Trang chủ Chính trị Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người...

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch

123
0

Lẽ ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta phải có luật về tình trạng khẩn cấp, một mặt để Nhà nước có quyền can thiệp, mặt khác bảo vệ quyền tự do và sinh mạng của dân.

Chưa có đạo luật về vắc xin và tiêm chủng  

TS Phạm Duy Nghĩa khẳng định, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay là tình huống khẩn cấp nên có được vắc xin nào cũng tốt. Về việc tiêm chủng diện rộng cho 75 triệu người, Việt Nam chậm hơn so với các nước. Nhiều nước đã chuẩn bị những trung tâm tiêm chủng và đào tạo để thậm chí tiệm bán thuốc hay các điểm di động trên đường cao tốc cũng có thể tiêm được.

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch
Người dân tiêm vắc xin

Vừa qua, Bộ Y tế công bố kế hoạch tổ chức khoảng 15.000 điểm tiêm cả cố định và lưu động. Quy trình tiêm cũng tương đối rõ. Nhưng nếu làm đúng như vậy sẽ phải tập huấn cho hàng vạn người hỗ trợ chiến dịch này. Bác sĩ chưa đủ và kể cả sinh viên y khoa, các trường cao đẳng y tế cũng có thể tham gia.

Ông Nghĩa đề cập đến vấn đề pháp lý. “Chúng ta chưa có đạo luật về vắc xin và tiêm chủng. Trung Quốc có luật hàng trăm điều về vấn đề này. Luật của họ năm 2019 quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ tiêm chủng”. Nghĩa là tiêm chủng không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn vì cộng đồng, nếu từ chối tiêm sẽ phải chấp nhận rất nhiều rủi ro như có thể không được tiếp cận cơ hội lao động, việc làm.

“Ở Đức, Mỹ… thì tiêm chủng là quyền của công dân, nghĩa là không được ép dân tiêm. Ta thấy ở Mỹ, Nga, thừa vắc xin nhưng số dân chấp nhận tiêm rất thấp”, ông nói.

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch
TS Phạm Duy Nghĩa: Việt Nam dân số đông nên không thể lệ thuộc hoàn toàn vào vắc xin nước ngoài

Ông cho rằng, ở Việt Nam, bộ máy chính quyền sẽ làm các việc: Giải thích cho dân hiểu về lợi ích tiêm chủng song song với việc mua vắc xin, tổ chức tiêm. Tiếp theo là bảo vệ quyền lợi của dân. Nhà nước phải làm hết sức chặt chẽ để chống vắc xin giả, hết hạn. Nếu quy trình y tế sai, không an toàn, xảy ra hậu quả bất lợi thì người dân có quyền đòi bồi thường.

Tất cả những vấn đề pháp lý như vậy chưa từng được đặt ra ở quy mô 75 triệu người. Đây là ví dụ đặc biệt để thấy Việt Nam đáng ra phải có luật về tình trạng khẩn cấp, một mặt để cho Nhà nước có quyền can thiệp, nhưng mặt khác lại bảo vệ quyền tự do dân sự và sinh mạng của dân.

Chiến lược vắc xin dài hơi

Theo TS Nguyễn Thu Anh, trong tương lai, Covid-19 sẽ không phải là đại dịch duy nhất mà còn có đại dịch, bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, việc đầu tư vào chiến lược bài bản và dài hạn rất quan trọng.

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch
TS Nguyễn Thu Anh

Việt Nam cần tự chủ về công nghệ nghiên cứu phát triển sản xuất vắc xin. Cụ thể, cần đầu tư bài bản, bền vững cho nhân lực, cơ sở hạ tầng và cho cả chuỗi cung ứng đi kèm để khi có vắc xin mới có thể sản xuất nhanh chóng.

Thứ hai là lựa chọn công nghệ mới khi quyết định đầu tư sản xuất vắc xin. Tiếp đến là nghiên cứu để tìm hiểu và phát triển các loại vắc xin chỉ dùng một liều có thể phòng được nhiều bệnh.

Cuối cùng, cần có hệ thống giám sát bệnh dịch mới nổi để phát hiện được sớm. Giám sát không chỉ là các ca bệnh mà còn phải tìm hiểu và có năng lực để giải trình tự gen của vi khuẩn, virus gây bệnh.

“Để làm được điều này, chúng ta cần có đầu tư công. Vì việc phát triển vắc xin có thể thất bại và tỷ lệ thất bại khá cao nên cần đầu tư rất lớn, khuyến khích khối tư nhân tham gia và được tiếp cận với chương trình đầu tư công để phát triển vắc xin. Chúng ta cũng cần mở rộng, nâng cao năng lực cho hệ thống triển khai tiêm chủng trên quy mô lớn với các kịch bản về dịch bệnh khác nhau”, bà khuyến cáo.

Sẵn sàng nguồn lực 

Ông Nguyễn Xuân Thành nêu vai trò của TƯ và chính quyền địa phương trong quá trình tài trợ, lập ngân sách, hình thành cơ chế khuyến khích để có được nguồn vắc xin trong tương lai.

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch
Ông Nguyễn Xuân Thành: Phải có nguồn lực tài chính sẵn sàng đối phó khủng hoảng

Nguyên tắc đầu tiên là ngân sách tài trợ để nghiên cứu phát triển, mua vắc xin, tiêm chủng. Nghĩa là thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, người dân đóng thuế và đến khi có đại dịch như Covid thì việc tiêm vắc xin với chi phí thấp và miễn phí là nhiệm vụ của Nhà nước.

Ta lập quỹ để thể hiện sự đồng thuận xã hội, nhưng phần chính vẫn phải là Nhà nước. Để đối phó với khủng hoảng, cần có ngân sách dự phòng. TƯ cũng như địa phương phải có nguồn lực tài chính sẵn sàng đối phó khủng hoảng, không chỉ là dịch Covid mà còn thiên tai hay những vấn đề khác.

Thực tế cho thấy việc sản xuất vắc xin hiện nay đều là doanh nghiệp. Vai trò của đầu tư công ở đây là tài trợ cho nỗ lực sản xuất của tư nhân và chấp nhận rủi ro. Nếu thất bại thì đấy là nhà nước hỗ trợ cho các hãng dược phẩm, trung tâm nghiên cứu của tư nhân, của trường đại học chứ không phải lập ra đề án rồi rót tiền ngân sách.

Pháp luật và quản trị nhà nước phải thay đổi

TS Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam dân số đông nên không thể lệ thuộc hoàn toàn vào vắc xin nước ngoài. Sự tự chủ của quốc gia, đảm bảo an toàn về mặt y tế cho người dân trở thành một thách thức. Trong bối cảnh đó, hệ thống pháp luật cũng như quản trị nhà nước phải thay đổi.

Luật về tình trạng khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch
Tiêm vắc xin AstraZeneca ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Về khuyến khích phát triển vắc xin, cần tạo điều kiện để hình thành các trung tâm nghiên cứu ở dạng tư nhân quản lý, tư nhân vận hành, cạnh tranh về ý tưởng và được nhà nước tài trợ cho những ý tưởng đó. Đầu tư công từ Nhà nước phải chấp nhận rủi ro, thất bại. Ví dụ Đức đầu tư 300 triệu euro vào vắc xin chống Covid nhưng vừa rồi đã tuyên bố không thành công.

Có nghĩa là pháp luật phải thay đổi một mặt theo hướng thị trường, tăng tự do và tính chịu trách nhiệm cho các đơn vị kinh doanh. Mặt khác cũng thúc đẩy nhà nước sáng tạo, dùng các công cụ mới.

Tiêm phòng vắc xin sẽ không chỉ có Covid-19 mà còn những bệnh tiếp theo có thể xảy ra, nên đây là công việc thường trực, sứ mệnh của Nhà nước. Phải định nghĩa lại vai trò của Nhà nước theo nghĩa Nhà nước kiến tạo, khởi nghiệp ở chỗ nâng đỡ từ sáng tạo tư nhân, nhưng có những cam kết chặt chẽ.

Tầm nhìn này cần được thể hiện trong đạo luật tới đây về quản lý, nghiên cứu, phát triển vắc xin, trong đó lồng những ý thúc đẩy phát triển tư nhân.

Diệu Thúy 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây