Trang chủ Thể thao EURO 2020: Đi xem bóng đá thời COVID-19

EURO 2020: Đi xem bóng đá thời COVID-19

132
0

Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) từ xưa luôn là một ngày hội lớn đối với các tín đồ của làng túc cầu. Chính vì vậy, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến việc tổ chức EURO 2020 phải lui lại gần 1 năm song kể từ khi khai mạc, sức nóng của giải đấu này không hề bị suy giảm đối với những người yêu bóng đá trên thế giới.

Địa điểm tổ chức của những giải EURO trước đây đều chỉ diễn ra trên danh sách những sân vận động tại một hoặc hai quốc gia. Số lượng sân vận động tổ chức giải đấu sẽ từ 8 đến 11. Lần này, địa điểm tổ chức EURO 2021 khá đặc biệt khi được tổ chức tại 11 sân vận động tại 10 quốc gia khác nhau, trong đó có thành phố  St. Petersburg của Nga. Có thể nói đây là cơ hội có một không hai cho những cổ động viên bóng đá ở Nga, cũng như cánh phóng viên như chúng tôi.

EURO 2020: Đi xem bóng đá thời COVID-19Cổ động viên đội tuyển Nga tạo bầu không khí náo nhiệt tại Fanzon. Ảnh: Trần Hiếu/Pv TTXVN tại Nga

Giá vé quá hấp dẫn

Một trong những điểm nổi bật của giải EURO 2020 là do tình hình COVID-19 nên giao thông hàng không giữa các nước bị hạn chế, giá vé máy bay tăng lên, khiến cho các cổ động viên bóng đá khó có cơ hội đến sân vận động hơn. Tuy nhiên có lẽ cũng chính vì điều này mà giá vé xem EURO 2020 tại thành phố Leningrad khá hấp dẫn. Giá vé trận “hot” nhất ngày 12/6 giữa Nga và Bỉ  loại ngồi khán đài A hay B (cat.1) chỉ khoảng chưa tới 25.000 ruble (khoảng 300 USD), còn vé sau cầu môn (cat.3) chỉ khoảng 15.000 ruble (200 USD). Còn vé xem trận thứ hai Ba Lan – Slovakia, cat.3 chỉ là 3000 ruble, còn thấp hơn giá chính thức ghi trên vé (40 euro) – quá hợp lý với các phóng viên “ít điều kiện” như chúng tôi.

Công tác tổ chức tuyệt vời

Điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ là sức mạnh của tấm “hộ chiếu người cổ vũ” – thẻ “FAN ID” mà để được vào sân vận động bạn bắt buộc phải đăng ký làm tấm thẻ này. Người sở hữu FAN ID trên nguyên tắc được nhập cảnh vào Nga không cần thị thực. Những cổ động viên người Slovakia và người Ba Lan mà tôi phỏng vấn đều khẳng định họ không gặp trở ngại gì về vấn đề thị thực khi nhập cảnh vào nước Nga. Ngoài ra, người sở hữu thẻ FAN ID còn có thể đi tàu điện ngầm miễn phí trong ngày diễn ra trận đấu họ có vé – điều khiến tôi vô cùng bất ngờ khi nhận được câu giải thích từ bà bán vé tại một nhà ga metro ở St. Petersburg.

Để được nhận thẻ FAN ID, bạn chỉ cần đăng điền trên mạng số vé của mình cùng thông tin cá nhân, rồi đến các trung tâm cấp thể để lấy. Tại các trung tâm này, bạn cần lấy vé xếp hàng theo số thứ tự, rất nhiều tình nguyên viên sẽ hướng dẫn và hỗ trợ bạn. Chính nhờ các tình nguyện viên và cách xếp hàng số “điện tử” này mà dù lượng người khá đông song trung tâm cấp thể vẫn hoạt động nhịp nhàng, người không bị ùn ứ, không có cảnh chen lấn. Có thể thấy ngày nay công nghệ đã tạo một bước tiến lớn giúp cho con người trở nên văn minh, thoải mái hơn nhiều.

Các tình nguyên viên đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của sự kiện. Trên đường từ ga metro tới sân vận động, bạn luôn có thể bắt gặp những tình nguyên viên, bất chấp trời nắng nóng, tươi cười, nhiệt tình chỉ đường, hay bắt tay, làm cử chỉ thân thiện với khán giả. Có những tình nguyện viên liên tục “ra rả” thông báo qua loa, cả bằng tiếng Anh và tiếng Nga, để hướng dẫn cách tìm cổng vào số ghế. Tất cả họ khiến cho ngày hội bóng đá thêm thú vị hơn.

EURO 2020: Đi xem bóng đá thời COVID-19Việc đeo khẩu trang là bắt buộc đối với mọi cổ động viên EURO 2020, nhưng không nhiều người tuân thủ quy định này. Ảnh: Trần Hiếu/Pv TTXVN tại Nga

Sân vận động cũng là một điểm nhấn. Sân Gazprom Arena – sân nhà của đội bóng Zenit St. Petersburg vừa vô địch Nga năm nay là sân vận động rất hiện đại, đạt tiêu chuẩn của UEFA và FIFA. Khi đã lọt vào trong sân, sự hoành tráng và vẻ đẹp của nó sẽ khiến bạn phải mê mẩn. Đồng thời cảm hứng bóng đá cũng vì thế mà dâng cao hơn. Gazprom Arena có sức chứa hơn 60.000 khán giả. Tuy nhiên theo qui định của UEFA, để phòng tránh dịch sân vận động chỉ được lấp đầy tối đa 50% sức chứa. Trận đấu giữa hai đội Ba Lan và Sovakia là trận không có đội chủ nhà Nga, vì thế số khán giả vào sân ít hơn đáng kể trận Nga – Bỉ. Đây có lẽ là một tổn thất kinh tế vô cùng lớn đối với các nhà tổ chức. Chỉ cần biết rằng doanh thu từ bán vé tất cả các trận đấu trong EURO 2020 đều giảm một nửa thì có thể thấy mức thiệt hại này lớn biết bao.

Do sân Gazprom Arena được xây trên một đảo bên sông Neva, nên các trận đấu hoàn toàn không gây ách tắc giao thông trong thành phố. Khán giả có thể đến sân vận động qua 2 bến metro rất thuận tiện. Khi kết thúc trận đấu, do các bến metro này chỉ phục vụ cho sân vận động nên khi ra về khán giả được mở cửa đi thẳng xuống metro không phải trả tiền vé, nhờ đó giúp giải phóng nhanh lưu lượng người trong sân vận động, tạo cảm giác thoải mái, không phải chen chúc.

Trận đấu tưởng không hay mà hay không tưởng

Do không có đội chủ nhà Nga, nên trận Ba Lan – Slovakia bị xem nhẹ. Tôi cũng chỉ định mua vé đến check-in để cảm nhận không khí ngày hội bóng đá, song trận đấu lại diễn ra rất hấp dẫn. Ban đầu tôi còn nghĩ Ba Lan và Slovakia chỉ là hai đội “làng nhàng” ở châu Âu, nhưng sau khi nghe xướng tên cầu thủ hai đội ra sân thi đấu, tôi thực sự bất ngờ và thực tế trận đấu cũng như vậy.

Đội tuyển Slovakia có khá nhiều hảo thủ như đội trưởng Marek Hamsik, trung vệ Milan Škriniar đá cho Inter Milan, tiền vệ Juraj Kucka đá cho Parma – điều mà tôi chỉ biết khi nói chuyện với các cổ động viên Slovakia, và cuối cùng là cầu thủ tôi đặc biệt ấn tượng trên sân với màn qua người góp công lớn vào bàn thắng đầu tiên của Slovakia là Róbert Mak mang số áo 20. Bên phía Ba Lan cũng không hề thua kém với chân sút Robert Lewandowski nổi tiếng của câu lạc bộ Bayer Munich, thủ môn Wojciech Szczęsny, tiền vệ trung tâm Mateusz Klich đá có Leed United.

Trên khán đài, nhất là khu vực của tôi, các cổ động viên Ba Lan gần như áp đảo hoàn toàn các cổ động viên Slovakia. Cánh gà của tôi không hiểu thế nào lại đúng là nơi tập trung các cổ động viên Ba Lan. Thế là họ hát, hô khẩu hiệu, vỗ tay cổ vũ cho các cầu thủ Ba Lan suốt cả 90 phút thi đấu. Mặc dù vậy, diễn biến trên sân cỏ lại hoàn toàn khác. Ngay từ đầu, tốc độ trận đấu đã được đẩy lên rất cao mà theo quan sát của tôi, nếu không có lực lượng đủ mạnh, đội yếu hơn sẽ bị quần cho “hoa mắt”.

Slovakia có vẻ như áp dụng chiến thuật phòng thủ chặt và phản công nhanh, những đường lên bóng của họ rất sắc sảo và trong một lần lên bóng như vậy, bàn thắng đã đến. Bóng được đẩy sang cánh trái cho cầu thủ Róbert Mak, cầu thủ này có pha qua người tuyệt hay rồi tung cú sút mạnh, bóng bật vào cột dọc bật vào vai thủ thành Szczęsny đi vào lưới. Tỷ số 1-0 được duy trì đến hết hiệp một của trận đấu. Một cổ động viên Ba Lan ngồi cạnh đã bày tỏ rằng đó là bàn “ăn may”, tuy nhiên tôi có cảm giác như Slovakia đang sử dụng chiến thuật ru ngủ để đưa đội Ba Lan vào bẫy.

EURO 2020: Đi xem bóng đá thời COVID-19Niềm vui của các cổ động viên Slovakia khi đội nhà giành chiến thắng thuyết phục trước Ba Lan tại trận đấu bảng E, vòng chung kết EURO 2020 ở Saint Petersburg, Nga ngày 14/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Những nỗ lực không ngừng nhằm san bằng tỷ số của Ban Lan sang đến ngay đầu hiệp hai cũng đã được đền đáp. Người đệm bóng vào khung thành Slovakia là cầu thủ Linetty. Tuy nhiên, người hâm mộ Đại bàng trắng chỉ có khoảng 15 phút để vui mừng trước khi tai họa ập đến. Phút 62, tiền vệ Krychowiak phạm lỗi thô bạo với đối phương và phải nhận thẻ vàng thứ hai. Thế là Ba Lan chỉ còn có 10 người sau khi cầu thủ số 10 phải ra sân. 15 phút sau, Slovakia tận dụng thành công lợi thế hơn người. Hậu vệ Škriniar đỡ bóng một chạm rồi tung cú vô-lê rất đẹp, không thể cản phá, đưa Slovakia vượt lên dẫn trước và dập tắt hy vọng của đội tuyển Ba Lan. Hàng hậu vệ của Slovakia, dưới sự chỉ huy của Škriniar hầu như đã hóa giải mọi đợt tấn công của tuyển Ba Lan. Kết quả này là kết cục buồn cho rất nhiều cổ động viên Ba Lan ngồi quanh tôi, dù họ đã cổ vũ hết mình.

Duy Trinh (Pv TTXVN từ St. Petersburg)

EURO 2020: Đi xem bóng đá thời COVID-19

EURO 2020: Đức – Pháp: Trận thư hùng của những nhà vô địch thế giới

Trong khi Pháp vẫn tiếp tục duy trì phong độ cao sau chức vô địch World Cup 2018 thì Đức lại đang loay hoay tìm lại ánh hào quang của thế hệ vàng từng đứng trên đỉnh thế giới năm 2014.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây