chung, giới biểu diễn nói riêng và giới làm báo?
Vài năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, giáo dục,… bị ảnh hưởng nặng nề. Không phải chỉ nông dân, công nhân, người buôn bán nhỏ mà giới nghệ sĩ và một vài tờ báo, tạp chí cũng rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.
Sự thất bát của giới biểu diễn (Showbiz) bỗng nhiên lại trở thành… nồi cơm của không ít tác giả, trở thành “nguồn cảm hứng” cho không ít bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
“Showbiz” được ghép bởi hai cụm từ, từ “Show” tiếng Anh dịch sang tiếng Việt có thể là “trình diễn”, “giới thiệu”, cũng có thể dịch là “trương ra”, “phô ra”, “lòi ra”, “khoe hàng”,… Cụm từ “Biz” là viết tắt của từ “Business” nghĩa là buôn bán, kinh doanh, hoạt động thương mại.
Thế nên Showbiz ngoài nghĩa thông dụng là “Hoạt động biểu diễn” cũng còn liên quan đến chuyện các “hậu” các “vương” khoe hàng hoặc dìm hàng lẫn nhau, chuyện người ta khỏa thân “vì môi trường” hoặc chuyện “các loại U” cố tình khoe các “vòng” nhằm thu hút sự tò mò của giới ham của lạ.
Bên cạnh đó không thể không nói đến liên kết ma đạo giữa một số gương mặt được xếp vào hàng “danh” với giới hầu đồng trong các vụ làm ăn tiêu tốn của gia chủ vài chục đến cả trăm triệu đồng tiền mặt.
“Giá đồng” này trị giá bao nhiêu tiền?
Một video ghi lại cảnh người gọi là “danh hài” miệng phì phèo thuốc lá, tay cầm hàng xấp tiền phân phát cho người ngồi “hầu” xung quanh đang lưu truyền trên mạng xã hội liệu có tạo nên giá trị giáo dục hay quảng bá cho văn hóa thờ Mẫu của người Việt?
Có một nhận xét chung là lùm xùm của làng giải trí sẽ không trở nên sôi động nếu thiếu sự góp sức của một số cái tên được gọi là “danh ca, danh hài” hay một vài nghệ sĩ thuộc đẳng cấp “ưu tú” hoặc “nhân dân”.
Điều bất ngờ là không biết vì tật nói ngọng, sự vô tình hay cố ý, có người đọc chệch “tước vị” của mấy người nổi tiếng ấy là “ranh ca, ranh hài”! Trong số “ranh” ấy có người tần suất tung hô thuộc vào hàng nhất quốc, lại có người được vinh danh là nghệ sĩ nọ, nghệ sĩ kia.
Và không ít người thuộc nhóm “danh” ấy bỗng như nghiện ma túy biến thành “ngáo”.
Có trường hợp “ngáo chữ” như một người là nghệ sĩ ưu tú, từng là Phó Hiệu trưởng một trường cao đẳng nghệ thuật khi nhân vật này tung lên mạng xã hội những từ ngữ được cho là thô tục, không tương xứng với vai trò nhà giáo.
Một dạng “ngáo” khác là “ngáo danh”, loại “ngáo” này không khác mấy so với người “ngáo đá” trèo lên cột điện mà chẳng hề sợ hãi sẽ bị điện giật chết.
Kẻ “ngáo danh” là cứ tưởng với cái danh nổi như cồn của mình thì muốn làm gì cũng được, dư luận có ném đá thì cũng như gãi ghẻ nên mới nhận ủy thác tiền từ thiện nhưng om đến nửa năm trời vẫn không đi phát cho người dân vùng bị thiệt hại.
Chuyện thành viên Showbiz “ngáo tiền” thì không biết chiếm bao nhiêu phần trăm nhưng có một sự thật là không ít người nổi tiếng thực hiện các cú áp phe ngoạn mục qua các clip quảng cáo cho các thương hiệu hàng hóa nước ngoài bất kể nội dung quảng cáo đó lừa đảo chính đồng bào mình.
Thông tin trên mạng xã hội cho biết: “Tại Việt Nam giá một bài đăng Facebook của các nghệ sĩ dao động từ 10 – 70 triệu đồng, video giới thiệu sản phẩm từ 50 – 200 triệu đồng”.
Tạo ra một video quảng cáo (kể cả sai sự thật) chiếu trong vòng vài chục giây kiếm được tới 200 triệu đồng không gọi là áp phe thì gọi là gì?
Liệu có thể tin khi ca sĩ (được gán cho danh hiệu “Diva”) dội cả lít cà phê đen lên tấm vải trắng dệt từ sợi bông pha sợi hóa học (polycotton) nhưng sau khi giặt bằng loại bột giặt người này quảng cáo, tấm vải lại trắng tinh như mới?
Nữ ca sĩ dội cà phê lên tấm vải nhằm quảng cáo bột giặt ngoại
Nghệ sĩ không chỉ là “nồi cơm” của các nhãn hàng mà còn là “nồi cơm” của không ít thương hiệu làng báo.
Gõ tên một ca sĩ trong mục tìm kiếm của tờ báo điện tử nổi tiếng, ngay lập tức nhận được 197.000 kết quả. Điều đáng nói đây không phải là tìm kiếm trên nền tảng Google mà là công cụ tìm kiếm theo nội dung tin bài trong phạm vi tờ báo.
Kết quả tìm kiếm tên ca sĩ trên một tờ báo điện tử
Một hình ảnh siêu âm thai nhi trong bụng mẹ và một bức ảnh chụp cháu bé 6 tháng tuổi tình cờ giơ hai ngón tay hình chữ “V”, thế là thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt bài báo.
Một nghệ sĩ không may qua đời đã trở thành chủ đề hot cho hàng trăm bài viết trên rất nhiều tờ báo,…
Câu hỏi phải đặt ra là vì sao lại có hiện tượng này?
Câu trả lời phải chăng nằm ở thị hiếu thấp của một bộ phận độc giả hay sự kém chất lượng của không ít bài viết mà nguyên nhân đến từ sự e ngại nếu viết về những chủ đề nằm ngoài tôn chỉ mục đích đã đăng ký.
Người viết cho rằng không thể phủ nhận đóng góp to lớn của báo chí vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí,…
Báo chí cũng góp phần vào việc phát hiện, động viên, cổ vũ các gương điển hình, tích cực đấu tranh phê phán cái xấu,… song cũng phải nói thẳng báo chí không phải là bức tranh toàn màu hồng.
Để giải thích cho nhận định này, xin nêu một số tít bài:
“Bộ trưởng Bộ TT&TT nói về việc sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. (Plo.vn – 08/11/2019);
“Hạn chế “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của một số cơ quan báo chí”. (Thanhtravietnam.vn – 18/04/2018);
“Cần khắc phục tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” (Baodantoc.vn – 18/04/2018);
“Chấm dứt tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. (Nld.com.vn – 05/07/2019)
“Hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã giảm đáng kể”. (Vietnamnet.vn – 06/11/2020);…
Trong suốt ba năm từ 2018 đến 2020, sau nhiều nỗ lực của Bộ Thông tin Truyền thông, của Ban Tuyên giáo Trung ương tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” tuy đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại và vì thế không thể không đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức quản lý và trách nhiệm của người làm báo.
Phải chăng báo chí cần một cuộc “khoán 10” để có thể tự nuôi sống mình bằng những hạt gạo sạch, thu hoạch trên cánh đồng mẫu lớn chứ không phải nồi cơm được nấu bằng nguyên liệu “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-vien-ma-dang-tuyen-sinh-dao-tao-giua-long-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-post218641.gd
Xuân Dương
Nguồn: Tre làng