Trang chủ Chính trị Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa...

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

196
0

Theo danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 13 người có học hàm giáo sư (GS), học vị tiến sĩ (TS). Trong số này có 2 vị giáo sư – tiến sĩ tự ứng cử. Cánh Cò giới thiệu chân dung về 13 vị giáo sư-tiến sĩ này.

1. GS –TS Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: VGP).

GS –TS Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê Đông Anh, Hà Nội; ông có học hàm GS, học vị TS chuyên ngành Chính trị học (Xây dựng Đảng); ông đã trúng cử đại biểu Quốc hội 5 khóa liên tục (XI, XII, XIII, XIV và XV). Trong quá trình công tác ông từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước: Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước, Tổng Bí thư khóa XI, XII và XIII.

2. GS-TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Cổng thông tin báo chí Quốc hội).

GS-TS Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê Nghệ An; ông có học hàm GS, học vị TS Kinh tế; đây là lần thứ 3 ông trúng cử đại biểu Quốc hội (khóa XIII, XIV và XV). Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ; Bí thư Thành ủy Hà Nội.

3. GS –TS, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Ảnh: N.T).

GS-TS Tô Lâm sinh năm 1957, quê Hưng Yên; ông có học hàm GS, học vị TS Luật học; ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV và tái cử khóa XV. Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh 1 (Bộ Công an) Thứ trưởng Bộ Công an.

4. GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: Cổng thông tin báo chí Quốc hội).

GS –TS Nguyễn Thiện Nhân sinh năm 1953, quê Trà Vinh; ông có học hàm GS, học vị TS Kinh tế; ông là đại biểu Quốc hội khóa X,XII, XIII và XIV, nay trúng cử khóa XV. Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Thủ tướng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Thành ủy TP.HCM.

5. GS –TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: VGP).

GS-TS Nguyễn Thanh Long sinh năm 1966, quê Nam Định; ông có học hàm GS, học vị TS Y khoa; đây là lần đầu tiên ông ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội (khóa XV). Trong quá trình công tác ông từng nhiều năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, sau đó luân chuyển làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tiếp đó ông trở lại công tác tại Bộ Y tế, giữ chức Thứ trưởng Thường trực rồi quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, sau đó được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

6. GS TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

GS-TS Hoàng Văn Cường sinh năm 1963, quê Nam Định; ông có học hàm GS, học vị TS chuyên ngành Kinh tế; ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ông tự ứng cử và trúng cử. Trong quá trình công tác gắn bó với Đại học Kinh tế Quốc dân, từng giữ chức Viện trưởng Viện đào tạo sau đại học, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng từ năm 2015.

7. GS –TS, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

GS-TS Nguyễn Minh Đức sinh năm 1969, quê Nam Định; ông có học hàm GS, học vị TS Luật học; ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV, tái cử khóa XV. Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cảnh sát nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an; Ủy viên Thường trực rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

8. GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp (Ảnh: Báo Sức khỏe và đời sống)

GS –TS Nguyễn Như Hiệp sinh năm 1965, quê Thừa Thiên Huế; ông có học hàm GS, học vị TS y khoa; ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV, tái cử khóa XV. Trong quá trình công tác ông gắn với với Bệnh viện Trung ương Huế, từng giữ chức Phó Giám đốc rồi Giám đốc từ năm 2016.

9. GS –TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

GS-TS Nguyễn Thị Lan sinh năm 1974, quê Thạch Thất, Hà Nội; bà có học hàm GS, học vị TS chuyên ngành Thú y; bà là đại biểu Quốc hội khóa XIV, tái cử khóa XV. Trong quá trình công tác bà là giảng viên khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rồi giữ chức Phó Trưởng khoa; Phó Trưởng bộ môn; Trưởng phòng; năm 2014, bà giữ chức Phó Giám đốc, từ năm 2016 đến nay bà giữ chức Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

10. GS –TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
GS-TS Nguyễn Thanh Phương (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

GS-TS Nguyễn Thanh Phương sinh năm 1965, quê Vĩnh Long; ông có học hàm GS, học vị TS chuyên ngành Thủy sản; ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và tái cử khóa XV. Ông tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Cần Thơ năm 1986, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT) năm 1992 và tốt nghiệp Tiến sĩ tại Viện Quốc gia Bách Khoa Toulouse, Pháp năm 1998. Giai đoạn 2012-2018, ông là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. Từ năm 2018 đến nay, là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ.

11. GS-TS Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

GS –TS Lê Quân sinh năm 1974, quê Quảng Ngãi; ông có học hàm GS, học vị TS chuyên ngành khoa học quản lý; ông là đại biểu Quốc hội khóa XIV, tái cử khóa XV. Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; từ tháng 9/2020 đến nay ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

12. GS-TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
GS -TS Thái Văn Thành (Ảnh: Sở GD-ĐT Nghệ An).

GS-TS Thái Văn Thành sinh năm 1969, quê Nghệ An; ông có học hàm GS, học vị TS chuyên ngành quản lý giáo dục. Đây là lần đầu ông ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Khởi đầu sự nghiệp công tác (1990) đến năm 2019, ông gắn bó với Đại học Vinh, từng là giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, sau giữ chức Phó Trưởng khoa Giáo dục tiểu học; Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Tổ chức cán bộ; từ năm 2010 đến năm 2019, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Đại học Vinh; từ tháng 3/2019 đến nay ông là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.

13. GS-TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam

Chân dung 13 giáo sư trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
GS-TS Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

GS-TS Nguyễn Anh Trí sinh năm 1957, quê Quảng Bình; ông có học hàm GS, học vị TS chuyên ngành Y khoa. Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV, trên cương vị Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, ông đã tự ứng cử và trúng cử. Đến kỳ bầu cử Quốc khóa XV, ông tiếp tục tự ứng cử và trúng cử.

Trong quá trình công tác, từ năm 2003, ông đảm nhận Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, một viện vừa được tách ra từ Bệnh viện Bạch Mai và trở thành một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Anh Trí gắn với hai sự kiện có ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn, đó là “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ”. Đến năm 2017, ông nghỉ hưu, nay đảm nhiệm Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam.

Trong 499 người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, trình độ chuyên môn trên đại học có 392 người (tỷ lệ 78,56% trong tổng số người trúng cử (trong đó, Tiến sĩ là 144 người, Thạc sĩ là 248 người); Trình độ đại học có 106 người (21,24%); dưới đại học có 1 người (tỷ lệ 0,20%).

T. Chính


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây