Khi cây bút chống Cộng Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 06/10/2020, dự án Project88 đã công bố một clip ghi hình Trang, do Thịnh Nguyễn quay từ năm 2019. Trong clip, Trang khuyên đồng đội đừng mở chiến dịch kêu gọi thả cô, vì những chiến dịch như vậy chỉ là một hình thức mua bán nhân quyền, mua bán tù chính trị. Chúng biến nhân quyền và các tù chính trị như Trang thành những món hàng, mà các nhà nước đem trao đổi với nhau để lấy lợi ích kinh tế, địa chính trị hoặc quốc phòng. Khi chuyện nhân quyền bị biến thành chợ trời, thì khái niệm nhân quyền sẽ bị lợi dụng sai mục đích, còn các hoạt động bảo vệ nhân quyền sẽ không tạo ra thay đổi, và chỉ phục vụ các nhà nước chứ không phục vụ dân chúng.
Vì những lý do đó, Đoan Trang đã kêu gọi đồng bọn dùng hình ảnh cô để đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chính trị cô từng tham gia, thay vì chỉ phát động một chiến dịch đòi thả người. Cụ thể, Trang viết:
“Tôi mong muốn là nếu tôi có đi tù, tất cả những hoạt động bên ngoài, những hoạt động từ trước giờ tôi vẫn làm phải tiếp tục bình thường, thậm chí mạnh hơn.
Tôi rất không tán thành việc trong một một nhóm, một tổ chức có cá nhân đi tù, lập tức cả tổ chức kêu gọi nhau: ‘nằm yên! nằm yên! nằm yên để lắng xuống.’ Trong khi đó lẽ ra việc cần làm là làm mạnh hơn.
Không có điều gì dở hơn bằng một tổ chức mà người lãnh đạo bị bắt mà tổ chức tan nát như ong vỡ tổ. Bởi vì khi điều đó diễn ra thì công an cộng sản thấy rằng họ làm đúng, họ làm việc quá hiệu quả, bắt một người mà trị được muôn người thì tại sao không bắt? Bắt được một người mà rắn dập cả đầu, tiêu diệt cả ổ thì tại sao không bắt? Nói chung là bắt nữa chứ không có chuyện nó dừng lại.
Cho nên tôi nghĩ rằng là phải cố gắng hết sức để mình tổ chức, chuẩn bị các công việc, chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị kỹ năng cho anh chị em mình. Để đến khi mình có bị bắt thì các anh chị em tiếp tục hoạt động thay mình.”
Buồn thay, 9 tháng sau ngày Đoan Trang bị bắt, mọi chuyện đang diễn ra y như những gì Trang muốn tránh.
Trước tiên, phải thừa nhận rằng sau khi Trang bị bắt, NXB Tự Do của cô đã như “rắn dập cả đầu”, “tan nát như ong vỡ tổ”. Tệ hơn, hồi tháng 5 năm nay, đã có đến 2 nhóm tự xưng là NXB Tự Do đánh nhau chí chóe trên Internet. Nhóm thứ nhất gồm một số người ẩn danh đang quảng bá sách của Đoan Trang, còn nhóm thứ hai gồm Will Nguyễn (sống ở Mỹ) và Hoa Nguyễn (sống ở Úc, là đại diện pháp lý của Trang). Khi nhóm thứ nhất tuyên bố rằng công an đã bắt một cộng tác viên của NXB Tự Do là Nguyễn Bảo Tiên, thì nhóm thứ hai nói rằng Nguyễn Bảo Tiên không tham gia NXB Tự Do, và nhóm thứ nhất là giả mạo. Dù thế nào đi nữa, cả 2 nhóm đều không còn tiến hành in sách của Đoan Trang, và các hoạt động của NXB Tự Do coi như đã chết lâm sàng. Tên tuổi của Đoan Trang cũng chẳng giúp gì cho các hoạt động liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và phiên xử “tổ Đồng Thuận”, dù đây là hai chủ đề Trang dành nhiều tâm huyết nhất, chỉ sau việc viết sách.
Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bạn Trang sẽ dành cho Trang một chiến dịch đòi thả người như thông lệ. Hồi tháng 5, tổ chức PEN tại Đức đã công nhận Trang là thành viên danh dự của mình, đồng thời đòi Nhà nước Việt Nam thả Trang “ngay lập tức”, giới chống Cộng, bao gồm Will Nguyễn và Trịnh Hữu Long, đã bày tỏ một sự phấn khởi và tự hào không giấu diếm. Hẳn họ sẽ theo đà của các sự kiện kiểu này để vận động nước ngoài đòi thả Trang, vì họ không có lựa chọn nào tốt hơn trong hoàn cảnh hiện tại.
Nhưng vì sao Đoan Trang, cũng như các nhà hoạt động khác, lại không thoát khỏi thân phận hàng hóa bị rao bán trên chợ trời nhân quyền quốc tế?
Nếu để ý, bạn sẽ thấy giới chống Cộng người Việt tồn tại được nhờ chợ trời nhân quyền quốc tế, chứ không phải nhờ các nhà hoạt động người Việt. Chừng nào một nhóm hoạt động còn được nước ngoài cấp tiền tài trợ và ô dù, thì nhóm đó còn tồn tại, dù có bao nhiêu thành viên bị bắt. Hễ có ai bị bắt, họ chỉ cần tuyển thêm người và tiếp tục trả lương. Ngược lại, bất cứ hội nhóm nào bị mất tiền tài trợ và ô dù của nước ngoài cũng sẽ chết yểu dù không có ai bị bắt, bởi họ sẽ bị các hội nhóm có tài chính dư dật để trả lương, chạy quảng cáo… cho chìm vào quên lãng. Khi tham gia một hệ thống như vậy, bất cứ nhà hoạt động nào cũng phải ưu tiên việc giải ngân dự án và giữ an toàn cho mình hơn là việc đấu tranh theo lối cảm tử. Chính vì vậy, khi tình hình chuyển theo hướng bất lợi vì thủ lĩnh bị bắt, họ đã không “hoạt động mạnh hơn” theo lời kêu gọi Đoan Trang.
Giờ đây, Phạm Đoan Trang đã trở thành hàng hóa trong chính cái hệ thống tư bản toàn cầu mà cô sùng bái và đấu tranh để đòi du nhập. Đoan Trang cung cấp một câu chuyện đáng suy ngẫm cho bất cứ ai muốn mượn sức nước ngoài để làm chính trị.
Nguyễn Biên Cương
Nguồn: Tre làng